Câu chuyện của những bàn chân

31/12/2017 - 16:19

PNO - Có bàn chân tảo tần hôm sớm chỉ để chắt chiu từng đồng - không phải cho mình mà cho gia đình, con trẻ. Có bàn chân đẹp đẽ mềm mượt, lo nỗi lo lớn hơn: làm sao để ăn sạch hơn...

Giữa đợt Giáng sinh và tết tây, trong không khí yên ấm sum vầy đoàn tụ, tin một cơn bão sắp đổ vào khiến cả Sài Gòn nhốn nháo. May là “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”: Bão tan. Nhưng trên chuyến xe chạy về hướng bão, nghe Trọng Lý hát: “Cơn bão nghiêng đêm... anh nắm tay em qua đường cho khỏi ngã”, nhiều cảm xúc xáo trộn trong tôi. Như thể những đợt gió đang rít ngoài cửa xe đã kịp thời len vào góc khuất nào đó của mình và xới tung mọi thứ. 

Cau chuyen cua nhung ban chan
Ảnh minh họa

Ngoài kia, có xa đâu, là những bàn chân đang xuyên qua cơn bão. Dáng liêu xiêu vì gió, vì quang gánh oằn vai. Không cần nhìn cũng biết bàn chân ấy chai sần, khô nứt, phồng rộp vì “hành trình” đi bộ từ Q. Tân Phú, Q. Tân Bình, Q.12 lên Sài Gòn bán vé số, bánh tráng, đậu phộng rang… Những bàn chân không cần xuất xứ. Nhìn món hàng các bà, các mẹ, các chị gánh trên vai, là biết họ ở đâu.

Nhóm phụ nữ áo màu cỏ úa, chạy xe đạp làm thành những cái chợ di động là các chị từ Thanh Hóa, Thái Bình… Nhóm gánh thúng, đội mủng với lỉnh kỉnh bánh trái trên vai, trên đầu thường đến từ Quảng Ngãi. Nhóm đạp xe chở sau lưng một trời bong bóng, chong chóng đủ màu sắc hình thù là ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Các chị túm tụm nhau ở thành một khu, cùng bán một thứ, lấy hàng một nơi và tỏa đi khắp hướng. 

Sài Gòn đến lạ. Có khi chạy dọc một con đường bắt gặp hàng loạt xe đẩy bán chanh đào, có lúc thấy bán toàn ổi gang, rồi quả thị cô Tấm… Có khi từ một tòa nhà bước ra, phải định thần trước những biển bán hàng giăng ngang giăng dọc, ngỡ mình đang đâu đó ở… Hà Nội, cho đến khi nghe đon đả giọng mời mới sực tỉnh.

Cau chuyen cua nhung ban chan
Ảnh minh họa

Có bận tôi mua hàng, đợi mãi cô bán mới quay sang tíu tít: “Em xin lỗi. Nãy giờ đang bận tám với cô bên kia xem tết này về hay ở”. Hỏi ra mới biết. Bàn chân xuôi ngược khắp phố phường kia, bàn chân đi từ vùng đất bên này đến phương bên kia của đất nước, bàn chân không sợ nắng gió, bão giông, có thể đi bất cứ đâu lại không thể về nhà dễ đến mười năm rồi.

Nhớ con, nhớ chồng cũng đành nén đâu đó trong dòng nước mắt mỗi đêm muộn ế hàng, mỗi cơn gió lạnh thốc vào hông. Mỗi sáng trở mình, hai đầu gối cứng đơ, không ngồi dậy nổi, rồi cũng ráng xoa bóp, phải dậy thôi bởi sắp trễ rồi, còn lời hứa đắp lại mộ cho ông bà, cái xe đạp cho con đi học đỡ nhọc đường xa…

Nếu đi chợ di động mỗi ngày như tôi vào dịp cuối năm, có khi bạn sẽ thấy, có những bàn chân khô rắn, cứng quèo, móng thậm chí bị hư, mà lại “bày đặt” sơn màu đỏ chói, như thể tự tố cáo mình “hãy nhìn tôi xấu đây này”.

Hỏi ra mới biết, vài bữa nữa là đám cưới em gái, phải ngồi mâm chiếu, nên cũng cố trau chuốt cho bằng chị bằng em, để còn ăn nói, để em gái mình đỡ tủi với người ta. Mọi khuôn mẫu về đẹp xấu, tút tát dường như rơi đâu đó bên ngoài câu chuyện. 

Vậy đó, mỗi bàn chân mang trong mình một câu chuyện. Có bàn chân tảo tần hôm sớm chỉ để chắt chiu từng đồng - không phải cho mình mà cho gia đình, con trẻ. Có bàn chân đẹp đẽ mềm mượt, lo nỗi lo lớn hơn: làm sao để ăn sạch hơn, thở sạch hơn, vinh hiển hơn. Đó là bàn chân của những chuyến di cư, tạm cư, định cư, tái định cư, hay đơn giản nhất là những chuyến đổi gió, gọi vui là trốn bão.

Cau chuyen cua nhung ban chan
Ảnh minh họa

Có bàn chân đến, háo hức tìm tòi. Có bàn chân đi vội vàng dứt khoát. Có bước chân nặng nề gió bão. Có bước chân ra đi để tìm về sau tháng ngày mỏi mệt. Có bàn chân đợi chờ hoặc bước ngang qua, rồi đi tiếp. Cũng có bàn chân dừng lại “tìm đến cái chết nghỉ ngơi”… 

Dẫu đi hay dừng, dẫu vui hay buồn, dẫu phía trước là khó khăn, thiên tai, khủng hoảng, dẫu chưa biết những bước chân sẽ dẫn đến phương trời nào: thành bại, khôn ngoan, hy vọng hay thất vọng… thì với nhiều trải nghiệm và bản năng, chắc chắn bàn chân sẽ chọn cho mình một đôi giày vừa vặn. Để nếu không đủ cảm hứng đưa ta băng mình về phía trước, ít nhất cũng có thể tránh được gai nhọn sỏi đá, ẩn mình chờ thời cơ mới.

Dẫu thế nào, câu chuyện chung của bàn chân là… sự chuyển động. Mỗi sự chuyển động đều chứa đựng những mầm xanh. Chưa biết cây hy vọng và lạc quan có mọc lên không, nhưng ít nhất sự chuyển động sẽ không làm bàn chân nhỏ đóng rêu…

Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI