Cô gái giỏi võ - cascadeur (diễn viên đóng thế cảnh nguy hiểm) Trần Thị Thanh Hoa - người được xem là “chị cả” trong giới cascadeur nữ TP.HCM, với thâm niên hơn 10 năm trong nghề, chia sẻ nhiều điều thú vị liên quan đến công việc đầy mạo hiểm của chị.
|
"Thoát khỏi công việc tôi cũng nữ tính như bao người phụ nữ khác" |
Phóng viên: Xuất thân là một vận động viên karatedo, cơ duyên nào đưa chị đến với nghề cascadeur?
Cascadeur Trần Thị Thanh Hoa: Từ nhỏ, có lẽ ai cũng nuôi một giấc mơ, sở thích lớn lên sẽ trở thành người này người kia, như bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… Tôi muốn mình là giáo viên dạy võ.
Vì thế, tôi đến với võ thuật rất sớm. Năm 2004, khi đang là huấn luyện viên karatedo tại Nhà văn hóa Q.4, tình cờ tôi được người bạn thân dẫn đi xem một nhóm cascadeur tập luyện.
Chứng kiến cảnh luyện tập ấy, một cảm xúc, ước muốn trỗi dậy trong tôi là được trở thành cascadeur, giống như họ: có thể biểu diễn các thế võ ngay trên không trung hay thực hiện pha bay người, nhảy lầu, rơi tự do…
Về nhà, tôi mày mò tìm hiểu công việc cascadeur và bị cuốn hút mạnh mẽ. Tôi đầu quân về câu lạc bộ Cascadeur Quốc Thịnh. Sau thời gian tập luyện vất vả, tôi được mời đóng nhiều phim truyền hình, video clip và chính thức theo nghiệp cascadeur.
* Chị có gặp nhiều cản trở khi đến với nghề đầy mạo hiểm này?
- Rất nhiều. Đó là ngăn cấm của gia đình, người thân bởi bất cứ ai cũng đều nhìn thấy đây là công việc quá nguy hiểm đối với một cô gái. Nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ.
Ở “thế” đối kháng, tôi dần thuyết phục họ theo “phe” ủng hộ mình bằng cách quyết liệt bày tỏ quan điểm: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, vậy nên hãy cho tôi được làm điều yêu thích và sẵn sàng tự chịu trách nhiệm mọi lựa chọn của mình!”.
Còn đối với nghề, khó khăn ban đầu và cũng là cản trở, hạn chế của tôi, chính là sợ độ cao. Chỉ cần đứng trên cao nhìn xuống là đầu óc tôi váng vất, kinh hãi; huống hồ phải nhào lộn, bay người.
Tuy nhiên, nếu vì một khuyết điểm của bản thân mà từ bỏ cả công việc, sở thích, giấc mơ thì… không phải tôi nữa rồi! Ngược lại, tôi lấy khuyết điểm làm động lực để vươn lên, cố gắng khắc phục, hoàn thiện, tự chinh phục chính mình.
Tôi ra sức tập luyện. Từ tập đứng, rơi, bay ở độ cao 5m; tôi nâng lên 10- 15m và dần rũ bỏ được cảm giác sợ hãi. Với tôi, không gì áp lực, khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc, thăng hoa, cảm giác chiến thắng, thành công bằng việc vượt qua được những trở ngại tự thân.
* Nguy hiểm, “bầm giập” trong nghề hẳn là điều khó tránh, nhất là với một cô gái chân yếu tay mềm?
- Đúng vậy. Cascadeur là công việc nguy hiểm. Vì nếu dễ dàng, chẳng ai cần mình thế vai. Hiểu được điều này để thấy rằng nếu xảy ra sơ suất hay phải đối mặt với tình huống có tính sát thương cao nằm ngoài sự tính toán, đối với cascadeur là chuyện bình thường, hiển nhiên phải chấp nhận.
Tôi chưa thấy một cascadeur nào không “bầm giập”; nhẹ nhất cũng ở mức trật khớp, trầy xước, bong gân… Bạn thử tưởng tượng, một pha nhảy lầu, chết… cháy, cầm dao mác đánh nhau trên không thì làm sao giữ được sự an toàn tuyệt đối cho cơ thể của mình.
Tôi theo nghề đã lâu, không nhớ hết những lần đối mặt với hiểm nguy. Vừa rồi tham gia một bộ phim, kịch bản yêu cầu diễn viên vào phân cảnh đang chạy xe qua cầu Phú Mỹ Hưng, Q.7 thì bị nhóm giang hồ áp sát chặt tay khiến diễn viên hoảng loạn, đổ ngã xe.
Tôi nhận thế vai cho diễn viên trong phân cảnh này. Do cú chặt tay khá mạnh, tôi mất thăng bằng nên không thể “chủ động” đổ ngã xe mà hoàn toàn té nhào theo phản xạ. Kết quả toàn thân tôi ê ẩm, đau buốt, nhiều thương tích.
* Hầu hết chị em đều chọn công việc nhẹ nhàng, yên thân, phù hợp đặc tính giới của mình. Vậy, theo chị, cascadeur có là “cuộc chơi” dành cho nữ?
- Trong giới cascadeur, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 30% và không phải ai cũng tận tâm, theo đuổi nghề đến cùng. Nhận thấy cảnh quay khó thực hiện hay ẩn chứa nhiều rủi ro, chị em thường từ chối hoặc sau một thời gian bám nghề, buộc phải rẽ ngang, tìm công việc khác.
Bên cạnh đó, có những cảnh quay mà cascadeur nữ không thể đảm trách vì đòi hỏi sự mạo hiểm, thậm chí phải đánh cược sinh mạng (thay vào đó, phải nhờ cascadeur nam cải trang).
Song, để có những thước phim đẹp, chân thật, đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả, nhiều bộ phim không thể thiếu vai trò cascadeur nữ.