Câu chuyện phía sau những chiếc áo dài

15/11/2020 - 20:21

PNO - Vừa qua, Bảo tàng Áo dài Việt Nam vừa tiếp nhận 7 chiếc áo dài từ những nhân vật có đóng góp, truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Họ gồm: nhà giáo Nguyễn Bình Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới Trần Đoàn Lâm, nghệ nhân ví dặm Hồng Oanh, nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thành, vận động viên Paragames Hồng Lợi - nhà thiết kế Tường Nghĩa. 

Đây là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Lễ hội Áo dài TPHCM 2020.

Những chiếc áo dài vừa được tiếp nhận
Những chiếc áo dài vừa được tiếp nhận

7 chiếc áo dài này góp thêm vào kho tư liệu quý giá hơn 1.000 chiếc áo dài mà Bảo tàng đã sưu tầm nhiều năm qua từ những cá nhân ưu tú trong nhiều lĩnh vực. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng áo dài cho biết trước nay việc tiếp nhận áo dài thường diễn ra âm thầm, nhưng năm nay tổ chức một buổi lễ hẳn hoi. “Dịch bệnh khiến nhiều hoạt động đời sống bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi muốn mọi người biết công tác bảo tàng, sưu tầm áo dài có ý nghĩa vẫn diễn ra. Buổi tiếp nhận này cũng là không gian để mọi người được giao lưu, trao đổi những câu chuyện ý nghĩa”. 

7 tà áo đều mang những câu chuyện khác nhau. Chẳng hạn, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên tặng chiếc áo dài bà từng mặc tháp tùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước Nga vào tháng 9/2018. Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga tặng chiếc áo dài bà từng mặc tháp tùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào năm 2015. Chiếc áo dài cũng là “người se duyên” cho vận động viên khuyết tật Hồng Lợi và NTK Tường Nghĩa. 

Chiếc áo dài bà Đặng Thị Bích Liên tặng cho bảo tàng
Chiếc áo dài bà Đặng Thị Bích Liên tặng cho bảo tàng

Trong không khí ngày Nhà giáo Việt Nam đang cận kề, chiếc áo dài của nhà giáo Nguyễn Bình Minh gây xúc động. Trong suốt cuộc đời mình, bà tự may áo dài để mặc. Vì thế, mỗi chiếc áo đều chứa đầy tình cảm. Chiếc áo nhà giáo Nguyễn Bình Minh gửi tặng có màu xám xanh nhạt, từng được bà mặc lên bục giảng, tham gia một số sự kiện.

Năm nay bà đã 89 tuổi nhưng vẫn minh mẫn và còn chơi được những nhạc cụ với nhiều bài hát mang tình yêu quê hương, đất nước. Nhà giáo Nguyễn Bình Minh là người thầy của nhiều thế hệ học sinh. Bà từng công tác tại trường Gia Long Minh Khai, Văn Khoa... 

Nhà giáo Nguyễn Bình Minh (thứ hai từ phải sang) trao áo dài cho bà Nguyễn Thị Ngọc Vân
Nhà giáo Nguyễn Bình Minh (thứ hai từ phải sang) trao áo dài cho bà Huỳnh Ngọc Vân (thứ hai từ trái sang)

“Câu chuyện của nhà giáo Nguyễn Bình Minh trong những ngày này thực sự ý nghĩa. Bà là một tấm gương sáng trong lĩnh vực giáo dục và lòng yêu nước nồng nàn, và một tình yêu sâu đậm với chiếc áo dài. Vì thế, chúng tôi muốn gửi câu chuyện này đến công chúng”, bà Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ.

Nhà giáo Nguyễn Bình Minh từng công tác tại Ban Trí vận thuộc Mặt trận khu ủy Sài Gòn Gia Định (từng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Cá nhân nhà giáo Nguyễn Bình Minh từng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Ở tuổi 89, nhà giáo Nguyễn Bình Minh vẫn minh mẫn, chơi đàn tốt
Ở tuổi 89, nhà giáo Nguyễn Bình Minh vẫn minh mẫn, chơi đàn tốt

Đặc biệt, nhà giáo Nguyễn Bình Minh từng là cô giáo của bà Huỳnh Ngọc Vân tại trường THPT Minh Khai. Tuy nhiên, quá trình thuyết phục nữ nhà giáo kỳ cựu cũng tốn nhiều thời gian vì bà rất quý những tà áo dài, đến nay vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Ngày nhận được sự đồng ý từ cô giáo cũ, bà Vân rất vui vui mừng.

Cá nhân bà Vân và bảo tàng sẽ tiếp tục hành trình thu thập những chiếc áo dài có ý nghĩa, gắn với những nhân vật có đóng góp. Hiện tại, hơn 1.000 chiếc áo nằm trong kho tư liệu vẫn chưa bao quát được các lĩnh vực của đời sống. Để có được áo của nghệ nhân hát xoan bà phải đi tận Phú Thọ, nghệ nhân ca trù thì đến Hải Dương, nghệ nhân đờn ca tài tử thì đi các tỉnh miền Tây… Hầu hết họ đều dành tình cảm rất sâu đậm cho áo dài nên phải mất thời gian để thuyết phục, nhằm có được những chiếc áo ý nghĩa nhất.

“Chúng tôi đang còn thiếu những lĩnh vực như du lịch, ngân hàng… Chúng tôi đã có đề xuất để xin áo dài từ một số đơn vị danh tiếng, uy tín, từ hơn 1 năm trước. Nhưng đó phải là cá nhân tiêu biểu, có đóng góp tích cực, phù hợp với tiêu chí của hiện vật trưng bày ở bảo tàng. Nhưng thời gian qua có lẽ do dịch bệnh nên mọi người đang tập trung cho nhiều việc khác. Tôi vẫn đang cố gắng để có được những chiếc áo ý nghĩa”, bà Vân chia sẻ. 

Việc thu thập này cũng góp phần đáng kể vào hồ sơ để áo dài được công nhận là di sản, cho thấy sức sống và sự ảnh hưởng rộng khắp của chúng trong đời sống. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI