Nữ giáo viên cắm bản

Câu chuyện đẹp nơi rẻo cao

02/02/2022 - 06:36

PNO - Nhớ ơn cô giáo cắm bản nhiều năm lội suối cõng học trò qua suối đi tìm con chữ, bà con dân bản ở xã biên giới Nghệ An đã đồng lòng xin đặt tên cầu mang tên của nữ giáo viên này.

Trưa một ngày cuối năm, trên các ngọn đồi ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn sương mù bao phủ. Từ trên đỉnh núi, ẩn hiện giữa vạt nắng len lỏi là những căn nhà gỗ khang trang, phía trước treo lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió đại ngàn.

“Giờ đường to, đẹp rồi nên đi lại mới dễ thế đó. Xưa xe không chạy bon bon được như vậy đâu” - ông Xồng Bá Lẩu - Trưởng bản Buộc Mũ 2 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn” nói rồi chỉ tay về phía một cây cầu nép mình bên tảng đá lớn bảo đó là cầu cô Oanh - tên của một giáo viên từng có nhiều năm cắm bản ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này.

Cầu cô Oanh nằm trên đường tỉnh lộ 534D
Cầu cô Oanh nằm trên đường tỉnh lộ 534D

Nhắc đến cô Oanh, hầu hết người dân bản Buộc Mũ 2 từ già tới trẻ đều biết đó là cô Đặng Thị Oanh (46 tuổi, quê xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Dù chưa một lần gặp mặt cô Oanh, song nhiều lớp trẻ sau này vẫn biết đến cô từ những câu chuyện kể lại từ cha, ông mình.

“Khi cô Oanh đang dạy ở đây thì mình còn rất nhỏ, chưa đi học lớp cô. Nhưng chuyện của cô thì hầu như bọn mình năm nào cũng nghe mọi người kể lại. Ngày đó, cũng nhờ có cô mà học sinh đi học ngày một nhiều hơn” - anh Xồng Bá Lềnh nói.

Năm 2001, cô Oanh được phân công “cắm bản” tại điểm trường bản Buộc Mú 2. Lúc đó, dân bản hầu như sống cô lập với bên ngoài bởi đường sá cách trở. Đường tỉnh lộ 543D hiện nay lúc đó chỉ là một lối mòn trơn trượt, đủ hai con ngựa tránh nhau. Không điện, không sóng điện thoại, nên phần lớn thời gian cô Oanh chỉ cặm cụi, lầm lũi bên học trò, một năm mới về thăm nhà 1 - 2 lần.

Vì điều kiện khó khăn, hiện nhiều học sinh ở Nghệ An ở vùng cao vẫn phải băng qua cầu tre tạm bợ để đến lớp mỗi ngày
Vì điều kiện khó khăn, hiện nhiều học sinh ở Nghệ An ở vùng cao vẫn phải băng qua cầu tre tạm bợ để đến lớp mỗi ngày
Nhớ ơn cô Oanh đã không quản khó, gian khổ cõng con em mình qua suối để đến lớp an toàn, người dân đã xin lấy tên cô đặt tên cầu
Nhớ ơn cô Oanh đã không quản khó, gian khổ cõng con em mình qua suối để đến lớp an toàn, người dân đã xin lấy tên cô đặt tên cầu

Theo ông Lẩu, trước khi có tuyến đường nhựa, nơi đặt cầu cô Oanh hiện nay là một con suối lớn, nước chảy xiết rất hung dữ. Để qua suối, dân bản làm một cây cầu tạm bằng tre. Thương học sinh nhỏ tuổi đi trên cây cầu tre gập ghềnh, nhiều em không dám đi phải lội suối nước lạnh cắt da cắt thịt nên cô Oanh thường ra bế, cõng các em qua suối để đến trường. Tan học, cô Oanh lại đưa các em qua suối về nhà.

Ngoài dạy con chữ, cô Oanh còn phải dạy học sinh các kiến thức xã hội, cuộc sống để phụ huynh thấy con mình tiến bộ, không bắt con ở nhà đi nương, đi rẫy. Cứ thế, mỗi khi không thấy trò của mình tới lớp, nữ giáo viên này lại tìm đến tận nhà, thậm chí lên tận nương rẫy để tìm học sinh “điều tra” nguyên nhân rồi khuyên giải để tìm cách đưa các em trở lại lớp.

Sau vài năm cắm bản, cô Oanh được điều chuyển về xuôi dạy học. Cũng thời điểm này, cây cầu tre nơi cô Oanh vẫn thường cõng học sinh qua suối được thay thế bằng cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu dài 47m, rộng 4m. Khi đặt tên cho cây cầu, người dân địa phương đã thống nhất và đề xuất với cơ quan chức năng lấy tên cô Oanh làm tên cây cầu.

Dù không còn công tác ở nơi rẻo cao này, song hầu hết người dân địa phương đều biết khi nhắc đến cô Oanh
Dù không còn công tác ở nơi rẻo cao này, song hầu hết người dân địa phương đều biết khi nhắc đến cô Oanh
Anh Lềnh cắt tỉa cây che lấp bảng tên cầu khi đi có dịp đi ngang qua
Anh Lềnh cắt tỉa cây che lấp bảng tên cầu khi đi có dịp đi ngang qua

Nói về việc làm của mình, cô Oanh chỉ mỉm cười nói: “Việc đó là bình thường, không riêng gì tôi mà ai cũng sẽ làm như vậy thôi”. Cô Hồ Thị Lục Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cho biết, cô Oanh là người trầm tính, tuy nhiên rất thương học trò. Khi về trường này công tác, cô cũng nhận được rất nhiều phản ánh tích cực của học sinh, phụ huynh. 

Thầy Phan Văn Thiết - Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, toàn huyện có gần cả ngàn giáo viên cắm bản, so với trước thì điều kiện của giáo viên cắm bản hiện nay đã tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn còn rất khó khăn so với miền xuôi. Câu chuyện cắm bản của cô Oanh là một tấm gương mà đơn vị này vẫn thường nhắc đến như một niềm tự hào, và cũng là động lực để các thầy cô cùng nhau vững vàng hơn trên con đường sự nghiệp trồng người nơi biên giới xa xôi.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI