PNO - Những câu chuyện được truyền miệng từ những lứa học trò đã cũ, về người thầy nghệ sĩ đáng kính của mình. Có người nhớ, có kẻ quên, nhưng cái tình của những người tận tụy đưa đò thì mãi mãi ở lại…
Những câu chuyện bên ngoài bục giảng, không có những bài học làm nghề, không chuyên môn thuần túy, không có ranh giới vô hình của kẻ đi trước và thế hệ kế thừa. Những câu chuyện được truyền miệng từ những lứa học trò đã cũ, về người thầy nghệ sĩ đáng kính của mình. Có người nhớ, có kẻ quên, nhưng cái tình của những người tận tụy đưa đò thì mãi mãi ở lại…
Câu chuyện về một “chiếc đàn ảo”
Từ mười năm nay, cứ vào mỗi cuối tuần, ngôi nhà âm nhạc Tuyết Mai (đường Phạm Viết Chánh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại rộn rã vang lên tiếng đàn dân tộc. Âm thanh của những giai điệu còn chưa tinh, chưa đẹp, đôi khi còn inh ỏi, chí chóe từ nhiều nhạc cụ đồng loạt phát ra từ những ngón tay còn lóng ngóng, vụng về của các học viên mới.
Với cô giáo thạc sĩ - NSƯT Tuyết Mai (Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen), đó là những âm thanh đáng được khuyến khích, nâng niu. Cô đọc được trong mớ âm thanh ấy tình yêu trong ngần dành cho nhạc cụ dân tộc. Cô không kỳ vọng các học viên của mình trở thành nhạc công, nhạc sĩ sau những khóa học ngắn ngủi, mà chỉ mong phổ cập được kiến thức về âm nhạc dân tộc cho những ai yêu mến nó. Họ gọi đúng tên đàn: bầu, tranh, kìm, t’rưng, tam thập lục… là cô vui. Họ biết được cấu tạo, nguồn gốc của các loại nhạc cụ này là cô như được truyền cảm hứng. Lớp “Học và tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống Việt Nam miễn phí” của cô ra đời từ tâm huyết đó, được khắp nơi biết đến với hàng trăm học viên tham dự, đến nay vẫn không ngừng rộn rã thanh âm sau mười năm bền bỉ duy trì.
Thạc sĩ - NSƯT Tuyết Mai cùng các học trò tại ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai
Nhiều cụ học viên lớn tuổi của các khóa đầu, nay đã mang tiếng đàn về bên kia thế giới. Có cụ tuổi đã ngoài bảy mươi vẫn say mê đàn, ngặt nỗi ngày càng lãng tai nên không còn theo học. Nhưng cụ vẫn nhớ lớp, nhớ cô, vẫn gọi điện thoại hỏi thăm cô mỗi khi có dịp. Cứ tới ngày 20/11, là lại nhờ con cái gửi quà biếu cô.
Học trò của cô Tuyết Mai kể lại, vì lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau, nên để dễ tiếp thu, thay vì trao đổi bằng những từ ngữ chuyên môn trong nhạc lý, cô lại ví von những dây đàn như một chiếc cầu thang để họ dễ hình dung. Một chiếc đàn chơi được khá đắt tiền, sợ học trò không đủ điều kiện mua, cô chỉ họ cách làm một chiếc “đàn ảo” về nhà tự tập luyện mà vẫn hiệu quả.
“Đàn ảo” được làm từ một miếng bìa cạc-tông, được đo và cắt bằng với khổ của cây đàn thật, rồi vẽ số dây tương ứng lên đó. Chiếc “đàn ảo” từng theo cô suốt những năm tháng ấu thơ nghèo khó, giờ đây, nó không chỉ giúp học trò của cô chạm đến ước mơ chơi được một loại nhạc cụ dân tộc, mà còn khiến họ nhận ra rằng “ước mơ không nhất thiết phải mua bằng tiền, mà chỉ trở thành hiện thực khi có đủ đam mê và lòng kiên nhẫn”. Rồi từ bài học về chiếc “đàn ảo”, nhà giáo nghệ sĩ tuổi hưu ấy lại cặm cụi mang tiền lương, thù lao biểu diễn về bỏ ống heo. Khi nào heo đủ mập, là lúc cô biến “đàn ảo” thành chiếc đàn thật, để tặng cho những cô cậu học trò ít điều kiện nhưng nhiều đam mê của mình.
Câu chuyện về cô giáo bị tai biến vẫn hát cải lương sang sảng
Cô giáo ấy là nhà giáo - đạo diễn Kim Loan, cùng chồng là thạc sĩ - nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, sau mấy chục năm công tác ở trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, đã đào tạo biết bao học trò nay là những nghệ sĩ, nhạc sĩ thành danh. Thầy cô còn chung tay thắp lửa cho hàng trăm trái tim say mê nghệ thuật tài tử cải lương. Công trình dài hơi và đầy tâm huyết nhất của họ là câu lạc bộ tài tử - cải lương Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, nơi thầy giữ vai trò chủ nhiệm, cô là phó chủ nhiệm phụ trách chuyên môn.
Ra đời mười lăm năm nay, câu lạc bộ thu hút hàng trăm thành viên đến học ca học diễn miễn phí, được tham gia những sân chơi giao lưu hằng tháng. Để rồi những chị bán phở, những cô giáo, nhân viên ngân hàng, những anh tài xế, soát vé, bác sĩ, kế toán… thoáng chốc đã biến thành vua chúa khoác long bào rực rỡ, hay cô thôn nữ e ấp thẹn thùng trong tà áo bà ba. “Tay ngang” đến với bộ môn này chỉ bằng tình yêu nghệ thuật, thầy cô đã phải vất vả hướng dẫn học viên từ vỡ lòng tới nhịp nhàng, bài bản, vũ đạo. Dẫu không thể sánh bằng chuyên nghiệp, nhưng chí ít cũng lột tả được tâm trạng nhân vật mình đang thể hiện.
Thạc sĩ - nhạc sĩ Nhứt Dũng và đạo diễn Kim Loan - cặp đôi nhà giáo tận tâm truyền dạy nghệ thuật tài tử cải lương
Năm 2014, cô Kim Loan đột nhiên bị tai biến khiến khuôn mặt biến dạng, nhưng thầy cô vẫn không buông bỏ những công trình tâm huyết. Có khi cô Kim Loan đeo khẩu trang mà vẫn bám câu lạc bộ, vẫn sang sảng ca hát thị phạm cho học trò. Tổ nghiệp dẫn dắt, cuối cùng cũng nhờ một học trò quê Kiên Giang chỉ giúp một phương thuốc dân gian, sức khỏe cô đã phục hồi ngoạn mục. Giọng ca cô vẫn ngọt ngào, truyền cảm và đầy nội lực. Thầy cô cảm kích: “Học trò là vốn quý, có nhiều kinh nghiệm hay. Chúng tôi có “cho” gì đâu mà đã “nhận” rất nhiều. Tình yêu nghệ thuật cho các bạn cuộc sống phong phú hơn, phát huy hết tiềm năng của mình, nhiều bạn còn đem lời ca tiếng hát, biểu diễn phục vụ khu chế xuất, vùng xa xôi hẻo lánh, góp ích cho đời. Con đường mình chọn dẫu cực khổ và không mang lại nhiều tiền bạc, nhưng cho chúng tôi cảm giác viên mãn của người đưa đò...”.
Câu chuyện về một danh hiệu đáng quý hơn mọi danh hiệu
Nếu không được giới thiệu trước, ít ai ngờ NSND Trần Minh Ngọc là thầy của hầu hết NSND, NSƯT trưởng thành từ sân khấu TP.HCM. Có lẽ hiếm có trường hợp nào được như ông, khi tên Trần Minh Ngọc có trong danh sách chính thức được phong tặng danh hiệu NSND, các học trò của ông nhảy cẫng lên hò reo mừng rỡ còn hơn chính họ được trao tặng danh hiệu.
Những lứa học trò của ông lần lượt được phong tặng danh hiệu NSƯT, rồi có người trở thành NSND, nhưng ông vẫn cứ giậm chân ở vị trí NSƯT. Học trò có người ấm ức thay ông, có người cảm thấy ái ngại vì mình không thể xứng đáng được xếp ngang hàng danh hiệu với thầy của mình. Nhưng ông vẫn cứ thản nhiên với sự thiệt thòi đó, vẫn đầy nhiệt huyết với cả công việc đạo diễn lẫn làm người đưa đò. Vẫn một mình một xe máy có mặt ở khắp các sân khấu trong những buổi phúc khảo vở mới với tư cách thành viên Hội đồng nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM). Bao giờ cũng vậy, ông luôn chăm chú theo dõi suốt vở diễn để đưa ra những nhận xét, góp ý chân thành, giúp đạo diễn có được bản dựng hoàn chỉnh nhất.
Tự làm khó chính mình trong giảng dạy và dàn dựng, với mong muốn phát huy tối đa sự sáng tạo của học trò, NSND Trần Minh Ngọc không chọn lối đi nhanh là thị phạm, mà hết lòng phân tích để họ khai thác hành động, tâm lý… nhân vật theo cảm nhận và tư duy của mình. Rất nhiều lần, chỉ một lớp diễn ngắn, ông có thể mất cả tiếng đồng hồ giải thích hoặc tìm cách khơi gợi để sinh viên, diễn viên tìm được cách hóa thân tốt nhất. Sợ học trò “mất tinh thần”, ông liên tục động viên: “Em làm gần được rồi đấy, cố gắng thêm chút nữa”.
NSND Trần Minh Ngọc và các thế hệ học trò
Không ít đạo diễn đi trước thường phản bác ngay khi ngôn ngữ đạo diễn trên sân khấu có vẻ rối rắm, khó hiểu, nhưng với NSND Trần Minh Ngọc, ông chỉ nhẹ nhàng hỏi đạo diễn đáng tuổi con cháu mình sau khi xem báo cáo vở diễn: “Ý của em ở chỗ đấy là gì? Tôi chưa hiểu rõ lắm”. Và khi lời giải thích đủ sức thuyết phục, ông sẵn sàng đón nhận sáng tạo đó. Ông đánh giá cao lớp trẻ ngày nay, bởi ngoài sức trẻ, thế hệ đạo diễn, diễn viên hiện nay có nhiều điều kiện tiếp cận các nền sân khấu và phương tiện kỹ thuật hiện đại. “Các em rất giàu sức sáng tạo và những ý tưởng rất độc đáo. Cái thiếu ở các em là vốn sống và kinh nghiệm. Nếu chịu khó học hỏi, biết nỗ lực trau dồi nghề nghiệp, các em sẽ là những người làm nghề rất giỏi. Tôi vẫn phải học hỏi thêm ở các em rất nhiều!” - ông chia sẻ rất chân thành.
“NSND Trần Minh Ngọc không chỉ là một người thầy tận tụy mà còn là một tài năng, nhân cách đáng kính trọng. Thầy luôn là tấm gương mẫu mực về sự đam mê và tấm lòng tận tụy của nhiều thế hệ những người làm sân khấu chúng tôi” - đó không chỉ là suy nghĩ của NSND Hồng Vân mà dường như là suy nghĩ chung của tất cả những người may mắn được làm học trò của thầy Ngọc.