Câu chuyện đi đổ rác cười ra nước mắt của nhà báo Anh ở Nhật

21/02/2022 - 06:00

PNO - Không ít người nước ngoài đã bị bối rối khi vô tình vi phạm những quy định nghiêm ngặt trong việc phân loại rác thải ở Nhật.

Julian Ryan - một nhà báo người Anh hiện đang sống và làm việc tại một vùng ngoại ô thuộc Yokohama, Nhật - đã có những "trải nghiệm đi đổ rác" thú vị. 

Ryan cho biết, quan sát đầu tiên của anh khi đến điểm thu gom rác là các chất thải nhà bếp đều được rút hết chất lỏng dư thừa, các hộp hoặc thùng giấy carton được gấp lại và buộc dây gọn gàng, các hộp đựng thực phẩm thì được xé nhãn và đóng thùng riêng.

Trong số những túi rác mà các cư dân khác để lại trong khu lưu ký rác được bao bọc bằng lưới thép, có một số túi được dán các nhãn cảnh báo, cho thấy người thải rác đã phân loại chúng không đúng quy định. 

“Có một lần, mặc dù tự tin rằng mình đã làm đúng quy định. Nhưng chỉ 15 phút sau khi đổ rác thì chuông cửa nhà tôi reo lên. Đó là một phụ nữ lớn tuổi sống ở đầu phố và đã tự xưng là trọng tài của quy định “gomi” (tiếng Nhật có nghĩa là rác thải) trong cộng đồng của chúng tôi. Bà ấy gọi tôi đến nơi thu gom rác và lịch sự cúi đầu theo phong cách người Nhật để thể hiện sự nghiêm túc, rồi chỉ vào chiếc túi nhựa mờ mà tôi vừa vứt ra. 

Tôi nhìn kỹ hơn thì nhận ra một đoàn tàu đồ chơi bằng nhựa, dài không quá vài cm, nằm lẫn trong đám bụi mịn từ máy hút bụi thải ra. Tôi đành phải đem túi rác về nhà để phân loại lại và lấy vật nhựa này ra riêng trước khi đem đổ”, Ryan kể lại.

Ryan cho biết, những câu chuyện tương tự như thế đang diễn ra trên khắp nước Nhật mỗi ngày, và những người nước ngoài như anh không khỏi bị bối rối khi vi phạm các quy định mà mình không nghĩ đến hoặc chưa biết.

Nhật Bản quy định nghiêm ngặt trong phân loại rác thải
Nhật Bản quy định nghiêm ngặt trong phân loại rác thải

Theo tờ SCMP, lịch sử thu gom rác thải của Nhật Bản bắt đầu từ năm 1900, với những điều luật đầu tiên được xây dựng nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh và tránh dịch bệnh ở các thành phố đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này.

Khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn sau Thế chiến thứ II, ô nhiễm công nghiệp cùng với lượng rác thải cũng không ngừng gia tăng, buộc chính phủ nước này phải thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn vào đầu những năm 1970 để cải thiện môi trường.

Vào đầu thập niên 1990, Nhật đã chuyển từ việc chỉ đổ tất cả chất thải vào các bãi chôn lấp, sang một hệ thống xử lý chất thải để tái chế các vật liệu có thể tái sử dụng, hoặc đưa chúng trở lại trạng thái cơ bản ban đầu và tái sử dụng.

Với những nỗ lực này, Nhật hiện có thể tái chế gần 93% số lon thép được thải ra, tỷ lệ cao nhất trên thế giới, trong khi gần 85% lon nhôm cũng được thu gom và tái sử dụng.

Cách làm của Nhật cũng đã được nhiều quốc gia khác quan tâm và học hỏi. Chẳng hạn, 15% lượng nhôm tiêu thụ ở Trung Quốc hiện nay có nguồn gốc từ kim loại tái chế, và tỷ lệ này ở Mỹ là 66%, Anh: 82%, Hàn Quốc: gần 90%.

Nhưng theo nhận định của tờ SCMP, không có quốc gia nào có quy định cụ thể và chi tiết về phân loại chất thải, và thời điểm nào thì được đưa loại chất thải nào ra điểm thu gom, hơn Nhật.

Chẳng hạn, chính quyền thành phố Yokohama có một tài liệu dài tới 16 trang, hướng dẫn chi tiết về cách xử lý rác thải sinh hoạt. Trong đó, có 9 chín trang bằng tiếng Anh, quy định rằng rác phải được đưa đến điểm thu gom trước 8g sáng, nhưng không được đưa vào đêm trước ngày thu gom. Rác phải được đựng trong các túi mờ (chỉ trong suốt một phần), và được che phủ bằng lưới để ngăn chặn quạ ở đô thị.

Và mọi người đều biết khi nào chiếc xe tải chở rác đang đến gần vì nó phát ra tiếng nhạc chuông báo hiệu khá lớn.

Những ai không tuân thủ sẽ nhận được cảnh báo ở 2 cấp độ khác nhau. Ở cấp độ 1, người vi phạm sẽ nhận được thông báo “bạn đang gây bất tiện cho hàng xóm”.

Ở cấp độ cao hơn, người không thực hiện đúng các quy định sẽ nhận được cảnh báo rõ ràng hơn: “Nếu bạn không phân loại rác của mình mặc dù đã nhận được nhiều hướng dẫn để làm điều này, bạn sẽ bị phạt 2.000 yen (khoảng 400.000 đồng)”.

Seiichiro Fujii - Giáo sư khoa học tại Đại học Daito Bunka - cho biết hầu hết người Nhật đều tuân thủ các quy tắc xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng ít người hiểu được một cách đầy đủ các quy trình nghiêm ngặt mà những người thu gom rác phải thực hiện. Giáo sư Fujii đã dành 9 tháng để thực hiện “nghiên cứu thực địa” về các quy trình này, bằng cách làm việc trên một chiếc xe tải chở rác ở Tokyo.

“Ở Nhật, các quy tắc phân loại rác là do từng đô thị đặt ra, và nước này hiện có khoảng 1.700 đô thị. Đa số mọi người đều vứt rác theo quy định, nhưng cũng có một số người không phân loại rác. Những người thu gom rác sẽ không nhặt những túi rác chưa được phân loại đúng quy định, và chỉ dán một tờ rơi cảnh báo lên túi”, giáo sư Fujii cho biết.

Giáo sư Fujii cũng chia sẻ rằng, từ trải nghiệm thực tế của mình, ông đã có một cái nhìn khác về những đóng góp của những người thu gom rác thải đối với xã hội Nhật Bản. “Nhiều người làm nghề thu gom rác có niềm tự hào sâu sắc về những gì họ làm để tạo ra một môi trường vệ sinh cho cộng đồng. Những ai không phân loại rác, thì có thể được xem là đã xúc phạm công việc của họ”, ông nói.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI