Cấp thiết bảo vệ di sản nghe nhìn ở Việt Nam - Bài 1: Thiếu một chiến lược tổng thể

16/05/2022 - 16:11

PNO - Chưa được quan tâm đúng mức, thiếu một chiến lược tổng thể, di sản nghe nhìn ở Việt Nam đang ngày càng “mai một”.

Ở nước ta, do chiến tranh cũng như điều kiện lịch, bộ sưu tập âm thanh và nghe nhìn quý giá đã thất thoát nhiều. Có những tư liệu giờ không thể tìm thấy nữa. Do vậy, cấp thiết bảo vệ di sản nghe nhìn cũng là bảo vệ một phần còn sót lại của lịch sử dân tộc.

Tổng hợp tư liệu là trách nhiệm

Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành cuốn Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau (Lê Y Linh). Trước đó, hai người con của ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi và tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh đã lập nên một website riêng về cố nhạc sĩ ở địa chỉ www.hoangvan.org nhằm lưu trữ các tác phẩm, tư liệu quý về cuộc đời của một trong những người sáng lập nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ở nước ta, rất ít nhạc sĩ có “một đời sống khác” sau khi qua đời dưới dạng di sản nghe nhìn như thế này. 

Một số cuốn sách thuộc dạng di sản tư liệu về nghe nhìn ở nước ta
Một số cuốn sách thuộc dạng di sản tư liệu về nghe nhìn ở nước ta

Để hoàn thành cuốn sách, hai người con của nhạc sĩ - đặc biệt là nhà nghiên cứu Lê Y Linh - đã phải lần giở từng kỷ vật mà cha họ để lại sau khi ông qua đời (2018), và bắt tay vào công tác lưu trữ. Sau ba năm, gia đình ông đã thống kê được một khối di sản khổng lồ với hơn 700 tác phẩm dưới nhiều hình thức: hàng trăm video về nhạc sĩ và về tác phẩm, 170 bản thu, hơn 500 bản nhạc viết tay, hơn 200 bản nhạc đã được in, hơn 200 bài báo và sách viết về ông… Hiện, khối tư liệu đang dần được đưa lên website nói trên, bảo tàng số của nhạc sĩ để bảo quản. 

“Càng tìm hiểu, nghiên cứu về các tác phẩm của ông cũng như các đồng nghiệp cùng thời, tôi càng thấy được vai trò lớn lao của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Và hiểu rằng việc tổng hợp những tư liệu đó là trách nhiệm”, bà Lê Y Linh nói. Bà kỳ vọng càng ngày sẽ càng có thêm những người nhận ra sự cần thiết của việc tập hợp dữ liệu, và tiến hành công việc này. 

Cuốn sách và bảo tàng số về cố nhạc sĩ Hoàng Vân gợi dẫn ra một khoảng trống rất lớn trong việc khai thác di sản nghe nhìn ở nước ta. Từ trước đến nay, đây là một vấn đề văn hóa quan trọng, hầu như chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ và cấp thiết.

Di sản nghe nhìn là dạng di sản gắn kết với quá khứ thông qua âm thanh và hình ảnh, không chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc hay điện ảnh, mà nó bao gồm tất cả các tệp phim, video, âm thanh và kỹ thuật số cùng những tư liệu liên quan đã ghi lại ký ức tập thể của một quốc gia; cũng là nguồn tài nguyên quý giá để các thế hệ tương lai hiểu được lịch sử. Trên thế giới, thậm chí, có một ngày gọi là ngày Thế giới về di sản nghe nhìn (World day for audiovisual heritage), nhằm nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của việc lưu trữ và bảo quản các nguồn tài liệu nghe nhìn (27/10 hằng năm). Hiện, di sản nghe nhìn được xem là một vấn đề lớn của các nước đang phát triển.

Cầu nhiều nhưng cung được bao nhiêu?

Nguồn tư liệu lưu trữ hạn chế, nên có không ít tác giả đương thời, hoặc công chúng muốn tiếp cận lại lịch sử gặp khá nhiều khó khăn. Nhà văn Trương Quý kể, trong quá trình tìm thông tin để hoàn thành các cuốn sách thuộc dạng di sản nghe nhìn như Một thời Hà Nội hát, Còn ai hát về Hà Nội, anh đã khá vất vả vì “việc lưu trữ tư liệu di sản âm thanh chưa được làm tốt ở Việt Nam”. Nguồn tư liệu chủ yếu đến từ người hâm mộ và gia đình nghệ sĩ, mà để tiếp cận nguồn tư liệu gia đình của họ, cũng không phải dễ dàng gì.

Trong lĩnh vực âm nhạc, kho băng tư liệu lớn nhất hiện nay có lẽ nằm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, song chủ yếu mới chỉ liên quan bộ phận âm nhạc cách mạng. Trên mạng cũng có những hội nhóm được cộng đồng lập ra đăng tải những thông tin tư liệu, nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề về bản quyền tác giả, bản ghi, “tam sao thất bản”, sai lời, thiếu chính xác…

Bài ca thống nhất là một bài hát đi cùng năm tháng nhưng thông tin về tác phẩm, tác giả trên các phương tiện truyền thông rất ít ỏi (ảnh gia đình nhạc sĩ cung cấp)
Bài ca thống nhất là một bài hát đi cùng năm tháng nhưng thông tin về tác phẩm, tác giả trên các phương tiện truyền thông rất ít ỏi (ảnh gia đình nhạc sĩ cung cấp)

Trong lĩnh vực điện ảnh, hiện trạng cũng chẳng khá hơn là bao. Việc tiếp cận những bộ phim giá trị nằm trong kho lưu trữ của các viện, trung tâm… thường phải chờ các dịp lễ, hoặc ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Vì thế, hồi tháng 7/2021, Viện Phim Việt Nam đã lập kênh YouTube nhằm giới thiệu, quảng bá những tác phẩm điện ảnh có giá trị, giúp người xem dễ dàng hơn trong việc tiếp cận kho phim đồ sộ, phục vụ nhu cầu giải trí, nghiên cứu… nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, tới nay, sau gần một năm, kênh vẫn chỉ dừng lại ở việc giới thiệu chín bộ phim như ban đầu. Dưới mỗi bộ phim được đăng tải, có rất nhiều chia sẻ từ khán giả, lượt xem cũng rất cao. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức lại những bộ phim giá trị trên một bản phim chất lượng vẫn còn rất lớn. Có điều, ta vẫn chưa đáp ứng được kịp thời và đầy đủ.

Khi xem những bộ phim này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận xét: “Đẹp hơn những bản phim khác trôi nổi trên internet, và đẹp hơn cả bản đài quốc gia chiếu mỗi dịp lễ”. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, Nguyễn Hoàng Điệp cũng đặt ra vấn đề số hóa điện ảnh: từ cuộn phim nhựa để khán giả xem được mà không cần đến máy chiếu phim nhựa, ta cần một giai đoạn chuyển đổi. Hiện, chính là chuyển đổi sang file kỹ thuật số, chất lượng cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào sự phát triển của công nghệ và thiết bị ta có. Nhưng đó chỉ là một phần của cái được gọi là số hóa thôi. Và ở Việt Nam hiện  mới làm duy nhất công đoạn kỹ thuật này.

“Số hóa di sản điện ảnh khá giống hậu kỳ một bộ phim. Còn phải hòa âm, màu sắc, định sáng, tẩy lỗi, phục dựng, phục chế lại các mất mát về hình ảnh, âm thanh... Việt Nam mới chỉ chuyển tín hiệu để có file số thôi. Chất lượng file cũng ở mức vừa. Phải phục chế xong xuôi thì mới mang ra phát hành (dù phát hành trên YouTube) - hiện, ta chưa làm đâu”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Trước hết phải định danh di sản

“Muốn gìn giữ, bảo vệ, phát triển, phải ghi nhận nó là tinh hoa của vănhóa Việt Nam trước đã”

(Nhạc sĩ Quốc Trung)

Nhạc sĩ Quốc Trung nói, để hiểu thêm về đời sống, quan điểm sáng tác cũng như triết lý trong sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ, rất cần những cuốn sách kiểu như Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau. Qua đó, các bạn trẻ có thể hiểu hơn, đánh giá đúng hơn khi nói về một giai đoạn nghệ thuật đã qua - mà nếu không tìm hiểu, chưa chắc họ đã hiểu và ghi nhận những giá trị tốt đẹp của nó để lại.

Lâu nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ta thường nghe những nhận xét có vẻ chung chung như “ông A, ông B là cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam”, “bài ca đi cùng năm tháng”, “tác phẩm có giá trị”, “bộ phim kinh điển”… cần được giữ gìn, phát huy. Theo nhạc sĩ, tới nay, ta mới chỉ đánh giá đó là những bài ca đi cùng năm tháng, những tác phẩm sống mãi với thời gian, nhưng chưa có một khẳng định nào về việc nó là di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy, tiếp nối.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để lớp trẻ hiểu được những giá trị nghệ thuật tốt đẹp, đặc biệt là nghệ thuật đỉnh cao của dân tộc, không chỉ là việc của gia đình nghệ sĩ hay một ngành nghề nào đó; mà còn là ý thức của nhiều người, nhiều ngành, đặc biệt những người làm quản lý văn hóa nghệ thuật. “Điều đó đòi hỏi phải có chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia một cách rõ ràng và sâu sắc về giáo dục, bảo tồn và phát triển di sản, chứ không phải dừng lại ở một vài bản phối mới hoặc vài ba chương trình kỷ niệm, nhắc nhớ mang tính thời vụ, xong rồi thôi”, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.

Hiện, công việc này mới chỉ “nhen nhóm” ở những người yêu văn hóa - nghệ thuật nhỏ lẻ, hoặc chính gia đình nghệ sĩ có điều kiện muốn lưu trữ lại như một dạng di sản gia đình. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể về vấn đề này. Thậm chí, việc đánh giá tác giả, tác phẩm nào thuộc hàng di sản cũng chưa làm được - trong khi ta có những nhà chuyên môn có trình độ lẫn uy tín để làm công việc đó. 

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI