Caterina Cornaro - Cuộc đời đầy thăng trầm của Nữ hoàng cuối cùng trị vì Vương quốc Síp

26/08/2020 - 12:35

PNO - Là một trong số ít những phụ nữ vĩ đại thuộc thời kỳ hoàng kim của Venice, Caterina Cornaro (1454 - 1510) là một hình mẫu quan trọng trong nền chính trị, ngoại giao và nghệ thuật của thời kỳ Phục Hưng. Bà đã trị vì Vương quốc Síp (Cyprus) trong 16 năm, từ khi tạm quyền nhiếp chính năm 1473 và trở thành Nữ hoàng từ năm 1474 đến 1489.

Là một người đam mê hội họa, bà đã cho phép những danh họa xuất sắc nhất thời bấy giờ như Dürer, Titian, Bellini, và Giorgione có được đặc ân để vẽ chân dung mình. Thế nhưng, với thế giới bên ngoài cổng thành Venice, bà vẫn là một "ẩn số" ít ai biết đến.

Chân dung nữ hoàng Caterina (1494-1495) - Ảnh: Albrecht Dürer/Wikimedia
Chân dung Nữ hoàng Caterina giai đoạn 1494-1495 - Ảnh: Albrecht Dürer/Wikimedia

Caterina là người trị vì cuối cùng của Vương quốc Síp. Triều đại đầy bi kịch của bà đã chứng kiến sự chuyển giao Địa Trung Hải từ tay của triều đại Lusignan vốn đang chiếm giữ quần đảo từ thời nổ ra cuộc Thập tự chinh sang Cộng hòa Venice.

Cho dù phải đối mặt với nhiều mưu đồ chính trị khắc nghiệt, Caterina vẫn là hình mẫu nhận được nhiều sự ngưỡng mộ và trọng vọng bậc nhất trong xã hội châu Âu đương đại.

Sóng gió vương triều

Caterina sinh năm 1454 trong một gia đình "danh gia vọng tộc" giàu có, quyền lực thuộc đế chế Venetian với hàng loạt đồn điền trồng và chế biến mía quy mô lớn nhất ở Venice, Ý.

Sau nhiều biến cố với các cuộc thanh trừng và tranh giành quyền lực, vào năm 1463, James đệ Nhị đã giành được ngôi vua, trị vì Vương quốc Síp. Ngày 30/7/1468, Vua James đệ Nhị đã làm lễ kết hôn vắng mặt (proxy wedding) với Caterina, lúc ấy là một cô bé mới 14 tuổi, tại Thánh đường St.Mark.

Mãi đến 4 năm sau đó (tháng 11/1472), Caterina đã vượt hơn 2.000km đường biển đến đảo quốc Síp để chính thức làm lễ thành hôn cùng Vua James đệ Nhị tại thành phố Famagusta, trở thành hoàng hậu của Vương quốc Síp. 

Thế nhưng, chỉ chưa đầy 1 năm sau lễ cưới, Vua James đệ Nhị chết đi, để lại đương kim hoàng hậu góa bụa cùng cái thai sắp đến ngày khai hoa nở nhụy. Người ta đồn rằng, vị vua này bị đầu độc bởi một người thân tín trong gia đình của Caterine.

Theo ý nguyện của Vua James đệ Nhị vào những giây phút cuối cùng trước khi ngừng thở, Caterine đã được trao tạm quyền nhiếp chính vương triều Síp vào năm 1473.

Tranh sơn dầu Nữ hoàng Caterina Cornaro (tác giả khuyết danh) - Ảnh tư liệu của Đại học Sydney [UA1865.9]
Tranh sơn dầu Nữ hoàng Caterina Cornaro (tác giả khuyết danh) - Ảnh tư liệu của Đại học Sydney [UA1865.9]

Sóng gió lại ập đến với người phụ nữ đầy truân chuyên này thêm một lần nữa vào năm 1474, khi con trai của bà là thái tử James đệ Tam, cũng là người thừa kế ngai vàng hợp pháp cuối cùng của dòng họ Lusignan, tử vong vào ngày 26/8/1974 - 1 ngày ngay trước buổi lễ sinh nhật tròn 1 tuổi với những nguyên nhân bí ẩn đến nay vẫn chưa được giải mã. Cái chết này đã chính thức đặt vào tay Caterina trọng trách của một mẫu nghi thiên hạ trị vì Vương quốc Síp trong gần 15 năm với biết bao thăng trầm vinh nhục.

Bị trục xuất khỏi Síp

Năm 1489, Caterina bị ép buộc phải thoái vị. Mặc dù bị mất quyền lực chính trị, bà vẫn chiếm được cảm tình của đông đảo dân chúng. Sử gia đương thời George Boustronios có chép lại ngày bà rời khỏi Síp như sau:

Vào ngày 15/2/1489, nữ hoàng rời Famagusta… Bà ngồi trên lưng chiến mã với tấm áo choàng bằng lụa màu đen, hai bên là đoàn tùy tùng trung thành của mình. Đôi mắt của bà nhòe lệ trong suốt cuộc hành trình… Dân chúng khắp nơi ai oán than khóc tiễn đưa bà...

Tranh sơn dầu mô tả một buổi chầu với sự hiện diện của nữ hoàng Caterina  gia đoạn 1872-1873 Ảnh: Wikimedia Commons
Tranh sơn dầu mô tả một buổi chầu với sự hiện diện của Nữ hoàng Caterina - Ảnh: Wikimedia Commons

Nữ hoàng của nghệ thuật

Khi trở về Ý vào năm 1489, Caterina được ban cho một thái ấp ở Asolo, một thị trấn nhỏ ở phía Bắc nước Ý, để sinh sống.

Ở đây, Caterina đã có công trong việc đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật thuộc trường phái Kiểu cách (là một trào lưu nghệ thuật xuất phát ở cuối thời kỳ Phục Hưng). Những người tài trong lĩnh vực nghệ thuật như danh họa Gentile Bellini và nhà thơ Andrea Navagero được bà đặc biệt trọng dụng. Tiếng tăm của bà ngày càng vang xa, thu hút ngày càng nhiều hơn những nghệ thuật gia nổi tiếng tìm đến.

Lâu đài vùng Asolo nơi nữ hoàng Caterina tá túc sau khi bị phế truất - Ảnh: Wikimedia Commons
Lâu đài vùng Asolo nơi Nữ hoàng Caterina sống cho đến cuối đời sau khi bị phế truất - Ảnh: Wikimedia Commons

Nữ hoàng Caterina từ trần năm 1510. Một đám đông với số lượng người lớn chưa từng thấy thời bấy giờ đã thương tiếc tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà được hỏa táng ở một nhà thờ vùng San Salvador gần cây cầu Rialto, một trong các công trình xây dựng nổi tiếng nhất của Venice.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI