Câu chuyện quanh tờ hóa đơn của ngành cấp nước

19/07/2024 - 07:12

PNO - Hướng đến kỷ niệm 150 năm ngành cấp nước Sài Gòn - TPHCM, tôi tự hào mình là một nhân viên của ngành hơn 30 năm qua.

Những ngày đầu tiên vào làm việc, khoảng giữa năm 1990, tôi được phân công vào đội điện toán thuộc Xí nghiệp Phân phối nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO). Tuy chỉ là đơn vị nhỏ của SAWACO nhưng đội phải đảm nhiệm phát hành hóa đơn tiền nước cho toàn thành phố. Sự chính xác trong từng khâu lập hóa đơn đòi hỏi người làm phải tập trung.

Nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành tư vấn cho khách hàng  về cách đăng ký cấp nước, đóng tiền nước trực tuyến - ẢNH: ĐỖ TRỌNG DANH
Nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành tư vấn cho khách hàng về cách đăng ký cấp nước, đóng tiền nước trực tuyến - Ảnh: Đỗ Trọng Danh

Tuổi còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm nhưng nhờ cách làm việc qua máy, tôi đã học được nhiều điều. Khi đó, các cô, các bác còn phải nhập dữ liệu bằng máy xuyên phiếu, tức là đục lỗ từng tờ giấy chuyên môn, trên đó là dữ liệu phục vụ cho việc lập hóa đơn. Các cô tập trung trên cả mấy trăm cuốn sổ, đọc số trong tháng, phải làm việc 2 ca, nhập xong đưa vào máy IBM xử lý dữ liệu, chỉnh sửa sai sót. Hóa đơn được in bằng máy IBM, phát hành và chuyển cho đội thu tiền. Tiền thu về phải nhập biên lai hóa đơn đã thanh toán bằng máy xuyên phiếu trong ngày để cung cấp số liệu doanh thu cho phòng kế toán công ty.

Khoảng từ năm 1990-1992, máy vi tính bắt đầu được nhập vào Việt Nam, nhân viên phải đi học để có thể vận hành. Dàn máy IBM cũ kỹ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của chúng. Với máy vi tính, dữ liệu được lưu qua đĩa, qua ổ cứng và in hóa đơn bằng máy in kim. Mất rất nhiều thời gian cho tốc độ in bằng máy văn phòng, băng mực thay liên tục, thậm chí còn phải quét băng mực bằng tay.

Khối lượng in hóa đơn quá nhiều, thiết bị không đủ đáp ứng, nhưng nếu chậm trễ thì ảnh hưởng tới tiến độ phát hành hóa đơn. Sau khi in, số hóa đơn được cắt và xếp theo thứ tự danh bộ để chuyển cho đội thu tiền, từ đó phân công nhân viên đi thu theo khu vực. Nhân viên làm việc hết công suất, có lúc phải làm thêm ngoài giờ, mới kịp tiến độ.

Khi đó, việc nhập dữ liệu đọc số và cùi hóa đơn vẫn bằng tay. Công việc dồn ứ khiến ai cũng căng thẳng, mệt mỏi. Nhìn từng chồng sổ gửi về hằng ngày cùng những bao cùi hóa đơn, mọi người ngán ngẩm, nhưng vì trách nhiệm nên ai cũng tự nhủ phải cố gắng, động viên lẫn nhau. Kể ra để thấy dù có máy móc hiện đại hơn, công sức con người vẫn là chính.

Từ năm 1993 đến 2000, theo định hướng phát triển, công ty trang bị dàn máy in bán công nghiệp chạy bằng chương trình Oracle, con người đỡ vất vả hơn, xử lý dữ liệu nhanh hơn. Từ năm 2000, tất cả dữ liệu được xử lý trên hệ thống Billing, được các đơn vị truyền về tổng công ty, khai thác, rất thuận tiện cho việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị, khắc phục được những khuyết điểm ở chương trình cũ.

Việc đọc số cũng bằng chương trình Handheld, không còn phải qua khâu nhập liệu bằng tay. Mọi khâu cập nhật dữ liệu biến động khách hàng, lập hóa đơn, phát hành hóa đơn, tính tiền đều nhanh chóng, thuận lợi.

Từ năm 2020, nhờ phát hành hóa đơn điện tử, nhân viên ngành cấp nước không còn phải đi thu tiền từng khách hàng mà khách hàng tự lên website kiểm tra hóa đơn nhà mình và thanh toán qua các ứng dụng (app). Tiện lợi cho cả đôi bên.

Trải qua 30 năm, tôi luôn tự hào được làm việc ở một ngành đặc thù của thành phố, ở SAWACO. Tổng công ty đã thay đổi theo hướng ngày càng hiện đại để phục vụ người dân tốt nhất. Trong hành trình 150 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm, cho đến nay, SAWACO có thể tự hào đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp nước sạch, an toàn, chất lượng cho hàng chục triệu người dân TPHCM.

Tất cả những cột mốc mà tôi đã kể trên quanh tờ hóa đơn cho thấy quá trình nỗ lực không ngừng của bao thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành nước trong từng khâu để ngày càng hoàn thiện mình, qua đó mang lại sự tiện ích, thuận lợi cũng như góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.

Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì: trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba: mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

Lê Bích Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI