Bị động với đầu tư công
Áp dụng Nghị quyết 131, UBND các quận, phường phải lập dự toán ngân sách đối với các khoản chi của địa phương, đặc biệt là các dự án đầu tư công. Với từng dự án, dù rất nhỏ, các địa phương cũng phải lập dự toán, trình Sở Tài chính TPHCM thẩm định, sau đó sở này trình UBND TPHCM và chờ HĐND TPHCM thông qua. Theo lãnh đạo các địa phương, quy trình này khiến hồ sơ phải xếp hàng chờ phê duyệt lâu, dẫn đến sự bị động, nhất là khi giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất, cấp bách.
Ông Phan Thế Huy - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 - cho biết, quận có 31 dự án mở rộng hẻm đã xong khâu vận động người dân, chỉ còn chờ triển khai nhưng hồ sơ đang chờ Sở Tài chính TPHCM thẩm định. Tương tự, ông Vũ Chí Kiên - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - nói: “Quận có đến 50 tuyến hẻm cần sửa chữa nhưng chỉ được phê duyệt 35 tuyến”.
Ngoài ra, các địa phương đều có gói kinh phí điều hành do Sở Tài chính phân bổ, nhưng chia cho 13 lĩnh vực nên cũng khó triển khai. Ông Võ Văn Đức - Chủ tịch UBND quận 3 - dẫn chứng, mới đây, khi cần sửa chữa nhà vệ sinh, UBND quận dùng nguồn vốn phân bổ cho lĩnh vực này để sửa chữa nhưng làm đến cánh cửa thì hết tiền. Do không thể điều chỉnh vốn phân bổ nên nếu muốn làm tiếp, UBND quận phải lập dự toán, chờ HĐND TPHCM phê duyệt.
|
Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TPHCM về tổ chức chính quyền đô thị tại quận 3, ngày 6/9, ông Võ Văn Đức - Chủ tịch UBND quận 3 - chia sẻ về các dự án mà cấp quận không chủ động triển khai được, kể cả những dự án rất nhỏ |
Ông Võ Văn Đức chia sẻ thêm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận đưa ra nhiều công trình, dự án phải hoàn thành trước năm 2025 nhưng với quy trình chờ duyệt như thế này thì tới năm 2025, may ra mới có thể làm lễ khởi công, động thổ các công trình. Dự án xây mới trụ sở UBND phường Võ Thị Sáu đã có chủ trương từ ba nhiệm kỳ nhưng đến nay, vẫn chưa được phê duyệt. Trong khi đó, UBND TPHCM sẽ phê bình, xử lý nếu các địa phương chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công.
Cũng là đơn vị lập dự toán nhưng các phường thuộc TP.Thủ Đức được phê duyệt ngân sách nhanh hơn các phường của 16 quận. Tuy nhiên, ông Lê Tấn Hồng - Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch, UBND TP.Thủ Đức - cho hay, các phường thuộc thành phố này vẫn bị động: “Cấp cơ sở điều hành mọi mặt của đời sống, với rất nhiều việc phát sinh bất ngờ cần chi tiền kịp thời, như dịch bệnh, thiên tai. Nếu UBND 34 phường đều trình về UBND TP.Thủ Đức, xếp hàng chờ HĐND TP.Thủ Đức thì việc chi hỗ trợ dân sẽ mất đi tính kịp thời, hiệu quả.
Cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ
Nghị quyết 131 được lãnh đạo các địa phương đánh giá là tạo thuận lợi trong vận hành, tổ chức: bộ máy nhà nước tinh gọn hơn, giúp tiết kiệm ngân sách; chế độ thủ trưởng phát huy vai trò của người đứng đầu; giảm hội họp, tăng tiếp xúc, đối thoại giúp đảm bảo quyền làm chủ của người dân. Tuy nhiên, để điều hành, quản lý hiệu quả hơn, UBND TPHCM cần tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận.
Ông Võ Văn Đức chia sẻ, UBND TPHCM giao cho Sở Tài chính chủ trì quản lý việc cho thuê mặt bằng đối với một số công sản như trường học, trung tâm văn hóa, nhưng do hồ sơ xếp hàng nên các mặt bằng bị bỏ trống, gây lãng phí. Theo ông, chủ tịch UBND quận cần được ủy quyền nội dung này để chủ động giải quyết, quan trọng là sử dụng nguồn thu một cách minh bạch.
Đại diện UBND quận Gò Vấp dẫn chứng, vừa qua, ngành công an có đề án tăng cường 30% cán bộ công an cấp quận về các phường nhưng chủ trương xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho đề án này chưa được phê duyệt nên quận không thể triển khai. UBND quận Gò Vấp đề nghị UBND TPHCM phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ để chủ tịch UBND các quận có thể tự quyết, tự chịu trách nhiệm với các nhiệm vụ phát sinh, cấp bách của địa phương; chính quyền thành phố chỉ cần đưa ra khái niệm “nhiệm vụ cấp bách”.
Tương tự, ông Võ Tấn Quan - Chánh văn phòng HĐND, UBND TP.Thủ Đức - khẳng định, đến nay, chính quyền thành phố này vẫn hoạt động như một quận. Việc chưa tăng thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền cho UBND TP.Thủ Đức khiến thành phố này chưa thể phát huy tiềm năng, trở thành cực tăng trưởng mới, dẫn dắt kinh tế của TPHCM như đề án tổ chức chính quyền đô thị mong muốn. Trong khi đó, bộ máy chính quyền của TP.Thủ Đức đã bị cắt giảm 1/3 so với trước khi sáp nhập từ ba quận nên áp lực công việc rất nặng nề.
Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính TPHCM - với những khó khăn trên, bên cạnh trình Bộ Tài chính xem xét, sở cũng đã tham mưu để UBND TPHCM đưa các nội dung phân cấp, ủy quyền, tăng thẩm quyền và nhiều vấn đề khác vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Riêng về đầu tư công, nếu Quốc hội không điều chỉnh, sửa đổi Luật Ngân sách thì các địa phương khó có thể triển khai sớm các dự án công phục vụ người dân.
Tuyết Dân