Carbon đen, siêu chất ô nhiễm làm tan chảy các sông băng ở châu Á

30/03/2025 - 08:23

PNO - Các nhà khoa học cho biết carbon đen, một "chất siêu ô nhiễm" có sức mạnh thúc đẩy quá trình ấm lên của trái đất, vượt xa carbon dioxide, là "quả bom hẹn giờ" đối với hệ thống nước của hành tinh, và châu Á đang ở tâm điểm của cơn bão.

Một dãy núi ở Nepal - Ảnh:
Một dãy núi ở Nepal - Ảnh: ICIMOD

Carbon đen là thành phần chính của PM2.5, các hạt cực nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây hại cho sức khỏe con người. Khi lắng xuống bề mặt tuyết và băng giá, nó sẽ đẩy nhanh quá trình hấp thụ nhiệt và kích hoạt băng tan.

Khushboo Sharma, nhà phân tích ô nhiễm không khí tại Trung tâm Quốc tế về Phát triển miền núi tích hợp (ICIMOD), phát biểu với This Week in Asia: "Khi các sông băng tan chảy với tốc độ nhanh hơn, nguy cơ lũ lụt, thiếu nước và các hậu quả môi trường khác cũng tăng lên".

Báo cáo mới do các nhà khoa học thuộc tổ chức từ thiện Clean Air Fund công bố cũng chỉ ra, ở Trung Quốc và Ấn Độ, khu dân cư là nguồn phát thải carbon đen chính. Việc sử dụng rộng rãi các nhiên liệu truyền thống để nấu ăn và sưởi ấm đã gây ra lượng khí phát thải cao. Trong khi đó, cháy rừng là nguồn phát khí thải lớn nhất ở Nga, còn ở Mỹ, giao thông là nguyên nhân gây ô nhiễm hàng đầu.

Không như carbon dioxide tồn tại trong khí quyển nhiều thế kỷ, carbon đen có tuổi thọ ngắn chỉ vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, tác động tức thời của nó rất tàn khốc. Ngoài việc làm tan chảy sông băng, nó còn làm gián đoạn mưa gió mùa, gây ra nhiệt độ cực cao và khiến lũ lụt trở nên tồi tệ hơn.

Không nơi nào cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng hơn ở khu vực Hindu Kush Himalaya, nơi có khoảng 240 triệu người phụ thuộc vào sông băng để lấy nước, thực phẩm và năng lượng. Trải dài trên 8 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, các sông băng cung cấp nước cho 10 hệ thống sông lớn nhất châu Á, từ sông Hằng đến sông Mê Kông. Tuy nhiên băng đang tan chảy và biến mất với tốc độ chưa từng có.

Các nhà khoa học cảnh báo, khu vực Hindu Kush Himalaya có thể mất một nửa lượng băng vào năm 2100, với 70-80% các sông băng biến mất nếu nhiệt độ toàn cầu vượt quá 2 độ C.

Dự báo, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m vào năm 2070, nếu lượng khí thải vẫn không được kiểm soát, gây nguy hiểm cho các thành phố lớn như Mumbai (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải và Hồng Kông (Trung Quốc).

Minh Hương (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI