Cấp thiết ngăn chặn nạn quấy rối tình dục trẻ em trên mạng

04/01/2023 - 07:38

PNO - Các tổ chức bảo vệ trẻ em từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ trẻ em lên mạng bị dụ dỗ để xâm hại tình dục ngoài đời.

 

Sterling Miller bỏ nhiều công sức để ghi lại bằng chứng yêu cầu những kẻ có ý đồ ấu dâm dừng ngay hành vi này
Sterling Miller bỏ nhiều công sức để ghi lại bằng chứng yêu cầu những kẻ có ý đồ ấu dâm dừng ngay hành vi này

Khi mạng xã hội phát triển và số trẻ em tham gia môi trường này ngày càng nhiều, tình trạng quấy rối tình dục, gạ gẫm, dụ dỗ trẻ em cũng xảy ra phổ biến. Các tổ chức bảo vệ trẻ em từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ trẻ em lên mạng bị dụ dỗ để xâm hại tình dục ngoài đời.

Ông Tây vạch mặt kẻ biến thái ở TPHCM

Sterling Miller - một youtuber đang sống ở TPHCM - phát hiện người đàn ông tên John (28 tuổi) thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội dưới danh nghĩa luyện thêm tiếng Anh, từ đó tiếp cận trẻ em và trao đổi về “chỗ kín”, tình dục. Để vạch mặt kẻ biến thái này, Sterling Miller đã đóng vai một cậu bé 15 tuổi tên là Benjamin, tham gia nhóm hẹn hò trên mạng.

Một buổi tối cuối năm 2022, John nhắn tin dụ dỗ, hối thúc cậu bé Benjamin đến bờ kè kênh Nhiêu Lộc ở đường Hoàng Sa, quận 3 để gặp mặt. Khi bị Sterling Miller chất vấn vì sao lại hẹn hò với một đứa trẻ 15 tuổi, John chối phắt. John cho biết, mình làm quen với cậu bé tên Benjamin chỉ để trò chuyện nhằm cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. 

Sterling Miller cho biết, khi tham gia nhóm hẹn hò trên mạng dưới danh nghĩa cậu bé Benjamin, John đã tiếp cận, nhiều lần nhắn tin gợi dục, trò chuyện về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Trước những bằng chứng mà Sterling Miller đưa ra, John đã thừa nhận ý đồ đen tối của mình và hứa sẽ không hẹn hò với trẻ em nữa. Vẫn chưa đồng ý, Sterling bắt anh ta hứa không được nhắn tin với trẻ em nữa. Nếu Sterling phát hiện John vẫn lên mạng hẹn hò trẻ em, anh sẽ tung bằng chứng lên YouTube để vạch trần.

Sterling cho hay, chỉ trong 1 tháng qua, ở TPHCM, anh đã vạch trần 5 kẻ quấy rối tình dục trẻ em trên không gian mạng và có ý đồ hẹn gặp trẻ em. 2 trong số đó là đàn ông nước ngoài, 1 người là thầy giáo dạy tiếng Anh 47 tuổi, 1 người là khách du lịch. Sterling đã đóng vai những đứa trẻ lang thang trên không gian mạng và nhanh chóng được các đối tượng trên tiếp cận, trò chuyện gợi dục rồi hẹn vào khách sạn hoặc nơi vắng vẻ. Những kẻ bị Sterling bóc mẽ thường rất run sợ khi bị anh vạch trần ý đồ xấu. 

Sterling Miller - một youtuber đang sống ở TPHCM - đóng vai một cậu bé 15 tuổi tên Benjamin, tham gia nhóm hẹn hò trên mạng để thu thập chứng cứ về những kẻ biến thái, chuyên dụ dỗ trẻ em
Sterling Miller - một youtuber đang sống ở TPHCM - đóng vai một cậu bé 15 tuổi tên Benjamin, tham gia nhóm hẹn hò trên mạng để thu thập chứng cứ về những kẻ biến thái, chuyên dụ dỗ trẻ em

Theo Sterling, có những kẻ nhắn tin quấy rối trên mạng còn dụ dỗ trẻ bằng tiền. Chúng cho tiền rồi yêu cầu trẻ quay phim, chụp hình bộ phận nhạy cảm rồi gửi cho chúng. Những kẻ này thường đóng vai một người anh, một người chú lớn tuổi lo lắng cho trẻ vị thành niên đang cô đơn trong tuổi dậy thì. Chúng có thể từng là nạn nhân, bị xâm hại tình dục từ nhỏ, nay lại muốn gây tổn hại người khác, lập lại vòng tròn của những kẻ 
ấu dâm.

Sterling cho biết, anh tham gia nhóm người chuyên “săn” những kẻ ấu dâm trên mạng để góp phần ngăn chặn nạn xâm hại trẻ em trên không gian mạng và cả ngoài đời thực, đồng thời giúp những kẻ có tư tưởng ấu dâm thức tỉnh, dừng lại. Trong những lần vạch mặt kẻ gian, anh luôn hỏi họ: “Nếu gia đình, bạn bè, đồng nghiệp biết anh đang làm việc này, họ sẽ nghĩ như thế nào?”. 

Giúp trẻ an toàn trên môi trường mạng 

Theo một báo cáo do UNICEF công bố năm 2022, nguy cơ trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục trên không gian mạng là rất lớn. Theo đó, 23% trẻ trong độ tuổi 12-17 sử dụng internet tham gia khảo sát cho biết, từng vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã ghi nhận, xử lý 1.711 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 1.806 nạn nhân; tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 399.500 cuộc gọi, 8.900 lượt thông báo qua ứng dụng, thực hiện 24.700 cuộc gọi tư vấn, 1.400 ca hỗ trợ can thiệp, trong đó có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

Trong một hội thảo vừa diễn ra ở TPHCM, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - cho hay, sự an toàn của trẻ em trên môi trường là vấn đề đang được xã hội quan tâm: “Trong kỷ nguyên số, môi trường mạng là nơi để người ta giao tiếp, trao đổi hằng ngày. Từ đây, vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ cũng đặt ra nhiều thách thức. Chúng ta hành động bảo vệ trẻ em ngoài đời thực ra sao thì cũng cần làm như vậy trên môi trường mạng”.

Bà Đinh Thị Như Hoa (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các nền tảng mạng xã hội đều giới hạn độ tuổi thấp nhất tham gia mạng là 13 nhưng trong thực tế, trẻ em mới 7-8 tuổi đã khai khống độ tuổi hoặc được cha mẹ lập tài khoản để tham gia mạng xã hội. Do vậy, trẻ có thể tiếp xúc với những thông tin không tốt hoặc bị bắt nạt, xâm hại tình dục trên mạng 
xã hội.

Theo bà, để trẻ được an toàn trên môi trường mạng, phụ huynh cần kiểm soát các thiết bị di động, điện tử của con mình. Phụ huynh có thể thiết lập một số nguyên tắc và yêu cầu trẻ tuân thủ khi sử dụng các thiết bị như máy tính xách tay, iPad, điện thoại thông minh. Phụ huynh cũng có thể cài đặt phần mềm, ứng dụng (app) chặn thông tin xấu, độc vào các thiết bị di động và hướng dẫn trẻ các kỹ năng cần có khi tham gia mạng xã hội.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - khẳng định, có tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng và việc ngăn chặn tình trạng này là trách nhiệm của các tổ chức và mọi cá nhân. Theo ông, việc cần làm nhất là đẩy mạnh công tác giáo dục. Nhà trường cần dạy cho trẻ cách nhận diện và phòng tránh xâm hại tình dục trên mạng, trang bị cho trẻ cách ứng xử văn hóa, văn minh trên mạng xã hội cũng như ngoài đời. 

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), xâm hại tình dục bao gồm các hành vi: đụng chạm vào vùng riêng tư trên cơ thể trẻ, dụ dỗ tham gia các hành vi tình dục, hiếp dâm, ép buộc xem bộ phận sinh dục hay tài liệu khiêu dâm, dùng lời nói tán tỉnh thô tục mang nội dung tình dục. 

Các tổng đài tiếp nhận tin báo liên quan trẻ em 

Khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình có thể trình báo qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, báo với cơ quan công an, UBND, Hội LHPN các cấp.

Ở TPHCM, có 5 tổng đài tiếp nhận các thông tin liên quan trẻ em, gồm Tổng đài 113 (lực lượng phản ứng nhanh của công an), Tổng đài 1900545559 thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM, Tổng đài 18009069 thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, Tổng đài 1022 thuộc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM và đường dây nóng 0913 159 315 của Báo Phụ nữ TPHCM.

Mỹ Huyền - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI