|
Một phụ nữ trẻ người Ấn Độ được giải cứu khỏi nạn bóc lột tình dục tại một ngôi nhà do một tổ chức phi chính phủ cung cấp ở Kolkata |
Cuộc đời cùng quẫn
Bị gia đình bán đi khi còn là thiếu nữ, Zarin năm nay 20 tuổi đã bị đánh đập không thương tiếc. Cô bị ép dùng thuốc và bị hãm hiếp tập thể nhiều lần và sau đó trở thành gái mại dâm.
Câu chuyện của Zarin không cá biệt ở đất nước đông dân nhất thế giới, cô chỉ là một trong số hàng ngàn phụ nữ trẻ bị buôn bán ở Ấn Độ.
Zarin sinh ra ở tiểu bang Tây Bengal, nơi giáp với Bangladesh, Bhutan và Nepal và được xem là một trung tâm buôn người nổi cộm ở nước này. Theo hồ sơ tội phạm quốc gia mới nhất cho thấy, Tây Bengal là nơi có hơn 50.000 trẻ em gái mất tích, con số cao nhất ở Ấn Độ.
Zarin tâm sự, cô đã bị gia đình bán cho bọn buôn người sau khi cô từ chối một cuộc hôn nhân sắp đặt khi cô mới 16 tuổi. "Tôi đã nói 'không' và bảo họ rằng tôi còn quá trẻ. Nhưng rồi, tôi từ chối làm vợ 1 người lại phải 'làm vợ' hàng chục người khác" - người phụ nữ 20 tuổi nói.
Zarin kể, cuộc đời cô bắt đầu rơi vào vũng bùn từ chuyến đi mà cô nghĩ là đi thăm chị gái mình ở vùng lãnh thổ Kashmir thuộc dãy Himalaya, cách nhà khoảng 1.900 km. Chuyến đi tưởng thăm người thân hóa ra lại vào địa ngục trần gian khi cô bị giao cho một người đàn ông.
Trong những ngày đầu bị giam cầm, những kẻ bắt cóc thường xuyên chuốc thuốc khiến cô bất tỉnh. Và chỉ khi Zaris giấu bữa ăn có tẩm thuốc mê, cô mới nhận ra mình đang bị xâm hại tình dục.
|
Chỉ riêng ở Tây Bengal đã có hơn 50.000 trẻ em gái mất tích, con số cao nhất ở Ấn Độ |
“Tôi nằm đó, giả vờ bất tỉnh… rồi tôi thấy ba hoặc bốn người đàn ông bước vào phòng. Đó là lúc tôi hiểu được chuyện gì đã xảy ra với mình” cô kể trong nước mắt.
Bằng giọng bất lực của mình, cô gái trẻ 16 tuổi khi ấy đã chống trả nhưng bản thân cô không thể đối phó với những tên đàn ông hung bạo…
Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết, năm 2022 họ đã ghi nhận 2.250 vụ buôn người nhưng theo những nhà hoạt động vì phụ nữ thì con số thực tế được cho là cao hơn nhiều.
Theo Bộ nội vụ Ấn Độ, nhiều cô gái mất tích sẽ bị buôn bán qua Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal và là một trong những thành phố lớn nhất của Ấn Độ. Một số bị đưa đi lao động cưỡng bức, những người khác bị đưa vào động mại dâm.
Điển hình như Zarin, những kẻ bắt cóc sau đó đã bán cô với giá thấp hơn 3.500 USD “Họ đánh đập tôi, lạm dụng tình dục tôi,” cô nói, giọng cô nghẹn ngào vì xúc động. “Nói về điều này thật đau đớn.”
Sau đó cô đã trốn thoát và đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống của mình.
Những kẻ buôn người bóc lột hàng triệu người
Ở quốc gia đông dân nhất thế giới, quy mô của vấn đề buôn người này rất lớn.
Một báo cáo năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người cho biết Ấn Độ đang có những "nỗ lực đáng kể" nhưng vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người.
Pinaki Sinha từ tổ chức từ thiện chống buôn người Sanlaap cho biết các cô gái sinh ra trong gia đình nghèo khó, với những bậc cha mẹ muốn con mình kết hôn với một "gia đình khá giả hơn về mặt kinh tế" có thể trở thành nạn nhân của nạn lạm dụng.
"Những kẻ buôn người bóc lột hàng triệu người trong ngành mại dâm ở Ấn Độ", báo cáo viết, đồng thời cho biết một số băng đảng giả vờ sắp xếp những cuộc hôn nhân giả ở Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh trước khi ép phụ nữ vào ngành buôn bán tình dục.
Báo cáo cho biết thêm rằng chúng sử dụng mạng xã hội cũng như các trang web hẹn hò trên thiết bị di động được sử dụng để dụ dỗ nạn nhân.
|
Nhiều phụ nữ trẻ bị mắc kẹt trong hoạt động lao động cưỡng bức bất hợp pháp |
Báo cáo cho biết một số lượng lớn phụ nữ và trẻ em gái Nepal và Bangladesh cũng bị dụ dỗ đến Ấn Độ để buôn bán tình dục bằng lời hứa hẹn giả dối về một công việc.
Pallabi Ghosh, người sáng lập Quỹ Impact and Dialogue, một tổ chức hoạt động phục hồi nhân phẩm cho những người sống sót sau nạn buôn người, cho biết số liệu được báo cáo thấp hơn nhiều so với thực tế do sự kỳ thị.
Các gia đình thường không muốn theo đuổi vụ án sau khi giải cứu được một bé gái mất tích.
“Các vụ buôn người rất khó để đưa ra xét xử. Đó là lý do tại sao bọn buôn người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” – bà nói.
Pinaki Sinha, từ tổ chức từ thiện chống buôn người Sanlaap có trụ sở tại Kolkata, cho biết vấn đề này rất nghiêm trọng. Bà Sinha cho biết nghèo đói là nguyên nhân chính và một số phụ huynh muốn con gái mình kết hôn với một gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng họ không biết rằng, các cô gái còn bị ngược đãi khủng khiếp.
Nhiều phụ nữ trẻ bị mắc kẹt trong hoạt động lao động cưỡng bức bất hợp pháp, được các nhà vận động nhân quyền gọi là “những nô lệ mang nợ”.
Đó là trường hợp của Ayesha, 18 tuổi. Cô đã từ bỏ cuộc sống làm việc tại một xưởng may ở nước láng giềng Bangladesh đã được mẹ giao cho cho một kẻ môi giới hứa sẽ đưa cô vào Ấn Độ để làm việc trong một nhà máy được trả lương cao hơn.
Nhưng sau khi đến Ấn Độ, cô được thông báo rằng nhà máy không còn việc làm nữa và thay vào đó cô có thể đi nhảy ở một quán bar.
Từ chối điều đó, không có thu nhập hay nơi trú ẩn, cô đã ở với một người đàn ông cho cô thuê phòng tấn công cô.
“Tôi đã khóc và cầu xin anh ta nhưng hắn ta đã lăng mạ và đánh tôi, xé quần áo của tôi và hành hung tôi.”
Sau đó, cô bị hai người đàn ông xâm hại tình dục nhiều lần.
Ayesha đã trốn thoát sau khi liên lạc được với một người hàng xóm. “Tôi đã nói với cảnh sát rằng tôi muốn hai người đàn ông đó phải bị trừng phạt vì đã cưỡng hiếp tôi” - cô nói. Nhưng các viên chức nói với cô rằng đó là sai lầm của cô khi nhập cảnh trái phép vào Ấn Độ và bác bỏ vụ án.
Ayesha đang vô cùng thất vọng và đau khổ. Hiện cô đang có kế hoạch trở về nhà và tìm việc mới. "Tôi muốn tự lập. Tôi muốn quên hết mọi chuyện".
Thảo Nguyễn (theo AFP)