Câu chữ cuộc đời

19/10/2014 - 08:12

PNO - PNCN - Những con người mang phẩm chất thi sĩ là người biết nâng niu câu chữ cuộc đời, luôn khao khát hướng về những khoảng sáng trong dòng đời nhiều bụi bặm bon chen.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nếu ở trong hoàn cảnh sống khác, biết đâu người đàn ông ấy có thể là một nhà thơ, hay một trí thức nào đó... Suy nghĩ vẩn vơ ấy đến với tôi mỗi khi tôi đến quán của anh ăn sáng, có khi ăn thay cả bữa chiều. Quán mở cửa suốt ngày, thực đơn giản dị: phở, cơm rang, mì xào, thêm vài món lươn. Quán không rẻ cũng không đắt, không sang trọng cũng chả đến nỗi lùi xùi, không tấp nập khách ăn nhưng lúc nào cũng có khách. Tóm lại, đó là một quán ăn bình dân bình thường như rất nhiều quán xá khác.

Cau chu cuoc doi

Tôi hay đến đây ăn cũng chỉ vì tiện đường. Vả lại nhiều lúc chẳng biết ăn gì, thôi vào làm bát phở hay miến lươn cho nóng. Vừa ăn vừa lặng lẽ nhẩn nha quan sát. Phục vụ quán toàn đàn ông. Những người ở quê không có việc gì làm lúc nông nhàn, hay hết đất hết ruộng, đành lên thành phố, bon chen với cả nữ giới trong việc bán hàng, chạy chợ... Chủ quán trạc tuổi trung niên, người thấp đậm, da ngăm ngăm, giọng nói hơi khàn có hàng ria con kiến. Anh làm tôi nhớ đến một diễn viên điện ảnh hay đóng những vai nông dân thoạt trông nhàn nhạt, tưởng là ngu ngơ nhưng thật ra trong bụng thì biết tuốt.

Ấn tượng về chủ quán trong tôi chỉ có vậy, nếu không có buổi chiều ấy, khi quán vắng người, anh ngồi rảnh rỗi bắc chân chữ ngũ và tôi hỏi anh đôi điều về chú bé giúp việc mà anh vừa đánh thức dậy đi rửa bát. “Cậu bé học lớp mấy rồi mà đã đi làm hả anh?”. “Hình như lớp 6, lớp 7 gì đấy”. “Bây giờ người ta cấm lao động trẻ con, anh không biết sao?”. “Ôi giời. Loanh quanh rửa vài cái bát. Không làm thì lại ngủ ấy mà. Nó làm được cái gì thì làm chứ tôi cũng chả ép”. “Thằng bé ngoan quá nhỉ. Mặt mũi lại sáng sủa nữa. Tí tuổi mà đã phải nghỉ học rồi”. “À, con của cái cậu làm ở đây ấy mà. Bố đi làm thuê, tiền đâu mà theo học ở thành phố...”.

Câu cuối cùng có từ “học”, anh kéo dài ra kèm theo tiếng chép miệng. Rồi anh lắc lắc cái đầu muối tiêu, đứng lên đón khách. Cử chỉ và điệu bộ ấy khiến tôi vu vơ một ý nghĩ không biết trong đó có bao hàm nỗi tiếc nuối nào không. Đâu phải ai cũng đủ điều kiện để theo đuổi con đường học hành khó nhọc. Cái sự khó nhọc đó luôn được nhắc đến một cách trân trọng và hẳn nó có chỗ đứng cao hơn bát phở bốc khói hay tô miến đầy lươn kia.

Lần trở lại sau, tôi lại thấy anh ngồi thảnh thơi trước quán, tay chống cằm vê râu và khàn khàn ngâm ngợi mấy câu Kiều: “Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng… À, cô thấy không, Kiều của cụ Nguyễn Du, mấy trăm năm rồi đọc vẫn còn đau đến thế. Thôi chết, cô ăn gì nhỉ?”. Anh trở lại dáng vẻ ân cần của ông chủ quán.

Vài lần như thế. Tôi bắt đầu thú vị với ý tưởng của mình. Biết đâu, ẩn trong dáng vẻ như thô kệch ấy là tâm hồn không kém phần lãng mạn? Tôi đã chứng kiến phút giây anh lặng phắc ngân nga vài câu thơ cổ, rồi tiếng cười giòn giã cùng câu nói hóm hỉnh của anh khi dắt xe cho một cô gái trẻ. Và tôi cũng đã nhìn thấy bàn chân thô kệch quen đi dép lê, tấm áo bạc màu cùng cuộn tiền lẻ to đùng anh mang trước ngực. Anh không có cốt cách nho nhã của một trí thức, nhưng anh lại có - ở khoảnh khắc nào đó - cái lâng lâng bay bổng đầy chất nghệ sĩ.

Tôi nghĩ đến vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Đừng tưởng trong ông hàng thịt không có tâm hồn của Trương Ba. Đừng tưởng ông hàng thịt chỉ biết có nghề mổ lợn. Khao khát một đời sống thanh khiết, sạch sẽ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này - ai mà chẳng muốn? Chỉ có điều, con người ta có vượt lên cơm áo đời thường được không. Vả lại, nếu nói có số phận thì mỗi chúng ta đâu có quyền được lựa chọn số phận cho mình. Vậy nên ông hàng thịt cứ mãi là ông hàng thịt.

Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé quán, vẫn ấn tượng với cung cách người chủ quán. Hẳn anh không thể ngờ anh trở thành nhân vật trong bài viết nhỏ này, giống như ống kính truyền hình vô tình có được một góc hình đẹp trong hàng trăm hàng nghìn giây hình bình thường nhàn nhạt khác. Tôi cứ mong bắt gặp những khoảnh khắc khác lạ từ gương mặt và dáng vẻ có phần luộm thuộm bon chen ấy. Nhà thơ vốn hiếm hoi, song đôi khi cũng chỉ biết nâng niu câu chữ của mình. Những con người mang phẩm chất thi sĩ là người biết nâng niu câu chữ cuộc đời, luôn khao khát hướng về những khoảng sáng trong dòng đời nhiều bụi bặm bon chen. 

ANH THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI