Casteless Collective: Ban nhạc dùng âm nhạc để thay đổi xã hội

09/09/2020 - 16:04

PNO - Từ dòng âm nhạc chỉ dùng cho tang lễ, Casteless Collective đang định vị lại phong cách nổi loạn của gaana để đấu tranh với xung đột đẳng cấp, tham nhũng và phản đối bạo lực phụ nữ

Isaivani bắt đầu cất tiếng hát khi đã gần 10 giờ tối. Khán giả ở thành phố Madurai, miền Nam Ấn Độ dường như không còn nhớ thời gian và bắt đầu reo hò. Nhiều người vẫy cờ xanh, nhảy múa và huýt sáo theo tiết tấu của bộ gõ.

Đó là màn trình diễn của Casteless Collective, những người đang sử dụng âm nhạc gaana để đánh động sự phân biệt đẳng cấp, tầng lớp xã hội ở Ấn Độ. Gaana có nguồn gốc từ phía Bắc Chennai, thủ phủ của bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, bị “đóng khung” ở đó cho đến khi được biết đến rộng rãi hơn qua các bản nhạc phim cách đây vài năm.

Một số thành viên ban nhạc
Ban nhạc Casteless Collective trong trang phục phương Tây

Ban đầu, những bài hát này là những ca khúc đau buồn, thở than, kết hợp với “điểu văn”, thường được hát để giúp những người ở đám tang tỉnh táo vào ban đêm (phong tục Ấn Độ cho rằng người thân của người mới mất nên thức cho đến khi thi hài rời khỏi nhà). Sau đó, gaana phát triển hơn, mô tả cuộc sống khó khăn của tầng lớp lao động ở phía Bắc Chennai. Trong quá trình phát triển, đôi khi lời bài hát bị xen lẫn với những ngôn từ không đàng hoàng nên các ca sĩ và ca khúc của thể loại này thường bị chỉ trích

Đối với Casteless Collective, gaana là một công cụ để chấm dứt sự phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp, đặc trưng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống Ấn Độ. Manusmriti, một văn bản pháp luật từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, phân xã hội Ấn Độ thành bốn cấp: đứng đầu là các thầy tu và trí thức Bà la môn, sau đó là chiến binh, thương nhân và cuối cùng là người lao động. Dalits, những người bị ruồng bỏ, là tầng lớp lao động, làm công việc nặng nhọc hoặc phải làm việc trong điều kiện tồi tệ. Dalits đã bị loại khỏi hệ thống bốn tầng lớp của Ấn Độ giáo và được coi là tầng lớp thứ năm.

Mặc dù hiến pháp Ấn Độ hiện nay cấm phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp, nhưng hệ thống phân cấp này vẫn tồn tại và phát triển thành nhiều nhánh, khiến sự chia rẽ càng sâu sắc hơn.

Trong các ngôi làng, những người thuộc tầng lớp trên và dưới ở trong những khu vực riêng biệt, có nguồn nước sinh hoạt riêng. Sự phân biệt này không được thể hiện rõ rệt ở các thành phố lớn, nhưng vẫn tồn tại ngấm ngầm trong cách ứng xử.

Isaivani  gương mặt nữ duy nhất của nhóm
Isaivani, gương mặt nữ duy nhất của nhóm

Bắt đầu từ Chennnai, quê hương của mình,  Casteless Collective muốn dùng chính âm nhạc để thay đổi và mang lại sự  bình đẳng. Hầu hết các thành viên của nhóm là cư dân phía Bắc Chennai, nơi gắn liền với hình ảnh của những cuộc ẩu đả và tội ác đẫm máu nên họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì đẳng cấp, ngôn ngữ hoặc âm nhạc gaana của mình.

Người đứng sau ban nhạc là Pa Ranjith, một đạo diễn Ấn Độ nổi tiếng với việc đưa các vấn đề chính trị xã hội vào tác phẩm của mình. Ông coi gaana là một loại hình nghệ thuật hấp dẫn được sử dụng để thể hiện cảm xúc của cuộc sống hàng ngày, và so sánh nỗ lực của Casteless Collective với phong trào nghệ thuật của cộng đồng người da đen ở Mỹ.

"Gaana vốn chỉ được hát trong đám tang chứ không phải trên sân khấu. Chúng tôi mong muốn thay đổi, đưa nó trở thành đại chúng hơn và sử dụng để làm nổi bật các vấn đề xã hội” - Pa Ranjith nói.

