Câu chuyện ít người biết về chiếc khẩu trang

06/08/2020 - 06:00

PNO - Có lẽ ít ai nghĩ rằng, đến một ngày nào đó chiếc khẩu trang bé nhỏ lại trở thành một vật bất ly thân cho bất cứ ai như trong thời điểm hiện nay.

Bạn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, sử dụng phương tiện công cộng, vào mua sắm trong siêu thị hoặc tiệm tạp hóa. Thậm chí mới đây, một số nước trên thế giới đã ra quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang kể cả khi đang ở trong chính ngôi nhà của bạn nhằm bảo vệ người già, vốn là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm COVID-19.

Thử cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu thêm về một vật phòng thân “nhỏ mà có võ” này nhé.

Châu Âu thế kỷ 17

Nhằm đối phó với nạn dịch hạch mang tên “cái chết đen” bùng phát và lan khắp châu Âu cướp đi mạng sống của hơn 25 triệu người vào thế kỷ 17, các bác sĩ đã tạo ra một loại mũ đặc biệt trùm kín đầu cùng với 1 chiếc mũi dài như chiếc mỏ chim.

Mỗi khi khám bệnh, bác sĩ thường đeo chiếc mũ này và xịt thêm một số loại nước hoa hoặc hương liệu đặc chế mà họ tin rằng có thể giúp ngăn chặn được sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh trong không khí.

Một mô hình mô phỏng lại chiếc mũ che mặt này hiện đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng lịch sử Đức ở Berlin.

Chiếc mũ che mặt, được xem là chiếc khẩu trang đầu tiên xuất hiện ở thế kỷ 17. Ảnh Internet
Chiếc mũ che mặt, được xem là chiếc khẩu trang đầu tiên xuất hiện ở thế kỷ 17- Ảnh: Internet

Thế kỷ 19

Những quý bà châu Âu rất ưa chuộng một loại mạng che mặt thời trang được thiết kế riêng cho giới quý tộc để không chỉ giúp họ chống lại tình trạng ô nhiễm bụi vốn nghiêm trọng với người dân châu Âu thời đó, mà còn vì mục đích làm đẹp.

Trong bài báo xuất bản năm 1878 có nêu chi tiết một bác sĩ người Mỹ có tên là A.J. Jessup đã khuyên người dân cần mang khăn che mặt làm bằng chất liệu cotton che kín miệng và mũi nhằm giúp hạn chế sự lây lan của bệnh dịch.

Tuy nhiên, thời điểm ấy khuyến nghị của ông hoàn toàn bị phớt lờ bởi dân chúng. Chỉ có giới chức cảnh sát và nhân viên y tế là bắt buộc phải đeo vì đặc thù nghề nghiệp.

Mạng che mặt được giới phụ nữ quý tộc phương Tây ở thế kỷ 19 ưa chuộng - Ảnh: Internet
Mạng che mặt được giới phụ nữ quý tộc phương Tây ở thế kỷ 19 ưa chuộng - Ảnh: Internet

 Đầu thế kỷ 20

Vào năm 1905, Alice Hamilton, một bác sĩ người Mỹ ở Chicago đã công bố bài báo khoa học của mình trên tạp chí thuộc Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ.

Theo đó, kết quả nghiên cứu của bà cho thấy vi khuẩn liên cầu phát tán qua các giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khóc hoặc khi các bác sĩ trao đổi với nhau trong quá trình khám chữa bệnh. Bà kết luận rằng, đeo khẩu trang sẽ giúp ngăn ngừa được tình tình trạng này.

Đến năm 1910, đại dịch viêm phổi tấn công Mãn Châu (Trung Quốc). Lúc đó, bác sĩ Wu Lien-Teh, vốn là người gốc Hoa đầu tiên du học ngành Y ở trường Cambridge danh tiếng, cho rằng dịch bệnh này chủ yếu lan truyền qua không khí; và ông đã sáng chế ra một loại khẩu trang dùng được cho cả trong môi trường bệnh viện lẫn ngoài cộng đồng.

Khẩu trang được sử dụng trong dịch vụ y tế. Ảnh tư liệu của Đại học Cambridge
Khẩu trang được sử dụng trong dịch vụ y tế - Ảnh tư liệu của Đại học Cambridge

Trong cả giai đoạn đại dịch cúm lan rộng toàn cầu vào năm 1918, khẩu trang đã được yêu cầu sử dụng cho các y bác sĩ và nhân viên y tế tại Mỹ. Với công chúng thì chỉ mới dừng lại ở mức độ khuyến khích mà thôi.

Tại thành phố Seattle nơi mà hệ thống xe điện bắt buộc người dân sử dụng dịch vụ phải đeo khẩu trang, Hội chữ thập Đỏ địa phương đã phát ra hơn 260.000 chiếc khẩu trang cho dân chúng chỉ trong vòng 3 ngày.

Đến năm 1920, khẩu trang được đưa vào danh mục bắt buộc phải sử dụng trong các phòng phẫu thuật.

Người dân phải đeo khẩu trang trước khi lên xe điện ở Seattle năm 1918. Ảnh tư liệu
Người dân phải đeo khẩu trang trước khi lên xe điện ở Seattle năm 1918 - Ảnh tư liệu

Thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2

Tình trạng ô nhiễm không khí đến mức nghẹt thở xảy ra ở nước Anh, nhất là ở thủ đô London, đã khiến người dân phải sử dụng khẩu trang ngừa bụi bẩn.

Dần sau đó khi nền công nghiệp hóa phát triển và gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở các quốc gia khác thì khẩu trang cũng dần phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc, và nhiều nơi khác.

Ban nhạc huyền thoại The Beattle đeo khẩu trang chống bụi bẩn ở thành phố Manchester, Anh, năm 1965. Ảnh Internet
Ban nhạc huyền thoại The Beatles đeo khẩu trang chống bụi bẩn ở thành phố Manchester, Anh, năm 1965 - Ảnh Internet

Vào tháng 1 năm 2010, đúng một tháng trước khi qua đời, nhà thiết kế thời trang người Anh Alexander McQueen đã ra mắt một bộ sưu tập khẩu trang nam nhằm tôn vinh chiếc khẩu trang che mặt.

Trong khi các sản phẩm khẩu trang của McQueen đi theo trường phái nghệ thuật trừu tượng thì các nhà thiết kế khác lại hướng vào thị trường Trung Quốc cho nhu cầu ngày càng tăng của việc sử dụng khẩu trang như là một món đồ thời trang cá nhân hàng ngày bên cạnh túi xách và đồ trang sức.

Khẩu trang chinh thức bước lên sàn diễn thời trang. Ảnh: AFP/Getty Images
Khẩu trang chính thức bước lên sàn diễn thời trang - Ảnh: AFP/Getty Images

Giờ đây, khi mà đại dịch coronavirus đang càn quét khắp toàn cầu thì hàng loạt những loại khẩu sang vải truyền thống cũng như khẩu trang in bằng công nghệ 3D đang được xem là xu hướng của khẩu trang thế kỷ 21.

Khẩu trang 3D được bày bán rộng rãi trên đường phố Indonesia trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters
Khẩu trang 3D được bày bán rộng rãi trên đường phố Indonesia trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI