Cắt toàn bộ dạ dày sau 3 năm từ chối phẫu thuật ung thư

06/04/2025 - 09:36

PNO - Phát hiện ung thư dạ dày 3 năm nay song từ chối phẫu thuật, người bệnh tại Hải Phòng phải cắt toàn bộ dạ dày do chảy máu nghiêm trọng.

Cấp cứu cắt toàn bộ dạ dày cho bệnh nhân ung thư bị chảy máu nghiêm trọng - ảnh: BVCC
Cấp cứu cắt toàn bộ dạ dày cho bệnh nhân ung thư bị chảy máu nghiêm trọng - ảnh: BVCC

Ngày 6/4, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, vừa cấp cứu một bệnh nhân gặp biến chứng chảy máu nguy hiểm do mắc ung thư dạ dày.

Theo đó, người bệnh L.M.L. (Hải Phòng) phát hiện ung thư dạ dày từ năm 2022. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân mà người bệnh đã từ chối phẫu thuật.

Thời gian gần đây, người bệnh phải nhập viện do đau nhiều, nôn ra máu, cơ thể suy kiệt. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn III, biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Các bác sĩ quyết định truyền máu song song tiến hành ca phẫu thuật cấp cứu.

Sau khoảng 2 giờ, các bác sĩ đã tiến hành cắt toàn bộ dạ dày, nạo vét các tổ chức xung quanh dạ dày, ngăn chặn tình trạng chảy máu và nối phần thực quản với ruột non để lập lại lưu thông tiêu hóa.

Sau phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc đặc biệt, nâng cao dinh dưỡng tĩnh mạch, kết hợp dinh dưỡng qua đường tiêu hóa sớm. Sau 4 ngày, người bệnh hồi phục và được ăn uống trở lại.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn - Khoa Phẫu trị xạ trị và Y học hạt nhân (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển - Uông Bí), ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả chảy máu dạ dày.

Với trường hợp người bệnh L., phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày là giải pháp điều trị hiệu quả, giúp nâng cao cơ hội sống. Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn dạ dày và hạch, ngăn chặn sự lan rộng của ung thư và kiểm soát tình trạng chảy máu dạ dày.

Theo các chuyên gia, dạ dày có chức năng co bóp, nhào nhuyễn thức ăn. Khi cắt bỏ dạ dày, thức ăn sẽ đi thẳng vào ruột. Do thức ăn không được bóp nghiền nên men tụy tiết ra hấp thu dưỡng chất không tốt như trước, ảnh hưởng tới quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng. Do đó, các bữa ăn cần được chia nhỏ ra trong ngày.

Người bệnh cần ăn chậm, nhai kỹ, ngừng ăn khi cảm thấy no, không ép bản thân ăn cho hết phần ăn. Duy trì chế độ ăn “khô”, nghĩa là không uống nước và các loại đồ uống cùng bữa ăn, không ăn súp, canh cùng bữa ăn. Dạ dày còn là cơ quan hấp thụ canxi, sắt, B12 nên người bệnh buộc phải bổ sung thực phẩm có nhiều chất này.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI