... Ngày... tháng... năm, tôi tên L.T.N (sinh năm 1970, Hòa Châu, Hòa Nhơn, Bình Định). Tôi có 2 con tên Trần Thị Phương Thanh, Trần Thị Phương Lan, sinh năm 1994, nay gửi lại cho xã hội nuôi dưỡng...
Đó là những dòng chữ nguệch ngoạc, viết vội của người mẹ khi gửi con mình nhờ người dưng nuôi nấng.
Hai chị em dìu nhau đi trên đôi chân tật nguyền
20 năm, kể từ ngày chị N. gửi 2 đứa con tật nguyền vào trung tâm xã hội, cặp song sinh chưa nhận diện rõ khuôn mặt mẹ, chưa một lần được nhìn thấy cha... đã lớn lên vượt qua nghịch cảnh trong sự thương yêu đùm bọc của các bảo mẫu, thầy cô giáo ở Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM).
|
Hai chị em Phương Lan (áo đỏ) và Phương Thanh |
Ngày chúng tôi ghé thăm trung tâm, nơi đây vang tiếng cười vô tư và tiếng trêu đùa của những đứa trẻ. Các em mỗi người một hoàn cảnh, đa số là trẻ mồ côi và khuyết tật bẩm sinh.
Sinh hoạt hàng ngày của các em vốn đã khó khăn, việc nói chuyện và giao tiếp với mọi người cũng vậy. Có lẽ vì thế mà việc để các em có thể nhận thức được những con chữ và cắp sách đến trường như các bạn bình thường là điều gần như không thể.
Cha mất sớm, mẹ bỏ đi, hai chị em Phương Thanh - Phương Lan ngày qua ngày đùm bọc nhau để sống. Thiếu vắng tình yêu từ đấng sinh thành khi còn quá nhỏ, thay vào đó các em được lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc và nuôi dưỡng của các mẹ, các chị, các cô chú trong trung tâm bảo trợ.
Trong hai chị em, Phương Thanh là người khiếm khuyết nặng hơn, đôi chân của em không còn khả năng di chuyển. Mỗi lần muốn đi đâu ra ngoài em đều phải dựa vào chiếc xe lăn. Còn nếu di chuyển trong phòng, em sử dụng hai tay, dồn hết sức, lê người trượt dài trên sàn nhà.
Hàng ngày em phải tập vật lý trị liệu với mong muốn đôi chân mình còn chút hy vọng có thể lành lặn và đi lại như các bạn. Những việc bản thân có thể tự làm được, Phương Thanh đều muốn tự làm và cố gắng làm cho bằng được, không muốn ai giúp đỡ. Điều đó cho thấy em là cô gái mạnh mẽ và quyết tâm rất lớn. Dù kết quả thế nào đi nữa, em vẫn luôn nỗ lực hết mình.
May mắn hơn chị, Phương Lan có thể đi lại được trên đôi chân của mình. Để đạt được kết quả như hôm nay là cả quá trình em cố gắng và nỗ lực. Đôi chân còn yếu, di chuyển khó khăn, em vẫn kiên trì tập luyện cả ngày lẫn cả đêm.
Đôi chân tật nguyền, nhưng trời thương, em biết đọc, biết viết, biết thẩm thấu tri thức nên ngay từ nhỏ em đã được các cô chú trong trung tâm tạo điều kiện cho đi học như các bạn cùng trang lứa.
Hiện Phương Lan là sinh viên năm cuối của trường Cao đẳng Bách Việt và đang trong quá trình đi thực tập tại một công ty có tiếng với công việc biên, phiên dịch Anh ngữ. Trong trung tâm, Phương Lan là người khuyết tật hai chân nặng, nhưng em là người học lên cao nhất ở đây.
Viết nhật ký để làm động lực bước tiếp
Từ lúc được cắp sách đến trường cùng chúng bạn, Phương Lan trải qua rất nhiều khó khăn tưởng chừng gục ngã. Khoảng thời gian Lan học cấp 1 là khó khăn nhất trong cuộc đời em. Với đôi chân không được lành lặn, em luôn bị các bạn trong lớp trêu chọc, kỳ thị, mắng mỏ, nhiều lúc nước mắt chảy ròng nhưng không một ai bên cạnh an ủi.
Nhìn chúng bạn có ba, có mẹ đưa đón đi học, nhìn lại mình, em thấy tủi thân và cô đơn biết bao. Những lúc như vậy, trở về phòng với biết bao buồn tủi nhưng em không dám khóc trước mặt chị mình cũng như mọi người, vì sợ mọi người lo lắng.
Lan một mình lặng lẽ chờ đến tối khuya khi không còn ai thức, nước mắt mới tuôn trào, chảy theo những tủi hờn và nỗi đau mà em phải chịu đựng. Những lúc bị áp lực trong cuộc sống ghì nặng, Lan còn chọn cách viết nhật ký để tự trải lòng trên từng trang giấy.
Đã có lúc em tưởng chừng như sẽ bỏ cuộc, chán nản và không muốn đi học nữa. Nhưng nghĩ đến người chị gái chịu nhiều thiệt thòi, nghĩ đến thầy cô trong trung tâm đã yêu thương và chăm lo hết mực, Lan không để cho hoàn cảnh đánh ngã mình.
Lan thôi thúc bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhờ có những nguồn động lực như vậy, Lan giờ đây là cô sinh viên đứng trước ngưỡng cửa tươi sáng, tương lai có thể tìm được công việc ổn định và lo được cho chị.
Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ước mơ về một tương lai tươi sáng luôn là động lực giúp Phương Lan vượt qua mọi thử thách. Dù biết phía trước còn thật xa và gian nan nhưng Lan chưa bao giờ là thôi hy vọng.
Phương Lan chỉ ước mình có được một chiếc xe máy 3 bánh cho người tàn tật để dễ dàng di chuyển khi đi làm. Vì hiện tại Lan đi học hay đi thực tập đều phải đi xe buýt hoặc xe ôm rất bất tiện và nguy hiểm khi về khuya.
Nhưng với Lan, chỉ cần có chị Thanh bên cạnh, em sẽ thật mạnh mẽ vượt qua tất cả. "Chị mãi mãi là gia đình, mọi cố gắng của em đều vì cuộc sống sau này của hai chị em được tốt hơn" là lời hứa của Phương Lan đến người chị thương yêu Phương Thanh của mình.
Phương Thanh rất ít khi nói chuyện với Lan vì bị bệnh nói khó, dù vậy vẫn không quên động viên em mình cố gắng vượt qua, nỗ lực phấn đấu để tương lai sáng sủa hơn.
Nhưng sau bao nhiêu ước mong, với Phương Thanh và Phương Lan, chỉ có tâm nguyện lớn nhất là được gặp mặt mẹ sau bao nhiêu năm xa cách. "Mẹ bỏ rơi hai chị em chắc phải có lý do gì đó. Chỉ cần đứng trước mặt mẹ để nói rằng con gái mẹ đang sống rất tốt. Con không oán trách mẹ vì mẹ cho con cất tiếng khóc chào đời, cho con được gọi hai từ thiêng liêng “mẹ ơi” dù chưa bao giờ nhìn thấy rõ mặt mẹ" - Phương Thanh và Phương Lan chia sẻ ước mơ.
Hoài An - Duy Quan - Bùi Ngọc