Ranjith tìm đến Tenma, một nhạc sĩ độc lập, để phát triển ban nhạc. Các thành viên của Casteless Collective mặc trang phục phương Tây để thay đổi nhận thức chung rằng các ca sĩ gaana ăn mặc xấu xí.

Ban nhạc hát về những người đi nhặt rác, các vấn đề của cộng đồng LGBT, bạo lực đối với phụ nữ và nhiều vấn đề xã hội khác, kể cả tham nhũng. Các ca khúc mang nhiều màu sắc khác nhau, có sự hài hước,vui tươi, có cả nỗi u sầu và hoài nghi pha chút châm biếm.

asteless Collective biểu diễn ở Chennai
Casteless Collective biểu diễn ở Chennai

Isaivani là một trong những người phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Khi còn là một thiếu nữ, cô rất mê các cuộc thi âm nhạc trên ti vi. Cô bỏ kỳ thi ở năm học cuối cùng để đăng ký học một trường dạy nhạc truyền thống. “Họ yêu cầu tôi phải có bằng cấp, sau đó từ chối đơn đăng ký của tôi” - cô nhớ lại, điều này khiến Isaivani rất thất vọng

Isaivani tập trung vào sự nghiệp của mình trong các đoàn hát tư nhân và hát các ca khúc trong phim. Ở một buổi biểu diễn, khán giả yêu cầu gaana nhưng lúc đó lại không có nam ca sĩ, cô đã xung phong được hát. Không ai tin rằng một cô gái nhạc nhẹ lại có thể hát gaana, thể loại âm nhạc cần phải có một giọng hát mạnh mẽ để phối hợp với âm thanh của bộ gõ.

Sự hoài nghi lặp lại trong buổi thử giọng với Casteless Collective. Mỗi lần như vậy, Isaivani lại dập tắt nghi ngờ của những người tuyển chọn bằng giọng hát của mình.

Gowtham và Sarath, hai thành viên ban nhạc sử dụng các nhạc cụ là bộ gõ, từng được xem các nghệ sĩ biểu diễn bộ gõ ở tang lễ từ khi còn nhỏ. Cả hai đã chơi nhạc cụ ở các đám tang để kiếm tiền khi chưa tới 10 tuổi. Là thành viên của ban nhạc Casteless Collective, tham gia đóng phim nhưng họ vẫn tiếp tục biểu diễn tại các đám tang. Sarath nói: “Chính các loại nhạc cụ này đã giúp chúng tôi được biết đến như hôm nay. Với những người trẻ, họ quan niệm đơn giản, tất cả đều là âm nhạc, bất kể âm nhạc ở đám tang hay ở chương trình biểu diễn của Casteless Collective cho 10 ngàn khán giả”.

Casteless Collective là  ban nhạc Tamil-Indie có trụ sở tại Chennai (Ấn Độ), với 19 thành viên được tuyển chọn từ khoảng 150 người đăng ký. Các sáng tác của nhóm là sự pha trộn của Gaana, hip-hop, rock, rap và các nhạc cụ dân gian.

Khán giả của ban nhạc cũng bao gồm những người được hưởng những đặc quyền từ đẳng cấp, nhưng muốn hướng đến một xã hội bình đẳng. “Công chúng của Chennai, một thành phố nổi tiếng với chương trình hòa nhạc cổ điển vào tháng 12 hàng năm, dễ dàng đón nhận Casteless Collective. Tuy nhiên, giới nhạc sĩ vẫn miễn cưỡng chấp nhận gaana như một loại hình nghệ thuật” - Ranjith nói.

TM Krishna, một nhạc sĩ Carnatic nổi tiếng, người thường bày tỏ quan điểm về sự bất bình đẳng bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng sự thẳng thắn khi đề cập đến sự phân biệt đẳng cấp, giới tính và tôn giáo khiến những người Bà la môn có tư tưởng cổ điển không thoải mái”.

Isaivani cho rằng sự ủng hộ, động viên công khai từ những người thuộc tầng lớp thượng lưu là tác động tích cực đến âm nhạc của họ: “Một người không thể giải quyết các vấn đề với tư cách cá nhân, nhưng thông qua Casteless Collective, chúng tôi hy vọng có thể sẽ mang lại những thay đổi”.

MV Magizhchi:

 

Khánh Vân (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI