Quảng Bình: Lai dắt tàu vào bờ
Chiều 29/8, tàu cá của ông Nguyễn Quang Thoại (thuộc xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) đã được tàu Hải quân vùng 3 lai dắt vào bờ an toàn. Trước đó vào sáng cùng ngày, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình nhận được thông tin tàu cá này đang thả trôi cách cửa Nhật Lệ khoảng 150km. Đến 15h chiều nay, còn khoảng 151 tàu cá của tỉnh còn nằm trong vùng nguy hiểm. Địa phương đang hướng dẫn để các chủ tàu neo đậu vào khu vực an toàn.
|
Các tàu được đưa vào neo đậu ở khu vực an toàn ở Quảng Bình. |
Tại huyện Bố Trạch, các lực lượng chức năng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, công tác vào sang 29/8. Theo đó, đã kêu gọi gần 500 tàu thuyền các loại đang hoạt động trên biển với gần 5.000 lao động vào nơi neo đậu, tránh trú bão bảo đảm an toàn. Bà con địa phương cũng đang khẩn trương thu hoạch 300 tấn lúa, 400 tấn rau màu…
Tại huyện Quảng Trạch, vào chiều 29/8, khoảng 300 tàu thuyền của ngư dân đã vào neo đậu an toàn tại cửa Ròon. Địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập…
Người dân huyện Tuyên Hoá đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa. Các hộ nuôi trồng thuỷ sản lên phương án che chắn, gia cố đảm bảo an toàn cho lồng bè.
Hà Tĩnh: Lốc đã xuất hiện, nhiều nhà tốc mái
Trưa 29/8, nhà của 41 hộ dân ở thôn Hoa Tiến, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh đã bị tốc mái do xuất hiện lốc mạnh. Địa phương đã có mặt hỗ trợ người dân khắc phục sự cố trước khi bão số 4 tiến vào đất liền.
|
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân gia cố lại khi nhà bị tốc mái. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã cho 3 đoàn kiểm tra hệ thống điện, đường dây trên khắp các địa bàn để đảm bảo an toàn khi bão tiến vào đất liền.
|
Công ty điện lực địa phương kiểm tra các đường dây điện. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Nhằm hạn chế thiệt hại do bão số 4, bà con nông dân nhiều địa phương như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc… cũng hối hả thu hoạch lúa “chạy bão”. Tổng sản lượng thu hoạch trong những ngày qua khoảng 300 tấn. Lúa được mua tại ruộng, sau khi thu hoạch và cân xong được chở đi nên bà con nông dân đỡ được các khâu xử lý sau thu hoạch.
|
Người dân Hà Tĩnh nhanh chóng thu hoạch lúa để "chạy bão" |
Tại TP.Hà Tĩnh và một số địa phương có nuôi trồng thuỷ, hản sản như Cẩm Dương, Cẩm Hòa ( huyện Cẩm Xuyên); Xuân Phổ, Xuân Hải, Cương Gián (huyện Nghi Xuân); Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh)... các hộ dân cũng tăng cường ứng biến để bảo vệ các hồ nuôi tôm, đặc biệt với những hồ mới thả con giống.
|
Các hộ nuôi trồng thuỷ, hải sản gia cố lồng bè vững chắc. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng có công điện khẩn gửi các địa phương vào chiều 29/8. Theo đó, các đơn vị hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 4, tục triển khai các biện pháp phòng, chống bão, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão. Lãnh đạo các địa phương cũng bắt đầu công tác kiểm tra về công tác tránh, trú, neo đậu tàu thuyền trong bão.
|
Lãnh đạo các địa phương đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền để tránh, trú trong bão. |
Trước đó, từ ngày 28/8, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai bổ sung kế hoạch, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, duy trì quân số sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xẩy ra; đồng thời phối hợp với địa phương, gia đình các chủ phương tiện thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tình hình, diễn biến và hướng đi của bão để kịp thời tránh, trú an toàn.
Nghệ An: Tàu thuyến hối hả neo, đậu
|
Chiều 29/8, tại cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, rất đông tàu cá đang hối hả chạy vào bờ trú bão. Để ứng phó với cơn bão Podul, tỉnh Nghệ An đã thực hiện lệnh cấm biển từ 5g ngày 29/8. |
|
Hàng trăm ngư dân ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng đã dừng ra khơi. Những chiếc thuyền thúng cùng ngư cụ đánh bắt đã được ngư dân đưa lên bờ, phủ kín bạt. |
|
26.000 người dân ở các huyện ven biển của tỉnh Nghệ An có nguy cơ bị nước dâng và sạt lở đất khi bão đổ bộ đã được lệnh sẵn sàng di dời. |
|
Dọc bãi biển Cửa Lò, không khí ứng phó bão số 4 của các ngư dân rất khẩn trương. Hàng trăm chủ cửa hàng đã tạm dừng hoạt động, tất bật tháo dỡ biển quảng cáo, gia cố nhà cửa bằng bao cát, dây thừng để hạn chế thiệt hại do bão. |
|
Một số chủ cửa hàng ven biển Cửa Lò còn cẩn thận bắn thêm ốc vào mái tôn để bão không thể thổi bay. |
|
Những ki ốt bằng tôn được người dân dùng tre nứa, dây thừng chằng chống cẩn thận. |
|
Nhiều chủ nhà hàng ven biển Cửa Lò còn thận trọng tháo dỡ cả mái che bằng tôn đưa vào nhà. |
|
“Cơn bão này không hẳn quá mạnh, nhưng chúng tôi phải tháo dỡ mái tôn, biển quảng cáo để tránh bị gió quật bay” - một chủ nhà hàng ở biển Cửa Lò nói. |
|
Tại tỉnh Hà Tĩnh, để ứng phó với bão Podul, lãnh đạo tỉnh này đã đề nghị các địa phương, đơn vị hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão. |
Phan Ngọc - Trung Sơn