Cặp vợ chồng già hy sinh vườn nhãn để nuôi... chim trời

13/11/2020 - 05:57

PNO - Vườn nhãn 3.000 mét vuông xum xuê trái đang cho thu nhập ổn định thì ông Hai bỗng cho ngưng thu hoạch vì có một đàn chim về ở. Người ngoài nhìn mà tiếc hùi hụi...

Hai con diệc Phèn, cò Muối bị bắn gãy chân từ lúc chưa đủ lông cánh, giờ đã no cữ chiều với mớ cá trắng ông Hai xúc dưới mương. Vội rời nhà sau chén cơm bà Hai nấu với mớ rau tập tàng, ông lội phom phom ra khu vườn hoang rộng hàng chục ngàn mét vuông, nơi có hàng vạn con chim cò, diệc, cồng cộc, bìm bịp… trú ngụ. 

Những chú chim được ông bà đặt tên và chăm sóc như con
Những chú chim được ông bà đặt tên và chăm sóc như con

Khu vườn lạ bên bờ Vĩnh Xuân 

Bà con nông dân ở vùng Tân Mỹ (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) không còn lạ gì khu vườn hoang của gia đình ông Hai Chìa (Lê Văn Chìa, 75 tuổi) nằm sát nhánh sông Vĩnh Xuân rộng gần 20.000m2, với đủ loại chim, cò, vạc, diệc… Với họ, cái lạ có chăng chính là “cái gàn cái quái” của gia đình rặt nông dân này.   

Ai đời, vườn nhãn ba ngàn mét vuông xum xuê trái đang cho thu nhập ổn định thì ông Hai bỗng cho ngưng thu hoạch vì tự dưng có một đàn chim về ở. Người ngoài nhìn mà tiếc hùi hụi, vì vườn cây tươi tốt mọc lên từ chính vùng đất đẫm phù sa. Thời buổi tấc đất tấc vàng…

Ông Hai cười khoái chí. Vừa xới đất vun thêm cho vài gốc dâu, gốc đủng đỉnh mới trồng, ông Hai ngó lên đọt nhãn cao tuốt luốt, từng bầy từng bầy cò trắng, cò lửa… lên đến mấy chục con đua nhau kêu ỏm tỏi. 

Từng đàn chim trời  kéo về vườn nhà ông Hai Chìa nhiều đến hàng vạn...
Từng đàn chim trời kéo về vườn nhà ông Hai Chìa nhiều đến hàng vạn...

Cũng đã mấy ngày rồi bà Hai giận chồng, bỏ ra ngủ riêng. Cái tiếng kêu oạc oạc lỏng bỏng của con Muối, con Phèn… - tên được đặt cho vài chú chim non bị thương mà ông Hai mang vô nhà chăm sóc, bà cũng đâm ghét. 

Đó chính là câu chuyện của hơn mười năm về trước, khi khu vườn còn nhỏ hẹp. Bây giờ, khu vườn hoang của đàn chim trời lên đến hàng vạn con đã rộng gần hai héc-ta ở vùng quê trù phú. Dọn rửa xong mớ chén, bà Hai ngóng về phía cuối vườn, nơi có ông Hai đang lụi cụi chăm sóc một chú chim non mới rơi xuống đất, sửa lại từng chiếc ổ bện cỏ khô còn xộc xệch trên cành… Lắm lúc, tô mì sáng bà Hai chuẩn bị sẵn, ông chưa kịp ăn đã vội lao đi khi đàn chim táo tác cuối vườn. Và bây giờ, chuyện bận tâm lớn nhất của vợ chồng ông cũng chính là chuyện sống còn của đàn chim.

Khi người lạ kéo đến... 

Những cảnh báo sẽ xuất hiện ngay trong góc bếp từ tiếng khua đập của những chiếc lon kết nối với chùm dây nhợ mà ông Hai căng mắc khắp vườn,  đề phòng người lạ mặt. Nếu không để ý, người mới đến khu vườn hoang này sẽ dễ dàng vướng vào cọng dây gây ra cảnh báo. 

Từ những sợi lưới, cuộn dây to, ông Hai tỉ mẩn tháo rời rồi đem đi căng mắc dưới gốc cây, ven bụi lác, lưng chừng hàng rào chất đống bằng các nhánh cây khô. Mục đích để bà Hai biết hiệu quả việc ông làm. Cũng giống như việc ông bón phân chuồng, vun xới thêm cho gốc dâu mới trồng để đàn chim bay về đậu trên cành xanh lá.

Vằn, Muối, Phèn… - những con chim tơ sống sót sau cú bắn chí mạng rồi rớt xuống lùm cây rậm được ông Hai Chìa đem về chăm sóc. Ông không đếm hết số lưỡi ngạnh cong đứt dây mà tự tay ông gắp ra từ giữa đôi mỏ rịn máu của những con chim bị mắc câu. Những con cò, cồng cộc bị mắc bẫy chuột, thuốc mồi… liểng xiểng tìm lối thoát chao về, nổi xác trắng mương trong những ngày nước hạn, thì ông luôn tự dặn lòng “đừng nhớ”… 

Dẫn chúng tôi len lỏi dưới tàn cây, ông kêu chỗ này phải giơ chân cao để bước qua, chỗ kia phải cúi đầu thấp xuống, đường nào thì không được đi… Có chỗ còn thiếu dây cảnh báo, ông đan hai tàu lá đủng đỉnh vào nhau cũng chỉ để làm chậm bước chân của những người đến săn bắt.  

Nhớ lại, mới hôm nào, thấy hai thanh niên ôm cây súng hơi to đùng bên liếp cau cuối vườn, ông Hai không kịp suy nghĩ, chỉ biết lao tới chụp lấy con cò vừa bị bắn, máu loang lổ đôi cánh trắng dính chặt trong tay kẻ lạ.  

Theo ông, súng hơi là một trong những phương tiện thường được dùng nhất của cánh săn trộm. Giàn thun, bẫy rập, lưỡi câu mồi… cũng là cách chúng hay dùng. Những mảnh ruộng vừa cày giáp phía sau khu vườn này cũng là nơi những tay lưới dài hàng chục mét đặt sẵn, rình đàn chim đáp xuống tìm mồi mà sập xuống...

Thuở đàn chim mới về tìm tổ ấm, dân săn bắt chỉ là người ở quanh quẩn trong vùng quê này. Rồi đàn chim lên đến hàng ngàn, hàng vạn con, khu vườn hoang được gia đình ông mở rộng lên đến hơn hai héc-ta đất, kẻ trộm xứ lạ cũng mon men tới. Cứ những lúc như thế, mỏi chân, đuối sức, ông đạp xe lên xã “méc cán bộ” rồi lại về, tiếp tục với những giấc ngủ chập chờn dưới tàn cây...
Vằn, Muối, Phèn… - những con chim tơ sống sót sau cú bắn chí mạng rồi rớt xuống lùm cây rậm được ông đem về chăm sóc.

Ông không đếm hết số lưỡi ngạnh cong đứt dây mà tự tay ông gắp ra từ giữa đôi mỏ rịn máu của những con chim bị mắc câu. Những con cò, cồng cộc bị mắc bẫy chuột, thuốc mồi… liểng xiểng tìm lối thoát chao về, nổi xác trắng mương trong những ngày nước hạn, thì ông luôn tự dặn lòng “đừng nhớ”… 

Bà nói, hồi đó bà tưởng ông... khùng
Bà Hai có tài phân biệt tiếng kêu con cò với tiếng của con vạc, con tu hú với con bìm bịp...

Mỗi khi ra vườn trông chim, chiếc nạng thun với vài viên đạn đất là vật bất ly thân của ông. Ban ngày, khi có người lạ, ông chỉ dùng bắn lào xào đám sậy, để kẻ lạ biết “có chủ ra rồi”. Đêm đêm, ông trang bị thêm đèn pin, máng trên cánh võng dưới gốc quao đợi sáng. Ánh sáng từ chiếc đèn này cũng chính là “vũ khí hữu hiệu” để ông “đấu lý trước” với bao kẻ lạ mò đêm.

Hiện trong khu vườn hoang, ông Hai đang cố thủ với sáu chiếc chòi lá dựng rải rác quanh vườn, phòng những đêm giông gió. Xác lá lợp hai mùa, ông thay đổi điểm dựng chòi cũng đã đủ kín các liếp cây. Vẫn biết, dãy cành khô quây rào quanh vườn không cản nổi bước chân kẻ lạ. Mái chòi dựng tạm chỉ chở che ông với đàn chim tạm qua hai mùa mưa nắng...

Để bảo vệ khu vườn, hai ông bà bàn nhau tặn tiện tiền con cháu biếu, dựng được dãy hàng rào nẹp lưới sắt ven con đường mòn chạy dọc sông. Hàng rào sắt cao một mét rưỡi, bằng với mặt đường mòn kiêm đê bao mùa lũ năm kia. Từ trên đường mòn, chỉ cần nhấc nhẹ chân, để vượt qua rào sắt, đó là việc khá nhẹ nhàng với bao người quen, kẻ lạ…  

Hai mái đầu bạc và một gia đình chim 

Năm 2018, bà Lê Kim Thôi - vợ ông Hai Chìa - mắc phải căn bệnh thập tử nhất sinh. Điều trị hết tiền dành dụm, tiền ba người con gom góp, bệnh tình của bà dần thuyên giảm nên được bác sĩ cho về an dưỡng. Ngày ngày, khi ông Hai còn lụi cụi dưới vườn, bà Thôi, ở tuổi 73, chỉ biết ra ngồi trên chiếc ghế gỗ ở hiên nhà để ngắm chim, mà tìm vui.

Kể cũng lạ, từ đó, chỉ lắng nghe mà bà phân biệt được tiếng kêu con cò với tiếng của con vạc, con tu hú với con bìm bịp ra sao. Bà nhìn rõ được đàn chim nào về, bay từ hướng nào, giờ nào chúng bay đi… “Mỗi lần nghe đàn chim la toang tác là tôi lo. Vừa lo cho ổng vừa tội cho chim, không biết bị mần sao. Đàn chim trong vườn nhà mình cũng đã là gia đình rồi” - bà Thôi chia sẻ. Hơn một năm nay, cò nhạn hay cò ốc về nhiều, lại nghe nói chúng cực kỳ quý hiếm, nằm trong sách đỏ. Bà đã lo, lại càng lo. 

Đàn chim bình an là hạnh phúc của ông bà
Đàn chim bình an là hạnh phúc của ông bà

Lúc đàn chim mới về, ông mải chăm sóc chúng mà không có thời gian dành cho bà, bà giận, giăng mùng ngủ riêng. Khi ông bấm bụng bỏ hoang khu vườn nhãn từng nuôi sống cả gia đình để làm nơi cho chim trú ngụ, bà những tưởng “ông điên ông khùng” như lời bà con chòm xóm. Nhìn nhà người ta thu hoạch nhãn, rồi chạy xe chở bán nườm nượp ngang qua nhà mình, bà càng tin người ta nói đúng…  

Rồi dần dà, cũng do “chịu hết xiết” với tính ông “như trong bụng dạ”, bà Thôi đành chấp nhận, cùng ông chăm sóc bốn chú chim non bị rớt xuống đất sau một đêm giông bão. Thương bà, trưa về là ông xách thêm bó rau kèo nèo xanh um nơi cuối liếp để bà bớt mỏi chân. Không an tâm nơi vườn rậm, ông làm thêm căn gác cao nhìn ra khu vườn với ô cửa nhỏ, có khóa chắc chắn để bà đứng đó ngóng ông về. Lúc bà Thôi nằm viện ở Cần Thơ, dù có con cháu túc trực chăm nom, ông Hai cũng bao bận đi - về thăm chừng bà mới yên tâm được. 

Nuôi ba đứa con trai ăn học bằng đám nhãn với mảnh ruộng nhọc nhằn, ông bà giờ đã mãn nguyện vì có đứa làm công ty ở Vũng Tàu, đứa làm văn phòng ở Cần Thơ. “Tiền con gửi về không chỉ mua thuốc men, đi chợ hằng tháng, mà còn để phụ nuôi chim” - ông bà nói.
Bây giờ mỗi khi có dịp, những đứa con dắt đàn cháu về nhà ông bà sum họp. Chưa kịp rửa mặt cơm nước, chúng đã xúm xít kéo nhau ra vườn coi chim. Với ông bà Hai, đó là hạnh phúc. 
Mới rạng sáng hôm qua, ông Hai lọ mọ về sớm hơn mọi bữa. Mái tóc bạc phủ sương, lấm tấm phân chim. Nhìn ông Hai, bà Thôi cười nắc nẻ.

Nghe như, lẫn trong tiếng cười, còn có cả tiếng chim vang. 

Từ Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 14-11-2020 04:58:27

    Đối với người nông dân tấc đất là tấc vàng có thể sống chết với vài tấc đất đó ,vậy mà có người dám hi sinh chục ngàn mét vuông dành cho chim trú ngụ ,hết sức khâm phục quý trọng ông bà . Chính quyền địa phương nên có phương án giúp khu vườn chim tránh khỏi nạn săn bắt trộm ,đất lành chim đậu câu nói xưa không sai chút nào .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI