Cắt gọt tạo duyên

28/06/2013 - 07:35

PNO - PNCN - Cắt gọt xương để tạo ra gương mặt mới duyên dáng và tự tin trong giao tiếp đang là điều mà nhiều người mong muốn thực hiện…

Cat got tao duyenCat got tao duyen

1. Bệnh nhân đã hạ xương gò má nhưng không thành công -  2. Gò má sau khi chỉnh sửa lại

Thay quyền tạo hóa

Gọt hô

Người bị hô do phần xương hàm phát triển quá mức khiến cho răng bị vẩu, cười hở nướu, môi trên dày. Để không còn hô hớt, hiện đã có một số kỹ thuật dùng phương pháp cắt và di chuyển xương hàm để chỉnh hô. Kỹ thuật này cho phép người làm đẹp thoát khỏi mặc cảm bị hô bằng một lần mổ duy nhất. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng hơn hai tiếng.

Cắt móm

Khi bị móm, xương hàm dưới và răng đồng thời nhô ra hơn hàm trên nên tùy mức độ móm mà có cách chỉnh sửa phù hợp.

Nối dài cằm

Trước đây, để kéo dài cằm thường dùng miếng độn nhưng nhiều tác dụng phụ và hay bị lệch, có hiện tượng đào thải hay nhiễm trùng miếng ghép, có ngấn… Hiện nay, người làm đẹp có thể được dùng phương pháp trượt cằm. Xương vùng cằm được cắt và đẩy trượt về trước, độ dài ngắn tùy vào mức độ cằm ngắn hay cằm lẹm. Sau phẫu thuật, đầu mũi, môi trên, cằm sẽ tạo thành đường thẳng (I-Line).

Gọt hàm chữ điền

Khuôn mặt chữ điền vuông vức đầy nam tính không phù hợp với gương mặt phụ nữ sẽ được cắt gọt thon gọn. Hiện nay, cằm nhọn kiểu Hàn đang được ưa chuộng. Muốn có gương mặt theo đường nét V-Line, mà góc xương hàm và đỉnh cằm tạo thành một tam giác cân. Phẫu thuật trong miệng nên chỉnh sửa khuôn mặt mà không có vết sẹo nào.

Hạ xương gò má

Gò má “sát phu” được hạ thấp đến mức có thể nhờ kỹ thuật rạch đường duy nhất trong miệng, sau đó cắt xương và cố định phần cắt bằng nẹp vĩnh viễn. 

Điều không mong muốn

BS Nguyễn Thanh Vân - Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cho biết: “Phẫu thuật cắt gọt xương hàm… thuộc loại đại phẫu, cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm và thực hiện tại bệnh viện, nếu không sẽ có nhiều biến chứng: không cân xứng, gãy lồi cầu tổn thương không há hàm được, đứt thần kinh răng dưới làm tê môi dưới vĩnh viễn”.

ThS-BS Lê Tấn Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV Răng Hàm Mặt TP.HCM giải thích: “Đa số mài hàm chứ không cắt, vì thế sau khi làm đẹp xong sẽ thấy mặt không thay đổi gì nhiều. Trường hợp bị đau có lẽ do bóc tách làm tổn thương cơ mở miệng thì phải đợi đến khi cơ hồi phục miệng mới há thoải mái không đau. Riêng cắt góc hàm còn có thể bị một số biến chứng: cắt trúng thần kinh mặt gây méo mặt, cắt trúng động mạch mặt, động mạch cảnh ngoài gây chảy máu, khó cầm được máu, cắt góc hàm không đều khiến cho mặt không cân xứng, cắt quá mức mặt không đẹp. Còn gọt hô cũng là kỹ thuật khó, vì bác sĩ ngoài kinh nghiệm về giải phẫu thẩm mỹ còn phải am tường về răng hàm mặt. Nếu không, biến chứng là xương không liền nhau, tạo ra khớp giả, khi nhai cảm giác hàm lỏng lẻo, xộc xệch. Nếu cắt đứt mạch máu nuôi còn làm hoại tử xương, điều trị khó khăn. Còn trong trường hợp điều trị móm có thể làm gãy lồi cầu (khớp bản lề của xương hàm dưới - xương thái dương) khiến cho không há miệng được khi ăn, sai lệch khớp cắn”.

Ngay cả một ca làm đẹp thành công thì người làm đẹp cũng cần chuẩn bị tinh thần chịu đựng một thời gian hậu phẫu kéo dài. Khuôn mặt sau mổ sẽ sưng phù từ một đến hai tuần. Khó chịu nhất là đau, tê môi. Những cơn đau này có thể kéo dài cả tháng, ngay cả dùng thuốc giảm đau vẫn khó chịu. Chưa kể phải ăn cháo, nói chuyện khó khăn, phải tập luyện, chịu đau đớn khi mở hàm…

Vũ Âu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI