Cậu bé tiếp tục đến trường nhờ quả thận của cha

07/04/2021 - 15:37

PNO - Bé M. được phát hiện suy thận khi vào lớp 1. Thay vì đến trường, bé phải vào bệnh viện chạy thận, cho đến khi được ghép thận từ cha mình.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 2 hội chẩn trước khi ghép thận cho bé M., ảnh BVCC
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 2 hội chẩn trước khi ghép thận cho bé M.

Sáng 7/4, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết bệnh viện đã ghép thận cho bé T.V.M. (9 tuổi, đồng bào Chăm, tỉnh Bình Thuận). Quả thận được ghép cho bé M. được lấy từ anh T.M.T. (37 tuổi, cha ruột bé). 

Tưởng con biếng ăn, không ngờ suy thận

Vừa bước vào lớp 1, bé M. luôn mệt mỏi, thân thể rã rời. Lúc đầu, chị Văn Thị Hồng Lê (mẹ của bé) nghĩ con ăn ít lại hiếu động nên bồi bổ cho bé. Đến tháng 1/2020, bé càng xanh xao, ăn uống kém, thường giật mình khó ngủ nên chị đưa con đến  bệnh viện gần nhà.

“Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị suy thận mạn tính, phải đi TPHCM điều trị và chạy thận. Nhà không có tiền, tôi không biết suy thận là bệnh gì, tôi hơi chần chừ. Đến lúc con trai than quá mệt, thở hổn hển, hay xỉu, tôi quay lại bệnh viện nhờ người ta đưa đi. Bác sĩ chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2”, chị Lê nói.

Đến bệnh viện, chị suy sụp khi bác sĩ chẩn đoán con trai đã suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. 

Để điều trị, bé M. phải đặt catheter (ống thông) lọc thận qua màng bụng. Do phát hiện bệnh quá trễ nên bác sĩ tăng số lần lọc máu cho bé. Với những bé suy thận khác, chỉ cần lọc máu 3 lần/tuần nhưng bé M., có tuần phải lọc máu đến 5 lần. Tiết kiệm chi phí đi lại, gia đình bé quyết định… ở luôn trong bệnh viện. Từ ngày trị bệnh, bé phải nghỉ học. Mỗi khi nghe con nói nhớ bạn, nhớ trường lớp, nụ cười của hai mẹ con chị thưa dần.

Tháng 9/2020, gia đình của bé gặp bác sĩ, xin hiến tặng một quả thận của cha cho bé. Biết hoàn cảnh gia đình bệnh nhi khó khăn, các bác sĩ đã trình ban giám đốc, xin trích quỹ Hội trợ giúp bệnh nhân nghèo của bệnh viện, vận động mạnh thường quân để có chi phí làm các xét nghiệm liên quan để hy vọng bé được ghép thận.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, thận của anh T. phù hợp với con trai. Ngay lập tức, Bệnh viện Nhi đồng 2 mời bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn liên viện, đưa ra các phương án tốt nhất cho ca phẫu thuật.

Ngày 23/3/2021, sau nhiều tháng chuẩn bị, anh T. và con trai được đưa vào phòng phẫu thuật.

Bé M. say mê ngắm nghía quyển sách, với quả thận của cha, bé sẽ sớm được về nhà đi học
Bé M. say mê ngắm nghía quyển sách, với quả thận của cha, bé sẽ sớm được về nhà đi học

Cánh cửa phòng mổ đóng lại, mở tương lai cho con

Chị Lê nhớ lại: “Cánh cửa phòng mổ đóng lại, tôi đứng ngồi không yên. Chồng con đều ở bên trong. Nghe bác sĩ tư vấn ca mổ rất khó khăn nhưng gia đình cứ hy vọng phép mầu sẽ đến".

Thạc sĩ – bác sĩ Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Ngoại niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, nhận định: khó khăn lớn nhất của cuộc mổ là kích thước thận của người cha quá lớn so với con trai. Cụ thể, quả thận của người cho lớn gần gấp rưỡi, dẫn theo mạch máu nuôi thận cũng rất to so với động mạch của bệnh nhi; chưa kể bệnh nhi đã suy thận biến chứng khiến động mạch chậu ngoài đã teo nhỏ, tắc hoàn toàn. Nguy cơ thận người cha sau khi ghép vào cho bé M. sẽ bị thiếu máu nuôi, dẫn đến đào thải.

Để khắc phục, ê-kíp phẫu thuật quyết định lấy thận của cha, ghép ở vị trí cao hơn, nối vào mạch máu lớn để đảm bảo máu nuôi thận. Phải thực hiện càng nhanh càng tốt nhằm tránh các biến chứng về huyết áp, chảy máu cho hai cha con.

May mắn, ca mổ diễn ra thuận lợi, chỉ khoảng 5 tiếng, phòng mổ mở toang cánh cửa báo tin vui đã hoàn thành sứ mệnh cứu người; thay vì mất 8-10 tiếng như những ca mổ khác.

Khỏe lại sau khi ghép thận, bé M. thủ thỉ với mẹ là bé muốn đi học
Khỏe lại sau khi ghép thận, bé M. thủ thỉ với mẹ là bé muốn đi học

Sau mổ, sức khỏe hai cha con dần hồi phục. Hiện anh T. đã được về nhà, còn bé M. dù có thể tự ăn uống, đi vệ sinh tốt, nước tiểu nhiều nhưng các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát hoạt động của quả thận mới.

Người mẹ trẻ hay tin con trai được cứu sống, chị xúc động: “Tôi biết ơn các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và các mạnh thường quân. Suốt một năm qua, ngoài chăm sóc con tôi, mọi người đã hỗ trợ chi phí xét nghiệm, mổ ghép thận để con tôi như được sinh ra thêm lần nữa, không phải lây lất chạy thận cả đời. Bé M. cũng nhớ bạn bè lắm, bé cười suốt, cứ mong hết bệnh để về đi học”.

Bác sĩ Đức cho biết, khi về nhà, ngoài việc sử dụng thuốc chống thải ghép, bệnh nhi phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm đánh giá các chức năng thận. Thay vì gắn cả đời với việc chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, bé M. có thể quay lại cuộc sống thường nhật, đi học, đi làm như mọi người.

Tuy tặng cho con trai một quả thận, anh T. chỉ cần hạn chế làm việc nặng, làm việc quá sức, còn lại anh vẫn sinh hoạt bình thường như trước đây.

Khi đến thăm khám, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tặng bé cuốn sách để động viên
Khi đến thăm khám, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tặng cuốn sách để động viên bé

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bác sĩ CK2 Lê Thị Minh Hồng – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cho biết, tính đến hiện tại bé M. là ca ghép thận thứ 19 tại bệnh viện. Dự kiến vào tháng 5/2021, bệnh viện tiếp tục ghép thận cho một bệnh nhi đang điều trị tại đây.

"May mắn lớn nhất của bệnh viện và các bé là các nhà hảo tâm đã đồng hành kịp thời. Nhờ đó, bệnh của bé được xử lý sớm hơn để kịp đi học, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây là điều vô cùng ý nghĩa đối với ê-kíp phẫu thuật và bệnh nhi”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI