Cậu bé buồn thiu giữa rừng giấy khen

09/07/2020 - 14:30

PNO - Hình ảnh cậu bé buồn thiu giữa một rừng giấy khen tiếp tục thành chủ đề nóng cuối năm học.

Vào thời điểm kết thúc năm học, hình ảnh một cậu học sinh tay trống trơn, mặt buồn thiu giữa lúc các bạn cùng lớp giơ cao tấm giấy khen được chia sẻ trên mạng xã hội, làm dấy lên nhiều tranh luận.

Là giáo viên, cũng là người mẹ, nhìn tấm hình ấy tôi nhói lòng. Nếu cậu bé là con tôi, không biết tôi sẽ xót tới mức nào. Thực hư tấm hình này ra sao? Có sự sắp xếp để chụp, hay tình huống thực tế tự nhiên? Dù thế nào thì hình cũng rất phản cảm, thiếu tính nhân văn, không thể chấp nhận.

Có lẽ cảm giác lạc lõng, buồn bã của cậu học sinh trong tấm hình sẽ theo em suốt cuộc đời, và thật nguy nếu nó tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của em.

Hình ảnh một cậu học sinh mặt buồn thiu giữa lúc các bạn cùng lớp giơ cao tấm giấy khen làm dấy lên nhiều tranh luận. Ảnh từ Facebook
Hình ảnh một cậu học sinh mặt buồn thiu giữa lúc các bạn cùng lớp giơ cao tấm giấy khen, làm dấy lên cuộc tranh luận. Ảnh từ Facebook

Chắc hẳn có nhiều lý do để cậu học sinh không được giấy khen, nhưng có cần thiết phải làm tổn thương một đứa trẻ như thế không? 

Việc tặng giấy khen để ghi nhận những thành tích trong năm học và động viên, khích lệ học sinh cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong tương lai. Vấn đề là trao tặng, khen thưởng ra sao để tấm giấy ấy làm đúng nhiệm vụ của nó.

Những học sinh nhận giấy khen đương nhiên rất phấn chấn. Bằng chứng có một nam sinh lần đầu được học sinh tiên tiến đã đem giấy khen đi chụp ảnh với “cả thế giới” để khoe. Nhưng với những em chưa đát thành tích, chưa được giấy khen, giáo viên cần ứng xử khéo léo. Bởi trong giáo dục, ngoài những nguyên tắc, cần lắm sự bao dung của người thầy, chỉ một hành động kém tính sư phạm có thể huỷ hoại tương lai và gây dấu ấn tồi tệ suốt đời một con người.

Thời điểm kết thúc năm học trước, một hình ảnh tương tự đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Ảnh từ Facebook
Thời điểm kết thúc năm học trước, một hình ảnh tương tự được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Ảnh từ Facebook

Ngoài chuyện phát giấy khen thì việc hạnh kiểm của học sinh cũng là đề tài thu hút nhiều bình luận trong các group giáo viên. Hiện nay, nhiều nơi chỉ dựa vào vài lỗi vi phạm của học sinh như đi học muộn, mặc đồng phục sai, không học bài làm bài đầy đủ... đã đánh giá hạnh kiểm các em không tốt.

Nếu chỉ căn cứ những lỗi vi phạm nhỏ trong khoảng thời gian ngắn mà đánh giá hạnh kiểm, theo tôi là không chính xác. Vì đối với một con người, để đánh giá đạo đức cần một khoảng thời gian rất dài. Hạnh kiểm bao gồm cả thái độ, hành động, cảm xúc, không thể từ một, hai lỗi hành vi đã kết luận thành vấn đề đạo đức mà không quan tâm đến động cơ dẫn phạm lỗi thế nào, thái độ và cảm xúc ra sao.

Cách đánh giá này khiến nhiều em "không phục" và nảy ra cách đối phó. Ở nhiều trường còn đưa ra quy định, nếu học sinh không đạt học lực khá, giỏi, thì hạnh kiểm đương nhiên không phải loại tốt. Điều này theo tôi cũng không chính xác.

Vẻ mặt phấn khởi của nam sinh lần đầu đạt học sinh tiên tiến, cầm giấy khen đi khoe và chụp ảnh với nhiều người. Ảnh từ Facebook
Vẻ mặt phấn khởi của nam sinh lần đầu nhận danh hiệu học sinh tiên tiến, cầm giấy khen đi khoe và chụp ảnh với nhiều người. Ảnh từ Facebook

Việc học giỏi hay kém do nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhiều em học chưa tốt nhưng lại rất ngoan ngoãn. Đánh giá hạnh kiểm dựa trên học lực không khuyến khích được sự cố gắng của học sinh. Mục đích của mọi việc đánh giá phải vì sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của các em.

Sự đánh giá phải đến từ nhiều nguồn, chứ không một chiều từ phía giáo viên mà còn của phụ huynh, bạn cùng lớp và bản thân học sinh. Rất cần giáo viên quan sát hành vi của học sinh trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Việc tặng giấy giấy khen cho học sinh là việc phải làm và nên làm.ấn đề đặt ra là việc tặng giấy khen đó được thực hiện ra sao để việc này phát huy giá trị thật sự của nó.
Việc tặng giấy khen là để khích lệ học sinh, chứ không phải để làm tổn thương các em chưa đạt thành tích mong muốn. Ảnh từ Facebook

Từ phía các giáo viên chúng tôi, khi đánh giá hạnh kiểm, chúng tôi luôn cân nhắc, đánh giá cả quá trình, sự cố gắng tiến bộ của học sinh, chứ không phải đếm số lượng lỗi để quy kết. Tuy vậy, nhiều ban giám hiệu không có tiêu chí đánh giá rõ ràng cụ thể, khiến giáo viên bối rối, và thầy cô sẽ đánh giá dựa trên cảm tính, học sinh cũng khó mà tự đối chiếu quá trình rèn luyện của mình.

Tôi nghĩ, với những việc chưa có quy định cụ thể, ngoài việc áp dụng quy định một cách linh hoạt, rất cần sự bao dung của người thầy, để chọn phương án có lợi nhất cho học sinh. Hơn tất cả, giáo viên cần tin vào nhân cách tốt đẹp của các em.

Bởi xét cho cùng, mục đích cao nhất của giáo dục là để học sinh hoàn thiện, trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Mọi sự khen thưởng, đánh giá cần tránh làm tổn thương những tâm hồn non nớt đang cần định hướng để phát triển đúng đắn.

  Thanh Hà

(Giáo viên THPT)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(18)
  • Chu Van 11-07-2020 04:05:34

    Còn cách tra tấn tinh thần nào tốt hơn nữa không???

  • Trường 11-07-2020 00:24:14

    Ngồi điểm lại những đứa bạn không có giấy khen học chung mình ngày xưa, giờ tụi nó toàn nhà giàu và thành công. Còn mấy đứa có giấy khen như mình lại là 1 nhân viên quèn bình thường....!

  • Casau Amazon 10-07-2020 21:01:01

    đừng buồn vì điều đó, thậm chí nên vui vì điều đó... khi mà giấy khen đã không còn ĐẮT như ngày xưa nữa thì việc một mình mình không đc giấy khen chả phải bạn trở nên đặc biệt đó sao? đặc biệt một cách khác biệt cũng là một loại tố chất ... chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.... biết đâu sau này bạn làm giám độc một công ty và tất cả những đứa đang cầm giấy khen lại trở thành công nhân giỏi giúp việc cho bạn...!!!

  • nguyễn quốc tuấn 10-07-2020 16:29:38

    Chúng ta nên nghĩ rộng ra rằng, nếu trò dốt thì đương nhiên do em đó chưa cố gắng, nhưng cũng cần phải thấy rằng thầy cô chưa làm cho trò giỏi thì thầy cô một là cũng "kém", hai là phương pháp thầy cô chưa tốt.

  • Hoangmai 10-07-2020 15:59:17

    Giấy khen chưa chắc đã là học lực thực tế vì thế mong giáo viên đừng làm các em tổn thương. Lớp con mình các bạn k dc giấy khen cô giáo xin phụ huynh tùy tâm mỗi người vài chục ngàn mua 5 cuốn tập gói rất đẹp tặng cho các em vui, vậy là cả lớp bạn nào cũng vui ngày liên hoan cuối năm.

  • nguyen dinh hoat 10-07-2020 13:53:31

    Thường thì giấy khen không đi tương xứng với trình độ các cháu đó là vì thành tích mà thôi, nên muốn cho tương xứng thì giáo viên phải thật công bằng đừng vì những thành tích hoặc một cái gì đó mà làm giấy khen không đúng nghĩa thật sự của nó.

  • Tan Tung 10-07-2020 13:29:16

    Những sai sót xuất phát từ một số thầy cô giáo nói thiệt lòng tin của tôi giảm sút đáng kể !

  • VGHAN 10-07-2020 11:49:47

    phản giáo dục...

  • Võ Duy Tân 10-07-2020 11:35:17

    Tôi cũng là người có gia đình và đã có con. Tôi luôn dạy con của tôi là ko nên coi trọng vào những điểm số và hình thức thưởng giấy khen này nọ, mà luôn luôn phải dạy con mình và theo sát con mình đã học được những gì ở trường và từ tôi dạy ở nhà, nắm bắt đc kiến thức bao nhiêu? Chứ tôi thấy bây giờ học sinh thì điểm số cao lắm, nhưng tui test thử vài cháu ở khu phố xung quanh tôi là những cái giấy khen và điểm số ko tương xứng với kiến thức mà các cháu đã nhận.

  • Hàn trần 10-07-2020 10:35:22

    Thật xót xa... không thể chấp nhận được, không có tính nhân văn.

  • phandien 10-07-2020 10:34:25

    Nhiều giấy khen thế, cố lên cậu bé, sau này một trong số họ có khả năng đi làm thuê cho e đấy.

  • Nguyễn Kim Hạnh 10-07-2020 09:34:47

    GV Thanh Hà viết rất đúng, đừng để các cháu bị tổn thương lạc lỏng giữa những tấm bằng khen mà bản thân các cháu không có được.
    Tôi đồng ý câu viết của Thanh Hà . "Bởi xét cho cùng, mục đích cao nhất của giáo dục là để các em hoàn thiện, trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Mọi sự khen thưởng, đánh giá cần tránh làm tổn thương những tâm hồn non nớt đang cần định" hướng để phát triển đúng đắn.

  • SunHoa 10-07-2020 09:15:16

    Nên có 1 lý do để các bé chưa có thành tích tốt trong học tập cũng có được 1 tấm "bằng khen" như các bạn...
    thí dụ như: đc trao 1 "tấm bằng"
    - học sinh thân thiện
    - giúp đỡ mọi người
    - đã rất cố gắng
    - hoặc những vấn đề khác.....

  • Bình 10-07-2020 09:00:09

    Thời buổi này kiếm người học dốt sao khó quá (!)

  • Luu Dung 10-07-2020 08:58:12

    Học không giỏi đương nhiên là không được hạnh kiểm tốt
    Cách đánh giá hạnh kiểm HS kiểu này có đúng không???

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI