PNO - Bức tranh vẽ bếp lửa sống động đến mức tôi ngửi được mùi ám khói khen khét của gian bếp, cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của ngọn lửa, và “thưởng thức” được món ăn đơn giản, mộc mạc từ chiếc nồi đen thui đó.
Điều bất ngờ lớn nhất với tôi, tác giả của bức tranh ấy là một cậu bé khiếm thính 15 tuổi. Tôi đã chìm đắm trong Facebook của mẹ cậu - một phụ nữ góa chồng - làm công việc giúp việc nhà để nuôi hai con, và mỗi ngày lại đăng những bức tranh của con trai Trần Nam Long và nụ cười của cô con gái tám tuổi Anh Thư lên Facebook.
Vào một buổi tối cuối năm, tôi ghé thăm ba mẹ con chị ở Hà Nội. Đó là một ngôi nhà thuê nhỏ xinh nằm sâu trong một khu tập thể. Cậu bé Long thấy khách đến thì ú ớ chào. Ánh mắt cậu sáng lên hiền lành. Trong khi tôi trò chuyện với chị Hiếu, Long đã ngồi vào giá vẽ. Thấy tôi chăm chú quan sát Long, chị liền giải thích: “Long ngoan lắm. Giờ nào, việc đấy. Cả học hành và nhất là vẽ, Long đều rất nghiêm túc, không phải nhắc nhở bao giờ”.
Chị Hiếu lờ mờ nhận ra những bất thường ở con trai vào năm Long hai tuổi, khi cậu không nói được câu nào. Một năm sau đó, thính lực của Long yếu đi rõ rệt sau một lần bị viêm phổi nặng. Trong một lần đưa con đi khám, chị Hiếu nghe bác sĩ kết luận: điếc bẩm sinh kèm chứng tăng động. Bác sĩ giải thích trong não của Long luôn có những hình ảnh chuyển động. Cháu rất khó ngủ, hay cười, không biết để ý chung quanh, không biết giao tiếp bằng mắt, không biết hướng về một phía, chỉ có thể ê a nói cười. Phải một thời gian rất lâu sau khi phát hiện các vấn đề của con, chị Hiếu mới có thể cho con đi học ở trường dành cho trẻ khuyết tật.
“Trên đường đưa con đến lớp, em hay hát nghêu ngao dù con không hề nghe thấy. Những lúc dạy con uống nước bằng ống hút, dạy con phát âm chữ A, dạy con thổi tờ giấy mỏng để trên bàn... con không làm được, em nhìn con bất lực và chỉ biết khóc. Con cũng khóc…”.
Nhiều người, thậm chí một bác sĩ đã từng nói với chị Hiếu: “Cô đẻ thêm đứa nữa đi. Thằng này không ăn thua đâu”. Hay: “Thôi, về quê mà sống. Có nhà có cửa. Gửi con vào trung tâm bảo trợ xã hội có nhà nước nuôi. Nhớ con thì cuối tuần đón nó về”...
Ba mẹ con chị Hiếu - ảnh: nhân vật cung cấp
Và hạnh phúc…
Một lần, giáo viên nói với chị Hiếu rằng Long có khả năng đặc biệt trong việc tô màu. Trong khi các bạn chỉ biết nguệch ngoạc màu vào các hình vẽ có sẵn, không cần ai chỉ, Long tự tô viền bên ngoài các hình vẽ rồi mới tô vào bên trong. Long có trí tưởng tượng rất phong phú. Các thầy cô giáo đều nói: “Cho Long đi học đi, nó sẽ có nghề kiếm sống đấy”. Nhưng chị Hiếu chỉ vâng dạ rồi… bỏ qua. Chị làm gì có tiền cho con học năng khiếu?
Năm Long 11 tuổi, bố của cậu mất vì tai nạn giao thông. Cũng năm đó, Long tham gia một cuộc thi vẽ dành cho trẻ em và đoạt giải đặc biệt. Phần thưởng là được học vẽ miễn phí. Thầy giáo của Long là người rất có tâm, nhận dạy em một tuần bốn đến năm buổi. Vì tương lai của con, người mẹ ấy lại gồng lên tất bật đưa đón cả hai đứa con mỗi ngày.
Không chỉ khiếm thính, Long còn bị hội chứng bàn chân bẹt, đi lại hết sức khó khăn. Đến tận bây giờ, khi Long đã được 15 tuổi và cao hơn một mét bảy, tay chân cậu vẫn lóng ngóng vụng về, không cúi xuống được. Chị Hiếu vẫn ngày ngày đưa con đi học, đi vẽ và luôn ở bên con suốt khoảng thời gian đó. Bởi chỉ có chị mới có thể giúp thầy cô và Long giao tiếp với nhau.
Từ một phụ nữ chỉ biết việc bếp núc, một người mẹ đầy mặc cảm, chị Hiếu đã dồn hết mọi sức lực của mình để nắm tay con bước ra ngoài, cùng con ngẩng mặt ngắm cuộc sống và động viên con đưa những điều đẹp đẽ ấy vào tranh. “Có thời gian em bị stress, khóc suốt chị ạ. Nhưng rồi em thấy có khóc cũng chẳng giải quyết được gì, nhất là khi thầy giáo của con nói: “Chị phải vui mới được. Con chị là một tài năng hiếm có đấy. Sau này nó sẽ thành công”. Thế là em lại đứng dậy và vực con cùng đứng dậy”.
Con là động lực sống của mẹ
Không thể để con ngồi xó nhà với những điều tưởng tượng trong đầu, chị Hiếu cho con ra ngoài ngắm nhìn cuộc sống, giao tiếp với mọi người, tự mình cảm nhận cái đẹp, và vẽ. Người mẹ ấy bắt đầu tập quen cả với việc nhìn cuộc sống bằng con mắt họa sĩ của con, thấy cái gì đẹp chị cũng chụp lại bằng điện thoại rồi mang về cho con vẽ. Giờ đây, khi các bức tranh của con được nhiều người yêu thích, và bán được; khi ba mẹ con đã có thể thoát được một góc nhà hơn chục mét vuông để thuê một chỗ ở rộng rãi hơn cho con vẽ và để tranh, chị Hiếu vẫn chỉ rụt rè: “Chưa dám nói là tự hào về con đâu. Nhưng nhìn con, em hiểu rằng không có bế tắc, dù trong hoàn cảnh nào”. Trái tim của người mẹ nhận ra một điều: Tranh của Long không còn xám xịt, buồn bã, đang ngày một rạng rỡ, sống động và lấp lánh niềm vui.
Mới 15 tuổi, nhưng Long đã có tới cả trăm bức tranh. Các họa sĩ lớn tuổi đều khen ngợi cậu bé vẽ rất chắc tay về hình khối, màu sắc cũng như bố cục. Tranh Long được mang ra cả nước ngoài, theo chân các nhà sưu tập. Ước mơ của hai mẹ con là mở được một triển lãm riêng cho Long - khi em còn là một đứa trẻ vẽ bằng sự hồn nhiên, trong sáng và tài năng thiên bẩm.
Họa sĩ “nhí” Trần Nam Long bên một tác phẩm của mình
Những bức tranh của Long được mẹ đăng lên Facebook đều nhanh chóng bán được. Chị Hiếu luôn kiểm soát rất kỹ việc chăm sóc tài năng của con mình: “Em không muốn tình yêu hội họa của con bị thương mại hóa, nên em bán tranh của Long rất ít. Phần nhiều là em tặng cho những người thật sự đặc biệt. Mà ngay cả khi bán được, em cũng nói với con: “Tranh mẹ tặng đấy nhé, không có tiền đâu”. Em cũng từng đưa tranh của Long đi bán để ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, và góp vào quỹ chống dịch COVID-19. Dù chỉ là đóng góp ít ỏi, nhưng mẹ con em vui lắm chị à”.
Người mẹ có trái tim đẹp đẽ đó còn tâm sự: “Điều em sợ nhất bây giờ là khiến con phụ thuộc vào những định hướng của em. Em không được học hành đến nơi đến chốn mà con lại phụ thuộc vào em thì sẽ không tốt cho con”. Dù tranh của Long được nhiều người muốn mua, nhưng chị Hiếu thường bảo con đừng vẽ nếu không có cảm hứng, hãy mạnh dạn bỏ đi nếu thấy không đẹp. Chị không nhận tranh đặt, mà chỉ để con vẽ theo tình cảm của mình.
Trong “gia tài” tranh của Long, có một bức dù nhiều người hỏi mua, chị Hiếu cũng không bán. Đó là bức tranh Long vẽ mẹ ở một góc nghiêng rất buồn. Nó chất chứa cái nhìn thương yêu, chia sẻ từ rất sớm của cậu bé dành cho người mẹ thân yêu của mình.
Hằng ngày, người mẹ ấy vẫn chở các con băng từ đầu nọ sang đầu kia thành phố để học, để vẽ, rồi chị lại đều đặn đến hai địa chỉ khác nhau để giúp việc nhà. Tối về, họ thủ thỉ trò chuyện, nấu nướng, ăn uống cùng nhau. Từng trải qua những vất vả, những đau thương bất ngờ, chị Hiếu luôn chuẩn bị cho con một tinh thần đối diện bất trắc. Chị vẫn bảo các con: “Mẹ con mình thế này là hạnh phúc, may mắn hơn nhiều người lắm rồi. Mình còn sức khỏe, còn công việc làm ra tiền. Chỉ cần mình đừng bao giờ cho phép mình dừng lại…”.