Cậu bé phụ mẹ kiếm sống, không dám đi khám bệnh qua đời vì bệnh lao

15/10/2020 - 13:11

PNO - Em sống với mẹ trong một phòng trọ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10. Hai mẹ con cùng nhau bưng bê trong quán ăn để kiếm sống.

 

Khu lọc bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Phạm An
Khu lọc bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Phạm An

Ngày 15/10, bác sĩ Dư Tuấn Quy – Phó khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết bệnh nhi C.B.H. (15 tuổi, trọ ở quận 10), bị lao ruột đã tử vong vào khoảng 13 giờ ngày 14/10, tại bệnh viện.

Em H. tử vong do bị tổn thương đa cơ quan. Dù đã được mổ và theo dõi chặt chẽ nhưng các bác sĩ vẫn không thể cứu được em.

Trước khi em mất, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hiện H. bị thủng ruột do vi trùng lao tấn công. Vi trùng lao cũng tấn công vào phổi và phúc mạc của em.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nghi ngờ vi trùng lao đã tấn công vào phổi của em H. trước tiên nên phổi bị tổn thương rất nặng. Nhưng do không đi khám, bệnh lao của H. đã không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Vi trùng lao tiếp tục tấn công vào các vị trí khác ở phúc mạc và ở ruột. Đến khi vào bệnh viện vào tối 13/10, bệnh đã quá nặng, gây thủng ruột và tử vong chỉ sau 2 ngày.   

Điều bác sĩ Quy băn khoăn là cậu bé chắc chắn đã gánh chịu rất nhiều cơn đau do vi trùng lao tấn công vào ruột nhưng không ai đưa em đi bệnh viện. Thậm chí, những cơn đau đó là rất dữ dội vì ruột đã bị thủng khi em được đưa vào cấp cứu.

Theo lời của người mẹ, con trai bà đang học lớp 10. Cách đây 1 tháng, em H. than với mẹ là bị đau bụng, nôn ói và không muốn ăn. Từ 30kg, em H. sụt liên tục 6kg. Khi được vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, em H. chỉ nặng 24kg, tương đương với một trẻ 7 tuổi.

Em H. sống với mẹ trong một phòng trọ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10. Hai mẹ con cùng nhau bưng bê trong quán ăn để kiếm sống. Dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng 2 mẹ con lại không đi khám bệnh.

Người mẹ nói rằng con trai mình ham học nên không dám nghỉ buổi nào để đi khám bệnh. Cha của em đã bỏ đi ngay khi H. ra đời. Theo lời người mẹ, con trai bà không được chích vắc xin ngừa lao BCG.

Trước ca tử vong này, bác sĩ Dư Tuấn Quy cảnh báo người dân vẫn nên cảnh giác với vi trùng lao, nhất là với các trường hợp không được chích ngừa lao trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia hoặc một số trường hợp đã được chích ngừa lao nhưng không hiệu quả.

 

Người mắc bệnh lao thường có một số dấu hiệu như: sốt nhẹ về chiều, ho kéo dài, suy dinh dưỡng kéo dài, sụt cân, thỉnh thoảng bị đau bụng... 

Cách đơn giản và hiệu quả để ngừa lao vẫn là đưa trẻ đi chích ngừa lao miễn phí (mũi tiêm BCG) theo lịch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

 

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI