Cặp sếu đầu tiên sắp được đưa từ Thái Lan về Đồng Tháp bằng đường hàng không

29/11/2023 - 20:19

PNO - Tháng 12 tới, cặp sếu đầu tiên sẽ được đưa từ Thái Lan về Đồng Tháp và được nuôi trong chuồng, người dân có thể tham quan môi trường sống của sếu.

Chiều 29/11, tại hội nghị giao ban báo chí tháng 11/2023 tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ các thông tin về ý nghĩa của “Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032”, TS Trần Triết - Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội sếu quốc tế - cho biết, sau thời gian đàm phán, Đồng Tháp đạt thống nhất sẽ đưa sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), tiến tới phục hồi loài chim quý hiếm này. Vào tháng 12 tới, cặp sếu đầu tiên sẽ được đưa từ Thái Lan về tỉnh Đồng Tháp bằng đường hàng không. Sau khi đưa về, cặp sếu sẽ được nuôi trong chuồng, người dân có thể tham quan môi trường sống của cặp sếu này.

Theo TS Trần Triết, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn nhất trên thế giới. Trong đó, Vườn quốc gia Tràm Chim được xem là hình mẫu hệ sinh thái cuối cùng còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười, có giá trị mang tầm quốc tế.

TS Trần Triết - Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội sếu Việt Nam - để gầy dựng đàn sếu sống quanh năm, cần đảm bảo môi trường sống thích hợp Ảnh: Thanh Lâm
TS Trần Triết - Giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội sếu quốc tế - cho rằng, để gầy dựng đàn sếu sống quanh năm, cần đảm bảo môi trường sống thích hợp - Ảnh: Thanh Lâm

Việc Đồng Tháp đưa sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim có ý nghĩa lớn trong công tác phục hồi đàn sếu, đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học thế giới. Trước nguy cơ loài cá thể này đang bị tuyệt chủng, việc này không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học thế giới, mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam khi ký vào công ước về đa dạng sinh học.

“Đàn sếu tự nhiên thường di chuyển qua lại từ Campuchia - Việt Nam. Vào mùa sinh sản, sếu trú ở Campuchia. Đến mùa khô, sếu quay về ĐBSCL trú ở tìm kiếm thức ăn tự nhiên. Mục tiêu của đề án này là làm sao sếu sống quanh năm tại Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), hoặc có thể di chuyển rộng hơn sang các tỉnh ở khu vực như An Giang, Long An. Tuy nhiên, để gầy dựng đàn sếu sống quanh năm, cần đảm bảo môi trường sống thích hợp, như phát triển mô hình nông nghiệp xanh, nông dân giảm bớt sử dụng chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp” - TS Trần Triết nhận định.

Phục hồi đàn sếu đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học thế giới trước nguy cơ loài cá thể này đang bị tuyệt chủng
Phục hồi đàn sếu đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học thế giới trước nguy cơ loài cá thể này đang bị tuyệt chủng

Bà Lê Nhật Thùy - Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, đơn vị hợp tác bảo tồn sếu và phát triển nông nghiệp với Đồng Tháp - cho biết, ghi nhận thực tế cho thấy Thái Lan rất thành công với đề án bảo tồn sếu đầu đỏ. Với sếu đầu đỏ, nông dân có thể phát triển sinh kế bền vững dựa trên nông nghiệp hữu cơ, kết hợp làm du lịch. Đây là mô hình có thể áp dụng tại Đồng Tháp.

Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500 ha, trước đây đàn sếu di cư từ Campuchia thường tìm về đây. Vào những năm 1990, đàn sếu lên đến cả ngàn con. Tuy nhiên, thời gian sau, đàn sếu dần vắng bóng. Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Cá thể sếu trưởng thành cao từ 1,5-1,8m, sải cánh 2,2-2,5m, trọng lượng 8-10kg. Sếu 3 năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất 1 năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo. Sếu đầu đỏ có tuổi thọ khoảng 40 năm.

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI