Câu chuyện bình thường chạm đến con tim

10/04/2020 - 06:11

PNO - Sau Tết đến nay, việc mua khẩu trang khó khăn nên công ty chỉ có thể trang bị cho công nhân khẩu trang vải, trong khi họ cần khẩu trang y tế.

Sáng 9/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đến thăm và trao tặng vật dụng bảo hộ cho lực lượng công nhân vệ sinh, những người thu gom, vận chuyển và xử lý rác từ các khu cách ly và dọn dẹp phố phường.

Thâu đêm làm quà tặng

1.000 khẩu trang, 500 tấm kính chắn giọt bắn và 1.000 găng tay y tế - những món quà không chỉ là quà mà còn là tấm lòng của bạn đọc Báo Phụ Nữ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố chung tay góp tặng anh chị em công nhân vệ sinh. Để có 1.000 khẩu trang hay 1.000 găng tay, với các cơ sở may như cơ sở may Ngọc Bích (Q.Gò Vấp) hay cửa hàng thời trang Lahava (Q.Phú Nhuận) chẳng khó khăn gì. Nhưng việc chung tay làm 1.000 tấm kính chắn giọt bắn trong 24 giờ của cán bộ hội viên P.13, Q.6 thì không đơn giản.

Cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình thâu đêm làm tấm chắn giọt bắn tặng công nhân vệ sinh
Cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình thâu đêm làm tấm chắn giọt bắn tặng công nhân vệ sinh

Bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 kể, đọc xong bài báo "14 ngày cách ly, rác sinh hoạt giảm 20-30%, công nhân vệ sinh liệu có được nhẹ nhàng?", ray rứt trước sự thiếu thốn dụng cụ bảo hộ của công nhân vệ sinh, bà đã gọi cho chị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.13, nơi đã làm hàng trăm tấm kính chắn giọt bắn để tự trang bị cho nhau tại Q.6 - bày tỏ mong muốn góp 1.000 tấm kính cho công nhân vệ sinh. Và, Ngọc Linh đã gật đầu. 

Cái gật đầu đó khiến Linh xất bất. “Nghe gợi ý của chị Trúc, rồi đọc bài báo, xúc động quá, tôi nhận lời ngay bởi thấy việc làm những tấm chắn cũng không khó khăn gì. Nhưng nhận việc rồi mới giật mình khi thấy mình chỉ có 24 giờ để hoàn thành” - chị Ngọc Linh kể. Các chị đã gác lại mọi việc để tập trung làm tấm chắn giọt bắn. Nhiều cán bộ Hội từ các khu phố và các phường khác cũng chạy lấy nguyên liệu về gia công. Tổng cộng có hơn 30 gia đình tự nguyện tham gia… biến nhà mình thành xưởng sản xuất từ trưa 8/4 đến rạng sáng hôm sau… 

Sẽ có những quan tâm, đồng hành, chia sẻ khác 

Khi nhận quà và nghe câu chuyện chuẩn bị quà của chị em phụ nữ, công nhân vệ sinh rất vui. Chị Lê Thị Tuyết Thu, công nhân vệ sinh chi nhánh Môi trường Chợ Lớn, người quét và thu gom rác tại Q.Tân Phú, cho biết tấm chắn giọt bắn, găng tay và khẩu trang là món quà thiết thực với các anh chị trong giai đoạn hiện nay. Chị Thu kể, mỗi ngày chị phải dùng khoảng 5 chiếc khẩu trang, nhưng chỉ dám dùng một chiếc khẩu trang y tế, đó là lúc cảm thấy đang đối diện với rác thải có nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất. Trang bị bảo hộ công ty đã tính vào lương và thu nhập nên công nhân chỉ trang bị đủ, chẳng ai dự trữ. Cho nên khi hụt hàng, các chị xem như tự bơi.

Lãnh đạo Thành Hội trao quà cho công nhân vệ sinh
Lãnh đạo Thành Hội trao quà cho công nhân vệ sinh

Anh Phạm Thanh Tùng - nhân viên đội xe máy thu gom rác y tế từ khu cách ly ở H.Cần Giờ - cho biết, nếu có thêm khẩu trang, cả đội sẽ cùng vui. Săm soi cái tấm chắn giọt bắn, anh Tùng nói, tấm chắn của em dùng hơn một tuần đã vặn vẹo rồi. Được trang bị thêm là điều ai cũng ước ao.

Lắng nghe tâm sự của các công nhân, bà Đỗ Thị Chánh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - xúc động: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, Hội đã đi thăm công nhân các công ty dịch vụ công ích quận, huyện; chăm lo đến cả lực lượng thu gom rác dân lập. Tuy nhiên, khi đọc Báo Phụ Nữ, chúng tôi mới hiểu hết khó khăn mà ngành vệ sinh môi trường thành phố đang đối diện. Có lẽ chị em cán bộ, hội viên chúng tôi không chỉ tiếp tục trao tặng 500 tấm chắn như đã hứa mà còn có những quan tâm, đồng hành, chia sẻ khác cùng công nhân vệ sinh thành phố trong giai đoạn cam go này”. 

Công ty chỉ có thể trang bị khẩu trang vải, trong khi công nhân cần khẩu trang y tế

Trước khi có dịch, mỗi ngày đơn vị chúng tôi xử lý trên 20 tấn rác y tế. Khi có dịch, chúng tôi gánh thêm khoảng từ 22-28 tấn rác, cao điểm lên gần 30 tấn, từ các khu cách ly mỗi ngày. 

Rác thải y tế vốn là rác nguy hại, với nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bởi thế, việc thu gom, xử lý phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, bảo hộ đầy đủ cho anh em công nhân. Nay thêm rác từ các khu cách ly với nguy cơ có mầm bệnh Sars-CoV-2, nên ngoài trang bị bảo hộ thông thường, chúng tôi còn tăng cường khử trùng, khẩu trang và áo quần, vật dụng bảo hộ tối đa. Nhưng dường như mọi người quên công nhân vệ sinh. Dù công ty đã có văn bản gửi UBND thành phố và các sở Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công thương xin được tạo nguồn mua khẩu trang y tế, nhưng từ Tết đến giờ chúng tôi mới chỉ mua được 2.000 khẩu trang y tế đạt chuẩn. Trong khi vào lúc cao điểm cách ly phòng chống dịch bệnh, mỗi ngày chúng tôi có đến 400 công nhân phải tiếp cận, xử lý rác thải từ các cơ sở cách ly, bệnh viện. 

Trước khi có dịch bệnh, lượng khẩu trang y tế không khan hiếm, mỗi công nhân cần trang bị từ 4-8 chiếc khẩu trang y tế trong ngày. Từ sau Tết đến nay, việc mua khẩu trang khó khăn nên công ty chỉ có thể trang bị cho công nhân khẩu trang vải, trong khi họ cần khẩu trang y tế.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM

Hạnh Chi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI