PNO - Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ học sinh bị đuối nước thương tâm. Thế nhưng, mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh, nhất là những học sinh ở ngoại thành vẫn gặp nhiều khó khăn.
“Theo đề án phổ cập bơi từ năm 2016, toàn bộ học sinh tiểu học được ưu tiên trong việc học bơi và mục tiêu là sau khi tốt nghiệp lớp Năm, các em đều biết bơi. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho học sinh có nhiều khó khăn. Thực tế, ngành giáo dục cũng không yêu cầu các em phải biết bơi mới được lên lớp Sáu”, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) H.Thanh Trì (TP.Hà Nội) - cho biết thực tế.
Lý giải về khó khăn trên, cô Lê Thị Thu Lý - Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Nộn (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) - cho hay: Hiện nay, trường dạy bơi cho học sinh trong điều kiện nhà trường chưa có bể bơi xây, cũng chưa có bể bơi bạt. “Thuận lợi của chúng tôi là có ba giáo viên giáo dục thể chất đều có chứng chỉ đào tạo bơi. Hằng năm, ba giáo viên tham gia đào tạo trung tâm huấn luyện học sinh trong dịp hè xung quanh địa bàn. Vì thế, trong trường, chúng tôi tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tập thể phòng, chống đuối nước để học sinh có kỹ năng chống đuối, cứu đuối và có những bài tuyên truyền về kỹ năng bơi trên giấy. Tức là dạy về lý thuyết, sau đó khuyến khích các em đến các trung tâm dạy bơi trên địa bàn để tập luyện”, cô Lý nói.
Ngoài ra, trường còn hỗ trợ bằng cách lập danh sách học sinh có nguyện vọng học bơi, gửi sang trung tâm dạy bơi. Sau đó, có thời khóa biểu thì trung tâm sẽ bố trí xe đưa đón học sinh từ trường đến nơi học bơi thực hành. Một khóa khoảng tối thiểu 15 buổi, mỗi tuần có hai buổi và diễn ra trong dịp hè. Tuy vậy, hai năm nay, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỷ lệ học sinh biết bơi của trường rất thấp do các em không được học thực hành tại bể bơi.
Về phía quản lý, bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD-ĐT H.Sóc Sơn (TP.Hà Nội) - cũng thừa nhận, việc dạy bơi tại huyện này mới chỉ dừng ở dạy lý thuyết vì chưa có hồ bơi tại trường để thực hành. Đây là khó khăn trong việc dạy thực hành bơi cho học sinh không chỉ tại H.Sóc Sơn mà còn ở nhiều trường ngoại thành. Bà Huế nói thêm: “Nếu có bể bơi thông minh thì các trường sẽ thuận tiện trong việc dạy bơi cho học sinh trong điều kiện chưa có bể xây. Bởi bể bơi thông minh có thể giải quyết vấn đề thực hành bơi. Vậy nên, thời gian tới, Phòng GD-ĐT H.Sóc Sơn sẽ đề xuất với UBND huyện lắp đặt bể bơi thông minh tại một số trường học”.
Tùy cơ ứng biến
Tại các quận nội thành TPHCM, tình hình phổ cập bơi cho học sinh có nhiều thuận lợi hơn nhờ tập trung nhiều hồ bơi. Dù các trường ở Q.Bình Thạnh không có hồ bơi, nhưng thầy Đặng Duy Phước - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu - cho biết: “Để phổ cập bơi cho học sinh, nhà trường kết hợp với câu lạc bộ bơi của quận, chiêu sinh và sau đó phụ huynh đưa con đến bơi. Ở đó có giáo viên dạy học sinh bơi cũng như quản lý các em. Việc dạy bơi này kéo dài suốt năm học chứ không chỉ tập trung trong dịp hè. Phụ huynh trả phí theo tinh thần tự nguyện và học sinh được học bơi từ lớp Một. Nhà trường khuyến khích học sinh tham gia nhưng có em tham gia và cũng có em không tham gia”.
Ở trung tâm của TPHCM, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) có trên 90% học sinh biết bơi nếu xét phổ cập từ lớp Ba. Cô Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, việc phổ cập bơi cho học sinh có nhiều thuận lợi. Cô Chi nói: “Địa điểm của trường đối diện với trung tâm bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm nên có sự phối hợp chặt chẽ. Ngoài phổ cập bơi lội theo chủ trương của UBND Q.1 hằng năm, nhà trường còn có câu lạc bộ hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh học bơi theo tinh thần tự nguyện. Phong trào bơi lội ở trường rất mạnh”. Cô Chi cho biết thêm, việc phổ cập bơi là chủ trương hơn mười năm nay của UBND Q.1. Tất cả học sinh lớp Ba trên địa bàn đều được sắp xếp lịch học trên cơ sở phối hợp trung tâm bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm và được miễn phí hoàn toàn. Mô hình này vẫn được duy trì đến nay và được đánh giá rất cao.
Ở nội thành TP.Hải Phòng cũng có nhiều hồ bơi nên thuận lợi cho học sinh học bơi. Thầy Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - cho hay, mấy năm nay, năm nào trường cũng tổ chức cho học sinh lớp 10, 11 học bơi vào dịp hè. Trường thuê bể bơi của Trường đại học Hàng Hải để học sinh học bơi. Một khóa bơi của học sinh có học phí là 460.000 đồng, kéo dài khoảng mười buổi. Hiện nay, tỷ lệ học sinh của trường biết bơi khoảng 80%.
Cũng theo thầy Ngọc, các trường phổ thông ở TP.Hải Phòng chưa có trường nào có điều kiện xây bể bơi nhưng một số trường khắc phục bằng cách dùng bể bơi bơm hơi (bể di động) để phổ cập bơi cho học sinh. Thầy Ngọc cho rằng muốn phổ cập bơi cho học sinh thì phải nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh cũng như quản lý của nhà trường khi phải thuê bể bên ngoài, vì phải đảm bảo an toàn cho các em trong quá trình học.
Học sinh học bơi tại bể bơi Trường Newton (TP.Hà Nội) - Ảnh: Đại Minh
Cần sự chủ động của phụ huynh
Nói về khó khăn trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Bộ GD-ĐT - cho biết: Bên cạnh đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, các em đang ở độ tuổi hiếu động dễ tự ý rủ nhau đi chơi, đi tắm ở những khu vực nguy hiểm rồi xảy ra tai nạn theo nhóm. Hiện nay sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ lên lớp còn chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Ngoài ra, việc tổ chức dạy bơi tại các trường học chưa được triển khai đại trà do thiếu điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả của bể bơi, tỷ lệ bể bơi có trong trường còn rất thấp. Kể cả hệ thống bể bơi ngoài cộng đồng cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu dạy, học bơi. Hệ thống ao, hồ, sông, suối… ô nhiễm, nên ở mỗi gia đình cha, mẹ không thể dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn cho con em mình trong môi trường nước tự nhiên này được.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, để phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, Bộ GD-ĐT luôn chú trọng, chỉ đạo thường xuyên việc tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước và coi đây là giải pháp chủ yếu về phòng, chống tai nạn đuối nước, kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất trong các nhóm kỹ năng sống cần trang bị cho học sinh.
Cụ thể, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Đề cho hay, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn về tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục ở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Hiện nay, bộ đang tiến hành rà soát, hoàn thiện quy định về tiêu chí trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã khảo sát tại một số địa phương, cơ sở giáo dục để nghiên cứu, xây dựng thông tư về xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông phù hợp với thực tế.
“Cùng với nỗ lực từ phía Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục thì từ phía gia đình cũng cần quan tâm, quản lý, giám sát sát sao các em, hướng dẫn các em không tự ý đi bơi, đi tắm, chơi ở gần khu vực có nguồn nước khi không có người lớn đi cùng. Chủ động cho con em mình tham gia các lớp học kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, lớp học bơi an toàn để có kiến thức, kỹ năng tự biết bảo vệ bản thân khi tham gia sinh hoạt trong đời sống hằng ngày”, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Đề nói.