Cấp vốn cho… “con nợ khó đòi”

23/04/2014 - 20:11

PNO - PN - Khi nhìn danh sách hơn 120 hộ vay vốn của chi hội ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, một cán bộ Hội dày dạn kinh nghiệm giật mình: “Vốn đưa tới cho những "con nợ khó đòi”, làm sao thu hồi nổi?”. Chị Nguyễn Thị Hoài...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ấp Đông Lân là địa bàn giáp ranh của huyện Hóc Môn và Q.12, nơi có bến xe An Sương, tập trung rất nhiều phòng trọ. Nhiều cán bộ đoàn thể đã từng e dè, ngần ngại khi được giao nhiệm vụ công tác ở đây.

Khi được Hội LHPN xã tín nhiệm chỉ định làm Chi hội trưởng ấp Đông Lân, chị Hoài Phương đã tìm đến nhiều cựu cán bộ Hội để học hỏi kinh nghiệm. Và thật bất ngờ, chỉ sau 5 năm, Đông Lân đã có nhiều thay đổi. Chi hội ấp Đông Lân là chi hội xuất sắc nhất xã ba năm liền. Từ vài chục hội viên, nay đã tăng lên 771 (tính đến tháng 3/2014). Đặc biệt, nguồn vốn của Hội từ vài trăm triệu, nay đã tăng đến hai tỷ đồng, giúp hàng trăm hộ gia đình vượt khó.

Hơn 5 năm gắn bó cùng công tác Hội, chị Phương hiểu từng hoàn cảnh khó khăn của người dân nơi đây. Chị tâm sự: “Hiện chi hội ấp quản lý hơn hai tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn vay. Con số nghe tưởng nhiều, nhưng với 771 hội viên của ấp, thì việc phát vay cho ai là điều không dễ. Không thể mang vốn chia đều cho tất cả hội viên cùng được vay. Vì vậy, tôi buộc lòng phải sàng lọc người vay vốn. Người vay phải có kế hoạch thoát nghèo cụ thể, như đầu tư buôn bán, chăn nuôi và tiêu chí quan trọng là chăm lo cho con ăn học". Với 5 năm xoay vòng vốn, thực tế đã chứng minh cách làm của chị Phương là hợp lý, hàng trăm gia đình hội viên khó khăn đã được Hội trợ sức, thoát nghèo.

Cap von cho… “con no kho doi”

Chị Phương bên mái ấm nhỏ của mình

Chị Lê Thị Kim Ngân, làm lao công một xí nghiệp may ở huyện Hóc Môn đã ba lần vay vốn vui vẻ kể: “Chồng tôi chạy xe ôm, tôi làm ăn lương công nhật, nuôi hai con nhỏ, cuộc sống khó khăn. Thật may, chúng tôi gặp chị Phương, chị hướng dẫn cách vay vốn mua máy để may gia công. Hiện cuộc sống của gia đình tôi tạm ổn. Tôi đã trả được khoản nợ hơn chục triệu. Hai con tôi giờ lên cấp II, biết phụ giúp mẹ nhiều việc”. Chị Phương cũng vui lây khi những “con nợ” của chị đều hoàn được vốn vay chứ không phải thuộc dạng “khó đòi”. Có lúc chị đã phải ứng tiền trả giúp cho nhiều hội viên vì họ chưa có tiền kịp nhưng sau đó chị đều được nhận lại.

Kỷ niệm của chị Phương với công tác Hội thật nhiều, nhưng chị nhớ nhất là lần nhận lời cùng với công an khu vực cảm hóa chị N.T.T., người từng cùng con gái bán ma túy. Chị kể: “Lần đó, chồng tôi phản đối kịch liệt. Anh nói: “Loại người đó mình phải tránh xa…”. Anh giận tôi mấy ngày làm tôi suy nghĩ nhiều lắm. Quả là chị T. trước đây từng cờ bạc, bán ma túy, nhưng từ lúc về ấp Đông Lân tạm trú, chị chỉ chuyên tâm với nghề bán cá kiểng, không dính đến tệ nạn nữa. Khi tôi tiếp cận với chị T., chị nhờ tôi giúp giới thiệu cho con được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được tới trường học. Tôi nhìn thấy ở chị sự cương quyết sẽ tránh xa con đường cũ. Làm sao tôi nỡ quay lưng?”.

Sau nhiều tìm hiểu, cân nhắc, chị Phương quyết định giao vốn cho chị T. phát triển xe cá kiểng thành một vựa cá nhỏ, vừa ươm giống, vừa bày bán tại nhà. Bốn năm trôi qua, chị T. sống chăm chỉ với nghề, chan hòa với lối xóm, như một kỳ tích mà chính chị T. cũng không ngờ tới.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Bà Điểm nói: “Chị Phương là cán bộ Hội năng động, tâm huyết và hiểu sâu sát đời sống của từng hội viên, phụ nữ trên địa bàn”.

 HẠNH CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI