Múa bồng hay điệu múa "con đĩ đánh bồng" là một "đặc sản" chỉ riêng có trong hội làng Triều Khúc. Bởi lẽ, người thực hiện là các chàng trai giả gái, mặt hoa da phấn.
Tương truyền, khi Bố Cái Đại Vương Phùng tập kết quân sĩ tại làng Triều Khúc để vây đánh quân nhà Đường vào khoảng thế kỷ thứ VIII, ông đã cho binh lính đóng giả làm gái, đeo trống múa bồng để khích lệ tinh thần quân sĩ.
Nổi bật trong dàn "mỹ nữ" của làng Triều Khúc năm nay là cậu bé Lưu Bảo Khánh với gương mặt bầu bĩnh, trình diễn điệu múa thanh thoát. Khánh mới 13 tuổi và lần đầu tiên được lựa chọn vào đội ngũ các chàng trai giả gái để nhảy điệu múa bồng.
"Em cảm thấy rất vinh dự khi lần đầu tiên tham gia cùng các anh trong làng nhảy múa bồng. Không phải ai cũng được chọn như thế" - Bảo Khánh cho biết.
Tiêu chuẩn để lựa chọn vào đội ngũ các chàng trai giả gái rất nghiêm ngặt, đã được quy định rõ ràng trong hương ước lệ làng từ xưa.
Các chàng trai được chọn phải là trai trẻ trung, chưa vợ, có nhân cách đạo đức tốt, ngoan ngoãn...
Các điệu múa uyển chuyển, linh hoạt của điệu "con đĩ đánh bồng" mang lại sự vui vẻ cho người dân và du khách.
Chân dung các "mỹ nữ" mặt hoa da phấn trong hội làng Triều Khúc.
Các chàng trai giả gái vừa diễu hành quanh làng, vừa nhảy múa uyển chuyển, duyên dáng, vừa cười nói trêu ghẹo nhau và trêu ghẹo dân làng cùng du khách.
Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ mùng Chín đến Mười hai tháng Giêng hàng năm, với lễ rước sắc Phùng Hưng mang ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại đại đình, mừng ngài đăng quang, tạ ơn ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành.
Hội làng Triều Khúc là một trong những lễ hội xuân tại Hà Nội được nhiều người ngóng chờ.
Trải qua hàng trăm năm, hội làng Triều Khúc được đánh giá vẫn giữ được những nét xưa cũ và giá trị truyền thống, thu hút nhiều người dân và du khách thập phương mỗi dịp đầu năm.