Cất lời bản xứ giữ trọn tình quê

19/08/2023 - 07:05

PNO - Gần 50 tản văn trong tập sách Tự tình với quê của nhà văn, thượng tá Cao Thanh Mai vừa được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành như gói trọn lời yêu thương với quê hương bản xứ mà tác giả đã gắn bó cả đời người.

Miệt Cần Thơ gạo trắng nước trong long đong từ thời chiến đi qua thời bình. Nay ngồi lại với miền ký ức, Cao Thanh Mai như con tằm rút ruột nhả tơ. Từng sợi tơ mỏng mảnh chính là từng lời đau đáu chị dành cho quê mình. Hầu hết các tác phẩm trong tập tản văn dẫu vụn vặt nhưng đầy nỗi niềm. 

Tỉ như chuyện ghé lại thăm bà má già tuổi đời cạn cùng với heo may, lắng nghe lời má dặn. Dẫu lời của bao bà má trong cuộc đời này đều nhẹ tênh nhưng với mấy đứa con, lại nặng trĩu trong lòng. Nhìn mái tóc bạc, đôi tay nhăn nheo da bọc lấy xương, đôi mắt in hằn vết thiên di… mà sợ. Sợ một mai nào đó ghé thăm nhưng không còn nghe được lời má dặn. Cao Thanh Mai kể chuyện nhỏ mà thật ra là nỗi lòng của tất thảy những đứa con trên cõi đời này. Lối viết tỉ tê, thủ thỉ như kể chuyện của chị cứ vậy mà gieo vào lòng người đọc những nốt trầm giữa hối hả cuộc đời. Nốt trầm ấy đủ lắng, vừa sâu và may thay chạm đến trái tim của bất kỳ ai đọc văn chị. 

Cao Thanh Mai hiền, hay cười và sống khiêm cung. Chị dường như “trốn” trong một góc nào đó của cuộc đời để nhìn, ngẫm và viết. Chị viết từ những thao thiết của lòng mình; từ những trải nghiệm của một người con có cha làm cách mạng từng trải qua những năm tháng tù đày ở Côn Đảo, có bà má tảo tần sớm hôm chắt chiu cho đàn con khôn lớn; từ môi trường quân đội để biết sống là cho đi tất cả; từ tâm hồn của chính mình khi được làm mẹ… và hơn hết từ chính gốc rạ chân quê. Với những đứa con miệt châu thổ Cửu Long, phù sa nuôi họ lớn, sóng nước dạy họ khôn và đời cam khổ tôi luyện họ nên hình hài vóc dáng. Văn của chị cũng như thế - đôn hậu và nặng mang. 

5 tuổi, Cao Thanh Mai đã chứng kiến cảnh cha mình bị tra tấn chết đi sống lại trước sân nhà. Chị kể lại bằng ký ức của những ngày đầy ám ảnh. Lời kể đau đáu ấy lại mang đến cho độc giả sự nhẹ nhàng của tấm lòng vị tha. Cuộc chiến đi qua, điều còn lại là sự sống. Sống như loài cỏ nát vẫn sinh sôi qua bao bận nắng nôi bầm dập. Sống để thấy đời vẫn xanh và lòng người vẫn rộng.

Trong tản văn Ký ức tháng Tư, chị mang đến một câu chuyện giản dị nhưng mở ra cho độc giả chân trời của đời người. Ở đó, nơi biển rộng bao la giao thoa cùng trời mây, con người nhỏ nhoi như một cá thể giữa trùng vây phong ba. Ấy vậy mà chỉ cần lòng mình đủ an tĩnh thì chân trời trong mỗi người tự khắc cũng soi chiếu cho mình hướng đi.

Gót mỏi nơi đâu thì chân trời của bất kỳ ai cũng chính là quê hương, là chân lý sống đời tử tế. Trên hết vẫn là tấm lòng giữa người với người - mộc mạc như phù sa. 

Lâu lắm rồi tôi mới đọc được một tập tản văn chiêm nghiệm cuộc đời sâu sắc đến vậy. Từng lời, từng chữ Cao Thanh Mai như từng sợi tơ mảnh. Nhiều sợi tơ mảnh, níu giữ tình quê vào người châu thổ. Tôi cũng gốc gác miền Tây 9 nhánh sông, bôn ba xa xứ ngót nửa quãng đường trần. Chợt tự hỏi lần nào đó tôi về, biết có còn gặp được quê không… 

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI