Cậu bé 13 tuổi vẽ ước mơ bằng ống nhựa

31/03/2017 - 17:00

PNO - Quả mìn sót lại trên đồng phát nổ lấy đi chân tay của cậu bé 13 tuổi. Nhưng nghị lực phi thường giúp cậu đi học với một ống nhựa dùng để viết bài. Em đã chứng minh rằng, nghị lực sống mạnh hơn cả tử thần.

Nhà của em Phan Trọng Hiếu (13 tuổi, ở khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hiện là học sinh lớp 8/6 Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Ái Nghĩa) nằm sâu trong hẻm nhỏ cuối phố. “Nhà cái thằng cụt tay mà viết được phải không?” - một bà đứng tuổi chỉ đường ân cần, như kèm theo lời khen. 

Cau be 13 tuoi ve uoc mo bang ong nhua
Dù cụt tay nhưng nhờ nỗ lực, cậu viết ước mơ của mình bằng chiếc ống nhựa

Nhà cửa tuềnh toàng, rơm rạ phủ đầy lối đi. Cha Hiếu, ông Phan Nhì nói về gia cảnh như bao nông dân khác ở đất này: “Nhà có năm đứa con thì Hiếu là con trai duy nhất, còn mấy chị gái đứa đã lấy chồng, đứa đang theo học ở dưới Tam Kỳ, ngoài Đà Nẵng. Vợ chồng tui làm nông với năm sào ruộng để nuôi năm đứa con ăn học cũng đuối. Nhưng không cho tụi nó học thì nghèo đâu lại hoàn đấy”. 

Và buổi chiều định mệnh cuối tháng 11/2013 đã xảy ra: “Tôi đang đi làm thợ ở Tây Nguyên thì nghe điện thoại, rụng rời chân tay. Mẹ nó lo làm đồng, nó lùa bò đi ăn với mấy đứa trong xóm. Làng ni bom mìn còn khắp nơi, nhưng nghĩ lâu quá rồi còn chi nữa. Tụi nó lượm được, đập chơi. Thằng Hiếu bị cụt mất hai tay, hai chân bị thương, trong đó chân trái bị gãy nặng, hai đứa bạn khác thì bị thương nhẹ hơn”.

Sau khi xảy ra tai nạn, gia đình tìm mọi cách đưa Hiếu đến các bệnh viện lớn để chạy chữa. Các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng cho biết em còn quá nhỏ để phục hồi, nên nhiều khả năng sẽ mang thương tật suốt đời.

Cau be 13 tuoi ve uoc mo bang ong nhua
Cha mẹ Hiếu vừa vui mừng, vừa lo lắng khi con trai ước mơ được đi học dù hai tay tật nguyền vì tai nạn không may. 

“Chân phải bị nhẹ, chân trái nó bị gãy, được chữa chạy nên ban đầu nó còn đi được một chút, nhưng có lần nó sơ sẩy không cẩn thận nên bị gãy luôn, phải nẹp sắt. Bây giờ, trong cái chân đó có đến tám cái ốc vít để cố định, giúp tập đi”.

Chuyện đã ba năm qua, nhưng mắt người đàn ông đã qua 60 tuổi như chưa hết nỗi buồn. Nỗi đau xót cho con cái, niềm kỳ vọng cố hữu ở những gia đình Việt về đứa con quý tử, như cú tát khiến mọi thứ đứt gãy choáng váng, khiến cả nhà ông như tang tóc một thời gian dài. “Thôi thì đành, số phận cả rồi” - vợ ông Nhì vừa phơi áo quần, vừa nói như cố nuốt nước mắt.

Những ngày dài ở Bệnh viện Đà Nẵng chưa qua đi thì một bữa đang đút cơm cho con, ông giật mình nghe Hiếu nói: “Con muốn đi học!”. “Nói thiệt mấy anh, lúc đó vừa thương con, vừa lo lắng, vừa mừng…” - đôi bàn tay lão nông chai sạn như đất mùa hạn, xòe ra một cách vô thức như muốn đánh đổi hết cho con mình, vừa như bất lực.

“Làm  sao bây giờ? Tui nghĩ miết, ngó bộ hắn quyết tâm lắm rồi, mà mình dân quê, nghe nói người ta có cách chi đó lắp ráp bàn tay, nhưng biết ở đâu mà xin. Tôi về nói với cả nhà, ai nấy thở dài, nhưng làm cha thì bằng cách chi tui cũng phải cho con được cái ước muốn đó”, người cha chia sẻ.

Những ngày đầu, ông Nhì đều đặn chở Hiếu lên lớp. Không còn tay, cậu bé chỉ lên ngồi nghe giảng và nhìn ngắm bạn bè. Nỗi buồn tủi lại trào lên, tràn từ con sang cha khi mỗi lần đi và về trên xe, con nói rằng “làm sao con viết được hả cha?”.

Cau be 13 tuoi ve uoc mo bang ong nhua
Để viết được chữ bằng ống nhựa, Hiếu vượt qua biết bao khó khăn, mặc cảm.

Đêm trắng hành hạ ông, nhưng cuối cùng, tình thương con đã giúp ông bật ra sáng kiến. “Tui lấy cái ống nhựa tròng vào vừa cùi tay cháu, sau đó khoét hai lỗ trên và dưới để nhét cây bút vô. Những ngày đầu, nó tập cực lắm vì làm sao mà điều khiển được cái cánh tay để viết. Nhưng rồi hai vợ chồng tui động viên, bày tập nên cuối cùng cháu cũng… vẽ ra chữ”. 

Viết được chữ rồi, Hiếu có thể làm văn, làm toán. Còn chuyện ăn uống, Hiếu phải dùng cả hai tay cụt của mình giữ lấy chiếc thìa để lấy đồ ăn, cầm đồ uống. Những ngày đầu, đôi chân của em chính là đôi chân của cha. Nắng hay mưa, bạn bè đều thấy cha bồng Hiếu vào lớp. "Nhưng bây giờ, nó không cho tôi bồng đến lớp, mà chỉ đưa tới cổng trường rồi tự đi vào" - ông Nhì cười. 

Hiếu đang tập tễnh vào lớp trong cái nắng hiếm hoi khi ngoài kia không khí lạnh sắp tràn xuống. Quyết tâm như dời núi lấp biển của người cha chốn quê nghèo, giờ là cái ngẩng đầu vừa e thẹn vừa quyết liệt của cậu bé. Thấy khách lạ, Hiếu  đang đùa giỡn với bạn, ngượng nghịu cúi xuống. Ống nhựa trên bàn tay phải đè xuống cuốn vở như vật chèn giấy, như dụng cụ học tập chưa từng có và vĩnh viễn không bao giờ có trong nhà trường.

Bạn bè cười rần, xô vai: “Trả lời chú kìa Hiếu”. “Dạ lúc đầu viết khó lắm chú, chừ quen rồi”. “Có bao giờ Hiếu nghĩ mình sẽ nghỉ học không?”. Cái chớp mắt trong veo kèm câu trả lời không chút đắn đo: “Em chỉ muốn đi học thôi. Lúc đầu thấy các bạn cười, nghĩ mình cụt tay, em khổ lắm. Giờ quen rồi, các bạn cũng không chọc em nhiều nữa”. 

Cau be 13 tuoi ve uoc mo bang ong nhua
Nét chữ từ chiếc ống nhựa của cậu bé 13 tuổi đầy nghị lực.

Bạn cười, Hiếu cũng cười theo, rổn rảng. Như có ánh nắng tỏa sáng trên gương mặt chớm hình chữ điền. Và Hiếu viết, giăng giăng thẳng hàng. Hình như không còn là ống nhựa được luồn cây viết nữa, mà là bàn tay như không mất đi, bàn tay để học, làm lụng và sống. Bây giờ, ống nhựa kia như bàn tay thứ hai được sinh thành, thay thế để em thấy mình như bao người, được tỏa sáng giấc mơ.

Để có thể từ không thể, từ vẽ chữ đến “ngang ngay sổ thẳng” như chưa từng có tai ương, cậu bé đã phải đi qua biết bao đoạn trường, phải vượt lên chính mình, như tiềm ẩn sâu xa đâu đó tiếng thì thầm mãnh liệt, chưa định hình, chưa gọi tên nhưng lộ sáng những tín hiệu xa xôi cho tương lai, rằng chính ta sẽ viết lại cuộc đời của mình, và phải viết, chứ không thể khác.

Nói về học trò mình, thầy Trần Hữu Nghị, Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Trãi không giấu tự hào: “Gia cảnh của Hiếu nghèo, tai nạn thương tâm đến với em khiến chúng tôi buồn lắm, cứ nghĩ đường đến trường của em đã chấm dứt. Nhưng không ngờ, em đã khiến cả trường khâm phục.

Sau tai nạn vào năm lớp 6, em phải bảo lưu kết quả một năm rồi sau đó đi học trở lại. Từ đó đến nay, em đến trường đều đặn dù học lực cũng trung bình, nhưng phải nói đó là cả một sự nỗ lực. Hiếu là một học sinh ngoan. Sau khi em bị sự cố, nhà trường luôn tạo điều kiện hỗ trợ để em có thể theo kịp chương trình học. Một tổ Cùng tiến được cô chủ nhiệm và đoàn, đội thành lập giúp đỡ Hiếu, những em có học lực khá hơn sẽ kèm cặp và bày thêm cho Hiếu, những lúc kiểm tra mà Hiếu viết không kịp thì các bạn sẽ viết giúp”. 

Để nụ cười rạng rỡ như thuở chưa từng biết đến tai ương, đôi môi ấy đã bao lần méo đi vì cô độc và tủi hổ trong tiếng cười trêu chọc của bạn bè. Các cô giáo chủ nhiệm của Hiếu từ lớp 6 đến lớp 8 đã phải “chiến đấu” với đám học trò nghịch như quỷ sứ để… giải vây cho Hiếu.

Cô Lê Thị Liền, chủ nhiệm lớp 8/7 kể: “Tôi biết em mặc cảm, bạn bè trêu chọc, nên tôi nói với học sinh rằng, dễ chi bạn đến được trường, hãy đặt hoàn cảnh mình là bạn, các em sẽ biết thương bạn nên hãy giúp bạn. Tôi theo dõi thường xuyên, tạo điều kiện hết mức để em vươn lên. Từ đó mọi việc tốt hơn, bạn bè hòa đồng, Hiếu cũng mạnh dạn hơn, vui chơi như không hề bị thương tật, kết quả học khá hơn.

Vừa rồi, trường mở cuộc thi rèn chữ từ xấu đến đẹp, cấp trường, Hiếu xung phong đi thi và đoạt giải nhì. Lớp vui, thầy cô vui. Hình như Hiếu có khả năng về tin học khi em bộc lộ đam mê công nghệ, rồi thích vẽ. Thật mừng!”. 

Hỏi về ước mơ, mắt cậu bé lóe lên, miệng thủ thỉ một điều đinh ninh mà còn e ngại: “Em muốn học vẽ”. Mẹ em, bà Nguyễn Thị Ngọc Đào cũng chung niềm âu lo: “Nhiều đêm nằm ngủ, cháu cũng tâm sự về những mệt mỏi khi mất đôi tay. Hai vợ chồng gạt nước mắt mà khuyên bảo dù gì thì con cũng phải học tiếp, chỉ có đi học mới có những cơ hội cho tương lai, kiếm cái nghề một tháng dăm ba triệu chi cũng được, đặng nuôi thân khi cha mẹ về già.

Hiếu nghe lời lắm, nó biết vậy nên rất chăm chỉ. Giờ chúng tôi mong sao có cách nào cháu có được một đôi tay giả hoàn thiện để đỡ đần một phần trong sinh hoạt, học tập hàng ngày. Mong sao thầy cô giúp đỡ để cháu học lên nữa, sau này có được cái nghề để nuôi sống bản thân”. 

Khi con người ta lâm vào những tình huống sinh tử, lúc đó mới biết khát khao sống cuộc sống bình thường là điều cần nhất, duy nhất, và cũng chính lúc đó, như người đuối nước nhưng không tắt hy vọng, họ cố vẫy vùng để níu kéo sự sống, bằng sức mạnh mà chính họ lắm khi cũng không hiểu năng lượng ấy có từ đâu.

Như một liệu pháp lan tỏa, những người như thế dựng lên ở đồng loại kỳ vọng về điều kỳ diệu của sự sống. Nhìn Hiếu cúi mình trên vở và nắn nót viết, nhiều người tin rằng em sẽ bước tiếp, vững vàng, để vẽ ước mơ đời mình thành hiện thực.

Trung Việt - Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI