Cặp vợ chồng triệu phú Mỹ và "món nợ" ân tình với Việt Nam

26/06/2022 - 06:15

PNO - Khi đến thăm thành phố San Francisco, một người bạn đã kể cho tôi chuyện về một nhà hảo tâm người Mỹ đã đóng góp cho nhiều dự án phát triển ở Việt Nam từ những năm 1995, hiện đang sống tại San Francisco. Anh bảo: “Em nên nói chuyện với ông ấy. Ông biết nhiều về Việt Nam lắm”.

 

Ông bà George Miller và Janet Mckinley
Ông bà George Miller và Janet Mckinley

Duyên nợ đồng hành 

Ngày 18/11/2000, trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Bill Clinton, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã hân hạnh đón tiếp đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và con gái Chelsea tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên nơi đây được chọn là một điểm ghé thăm trong chuyến đi của bà Hillary. Yên Tàng là ví dụ điển hình về một Việt Nam chuyển mình thành công sau thời kỳ đổi mới. Địa phương này khi đó là một trong 12 cộng đồng khó khăn được Oxfam America - một tổ chức toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo - bảo trợ chương trình cho vay tài chính vi mô(*). Đôi vợ chồng George Miller và Janet Mckinley đã cùng Oxfam America kiến thiết Quỹ tình thương TYM.

Janet Mckinley (áo hoa, ngoài cùng từ trái qua) và con gái Sam Hicks (x) cùng ban lãnh đạo  Oxfam America đến thăm một dự án do Oxfam tài trợ
Janet Mckinley (bìa trái) và con gái Sam Hicks (thứ 3, từ phải sang) cùng ban lãnh đạo Oxfam America đến thăm một dự án do Oxfam tài trợ

Ở tuổi 84, George Miller hào hứng kể lại, ông và vợ đến Việt Nam lần đầu vào năm 1995 để du lịch. Thời điểm ấy, bà Janet Miller đang thực hiện nhiều dự án tài chính vi mô ở Mỹ. Cả hai đều là những nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Biết hai người có mặt tại Việt Nam, Oxfam America đã mời ông bà đại diện tham dự một buổi họp đặc biệt. 

Đôi vợ chồng người Mỹ cùng người phiên dịch đến một địa phương nghèo cách Hà Nội hai giờ đường bộ. Trong ký ức của họ là những con đường đất bụi bay mù mịt. “Chúng tôi là những người Mỹ đầu tiên đến thăm nơi này” - ông George Miller nhớ lại.

Tại một gian phòng ở giữa làng, hơn mười phụ nữ nông dân giản dị đang chờ ông bà. Họ lần lượt giải thích cho vợ chồng ông những việc sẽ làm nếu được vay từ 300.000 đồng - 20 triệu đồng. Nhiều chị đưa kế hoạch mua một đàn lợn con. Có người nói sẽ mua một con trâu để đàn ông trong xóm thuê cày ruộng; có người muốn nuôi vịt, nuôi cá, trồng nấm… Tất cả đều mong có được một khoản vay nhỏ để cải thiện kinh tế gia đình.

Bị thuyết phục trước sự cởi mở chân thành và tinh thần khởi nghiệp của những nữ nông dân lam lũ ấy, chỉ hai ngày sau khi đến Việt Nam, ông bà George Miller và Janet Mckinley quyết định đóng góp 1 triệu USD không hoàn lại cho Oxfam America. Bên cạnh đó, với sự bảo trợ của Hội LHPN Việt Nam, tổ chức tài chính vi mô TYM (khi đó là Quỹ tình thương của Hội LHPN Việt Nam) chính thức có thêm hai nhà tài trợ hào phóng. 

TYM do Hội LHPN Việt Nam thành lập năm 1992 nhằm góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Hiện nay, TYM là một trong những tổ chức tài chính vi mô lớn nhất tại Việt Nam với hơn 538 cán bộ làm việc tại trụ sở chính và 21 chi nhánh trên 13 tỉnh, thành của khu vực Bắc và Bắc Trung bộ. Trong đó, hơn 281 cán bộ kỹ thuật (cán bộ tín dụng) trực tiếp làm việc với thành viên/khách hàng hằng ngày tại 4.239 cụm.

Sau khi được ông bà George Miller và Oxfam America viện trợ về tài chính cùng các vấn đề chuyên môn, mô hình TYM không ngừng phát triển. Đến năm 2018, cả tiền gốc lẫn lãi mà George và Janet tài trợ cho TYM đã lên đến 82 triệu USD và vẫn tiếp tục tăng đều hằng năm.

Với số tiền đóng góp không hoàn lại này, đến năm 2021, thông qua TYM, hơn 160.000 lượt phụ nữ nông thôn Việt Nam đã được vay tiền để cải thiện kinh tế gia đình. Không những giúp đỡ qua các dịch vụ tài chính, TYM còn tổ chức những khóa học quản lý để đào tạo kiến thức quản trị.

TYM trở thành chương trình hỗ trợ dịch vụ tài chính vi mô cho phụ nữ lớn nhất cả nước, hiện có hơn 40.000 hội viên khắp 105 địa phương. 

Cả gia đình gắn bó với Việt Nam

Không chỉ tài trợ kinh phí, đôi vợ chồng Mỹ còn thường xuyên trở lại Việt Nam để xem cuộc sống người dân được cải thiện ra sao sau khi được vay vốn. Mỗi lần như vậy, Janet và George luôn hòa mình với cuộc sống của những người nông dân chân chất. Họ đi từ miếng ruộng này đến miếng ruộng khác, thăm từng ngôi nhà trong thôn xóm. 

Trong 25 năm qua, George và Janet đã hơn mười lần quay lại Việt Nam. Mỗi khi có dịp thăm lại những phụ nữ nông thôn được TYM cho vay vốn trong buổi gặp gỡ đầu tiên, nhiều kỷ niệm được ôn lại. Janet kể: “Họ cẩn thận gói gọn gàng khoản tiền nhỏ được TYM cho vay, nhét vào mang tai. Khuôn mặt nhiều người khi đó tỏ ra hoang mang và lo lắng. Thế rồi chỉ sau vài năm mượn, trả, xoay vòng vốn, họ tự tin chỉ cho chúng tôi chuồng lợn mới xây, ngôi nhà khang trang ba phòng, những đứa con được đi học đại học ở Hà Nội nhờ mẹ chúng. Họ đã làm việc rất chăm chỉ với quyết tâm cao”. 

George nói: “Chắc chắn chúng tôi rất yêu đất nước các bạn, nếu không thì chúng tôi đã không bảo trợ nhiều dự án giúp người dân Việt Nam như vậy”. Đọng lại trong ông bà nhiều nhất vẫn là sự lạc quan, vui vẻ của mọi người. Janet kể, những phụ nữ nông thôn bà gặp thường mặc bộ đồ đẹp nhất của họ và luôn tươi cười, chào đón bà với những cái ôm nồng ấm như thể bà là người chị em thân tình. 

Ông bà George Miller và Janet Mckinley (x) chụp ảnh lưu niệm cùng phụ nữ thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội vào năm 1995
Ông bà George Miller và Janet Mckinley (người thứ 1 và thứ 2 đứng ở hàng đầu, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng phụ nữ thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội vào năm 1995

Kỷ niệm lớn nhất với ông bà là những bữa ăn đầm ấm tại nhà các hộ trong thôn trong những chuyến đi đầu tiên. Những phụ nữ nghèo ấy, dù vẫn chật vật với việc mưu sinh vẫn tha thiết mời ông bà đến nhà, thết đãi những thức ăn ngon nhất.

George nói: “Mỗi nhà đều có một bàn thờ. Dưới ảnh thờ cụ Hồ thường là ảnh của một người thân trong gia đình đã ra đi vì cuộc chiến. Họ đón tiếp chúng tôi rất nồng ấm”. Vậy nhưng khi nhìn thấy di ảnh của người đã khuất vì cuộc chiến, ông lại chùng lòng: “Cảm giác đó rất khó khăn với chúng tôi”.

Khi còn chưa hết ngạc nhiên vì những kết quả tích cực mà ông bà mang đến cho người dân Việt Nam, tôi được biết thêm cô con gái Sam Hicks Miller của ông bà sau khi đến Việt Nam du lịch lần đầu, cũng đã “phải lòng” cảnh sắc và người dân nơi đây. Cô quyết định tiếp tục con đường thiện nguyện của mình độc lập với cha mẹ nhưng không hề kém về hiệu quả xã hội.

Nếu George và Janet chọn quyên góp trực tiếp cho các tổ chức phi chính phủ Mỹ ở Việt Nam thì Sam tập trung vào việc giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân địa phương tạo ra những mô hình thiện nguyện có lợi nhuận: doanh nghiệp xã hội. 

George Miller rời vị trí Giám đốc nghiên cứu vốn ngân hàng American Express và chủ tịch Quỹ thu nhập Hoa Kỳ vào năm 1996, về hưu và tập trung vào các hoạt động thiện nguyện như giám đốc/cố vấn của các tổ chức ở Mỹ (Amnesty, Oxfam America, Quỹ bảo vệ môi trường, Market Street Railways, Hội Cải cách pháp luật Hoa Kỳ…).

Janet Mckinley có hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư quốc tế. Khi còn ở Capital Group, bà từng là giám đốc quản lý ba trong mười quỹ tương hỗ có số vốn lớn nhất nước Mỹ đồng thời là nhân viên điều hành chính của Quỹ thu nhập Hoa Kỳ. Hoạt động xã hội trong suốt 30 năm qua, bà cũng từng là thành viên hội đồng của Đại học U.C Berkeley và Chủ tịch Oxfam America.

Sam Miller Hicks tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế ở Đại học Pennsylvania và thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học kinh doanh Cộng hòa Czech. Cô đã từng làm việc cho Citibank ở Prague, London, Anh và ngành công nghiệp thiết bị y tế ở Bắc Mỹ và châu Á. Hiện cô là nhân sự cao cấp thuộc Quỹ đầu tư Advance Global Capital có trụ sở tại London.

(*) Tài chính vi mô là việc cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ (gọi là tín dụng vi mô) nhằm giúp họ tham gia các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. 

Nông Bạch Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI