Cắt ghép hình ảnh để câu view: Cần tăng mức phạt để răn đe!

08/07/2022 - 06:20

PNO - Rất nhiều vụ lấy hình ảnh của người này đem gán ghép với những thông tin sai sự thật hoặc những sự việc khác chẳng liên quan nhằm câu view, khiến nạn nhân khốn khổ.

Khốn đốn vì bị gán ghép hình ảnh 

Những ngày qua, hình ảnh của một cô gái người nước ngoài đi tham quan dinh Thống Nhất đã được gán ghép với cô gái 17 tuổi người Anh tố bị hai nghệ sĩ Việt hiếp dâm, đang ầm ĩ trên mạng xã hội.

Chị N. bị gán ghép vào một đoạn clip với nội dung miệt thị người đi xe số và chạy xe ôm, khiến chị bị chửi bới, đả kích trên mạng xã hội
Chị N. bị gán ghép vào một đoạn clip với nội dung miệt thị người đi xe số và chạy xe ôm, khiến chị bị chửi bới, đả kích trên mạng xã hội

Trên thực tế, việc gán ghép hình ảnh ai đó với một thông tin xấu là khá phổ biến trên không gian mạng trong thời gian qua, khiến nhiều nạn nhân rơi vào khủng hoảng. Trường hợp chị V.T.T.M. (28 tuổi, quê Trà Vinh) là một ví dụ. Người ta đã lấy ảnh chị nằm ngủ trưa khi còn là sinh viên để ghép vào vụ “cô gái chết vì ngủ quạt máy” rồi tung lên mạng khiến gia đình, người thân của chị một phen hốt hoảng.

“Vào một buổi tối, tôi nhận được hàng chục cuộc gọi từ gia đình, người thân, vì họ thấy hình tôi ngủ quạt máy bị trúng gió chết được chia sẻ rầm rộ trên mạng. Những ngày sau đó, cuộc sống của tôi bị đảo lộn, tôi rơi vào khủng hoảng tinh thần. Cho đến nay, nhiều năm trôi qua, nhưng hình ảnh này vẫn còn trên mạng”, chị T.M. chia sẻ.

Vụ khác, vào tháng Năm vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip hai cô gái trẻ có những lời lẽ miệt thị người đi xe số và người chạy xe ôm. Ngay lập tức, hai cô gái này đã bị cộng đồng mạng truy lùng, “ném đá”. Nhưng thực tế là: “Trong một chuyến đi du lịch Đà Lạt, tôi được một người đàn ông đến phỏng vấn và quay video bằng điện thoại.

Sau đó, người này đã dùng hình ảnh của tôi lồng với tiếng của người khác và những nội dung miệt thị như đã biết nhằm câu view. Đoạn clip khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Tôi hoang mang đến cực độ vì phải nhận rất nhiều tin nhắn chửi bới, đả kích. Vụ việc chỉ dừng lại khi tôi trình báo cơ quan công an và được minh oan” - chị N., 22 tuổi, nhân vật trong clip, kể lại.

Khá nhiều vụ việc tương tự đã xuất hiện trên mạng xã hội, như: hình ảnh nữ sinh Quảng Bình bị gắn với vụ việc thanh niên rơi từ tầng 11, chung cư Tiến Bộ, tỉnh Thái Nguyên; ông N.T.K., nguyên cán bộ cấp Trung ương, bị ghép hình ảnh để quảng cáo thuốc… 

Cần tăng mức phạt hành chính lẫn hình sự

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, luật quy định, mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Do vậy, khi hình ảnh bị xâm phạm thì các cá nhân có quyền tự mình hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt. “Trong trường hợp người có hành vi xâm phạm không chấm dứt ngay và ngăn ngừa hậu quả xảy ra, nạn nhân được áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ quyền hình ảnh của mình và khởi kiện” - luật sư Trần Minh Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, hành vi gán ghép hình ảnh để bôi nhọ, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân người bị chế ảnh là vi phạm pháp luật. Tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, người đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về hành chính, người vi phạm có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” được quy định tại điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ở một góc độ khác, trường hợp người sử dụng hình ảnh, video của người khác cắt, ghép thành hình ảnh, thông tin sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh vu khống quy định tại điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư Trần Minh Hùng cũng cho rằng, việc gán ghép hình ảnh vào mục đích thông tin sai sự thật, bôi nhọ đã diễn ra trên không gian mạng từ nhiều năm nay và đến nay vẫn tái diễn. Để ngăn chặn tình trạng trên, ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức phạt của cả biện pháp hành chính lẫn hình sự. “Việc xử phạt không chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả mà còn để răn đe, giáo dục cho những trường hợp khác. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của công tác an ninh mạng để có thể nhanh chóng loại bỏ các hình ảnh cá nhân, hình ảnh riêng tư được đăng lên mạng mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu” - luật sư Hùng nêu ý kiến.

Về phía nạn nhân, luật sư Hùng khuyến cáo, khi bị gán ghép hình ảnh với những thông tin sai sự thật, bôi nhọ, người dân cần đến ngay cơ quan công an, viện kiểm sát nộp đơn tố cáo, yêu cầu can thiệp. Ngoài ra, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo để sàng lọc thông tin. 

Phản ánh và nhận biết tin giả

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ 
http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh 18008108. Đây được coi là công cụ hữu hiệu giúp nhận diện được các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu, tin độc hại, xây dựng môi trường mạng trong sạch. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các đối tượng đăng tin giả. 

Luật sư Trần Minh Hùng

 Sơn Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI