Cặp nhẫn cưới giá… 4 ngàn đồng

03/10/2014 - 06:50

PNO - PNO - Anh chị gặp nhau, yêu nhau trong những tháng ngày bị bệnh tật, bị xa lánh. Với họ, sống có nghĩa là yêu và được yêu.

Anh là Đinh Zích (37 tuổi) và chị là Ksor H’veo (29 tuổi), những cư dân của làng phong Quy Hòa (P. Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định). Mang trong mình căn bệnh phong, cả anh và chị từng bị gia đình bỏ rơi, bị buôn làng xa lánh. May mắn, anh chị được đưa về làng phong trị bệnh và sinh sống. Ở đây, anh chị được sống, được yêu thương. Ngày đám cưới không họ hàng, người thân chỉ vài ba bệnh nhân và cha xứ làm lễ tại nhà thờ chúc phúc cho anh chị. “Quen nhau và nhận lời yêu đương hơn 2 năm rồi mới tổ chức đám cưới. Hôm cưới tôi mua cặp nhẫn giả có 4.000đ về trao cho vợ và làm lễ tại nhà thờ. Cưới xong, tôi cùng vợ ra phường đăng ký kết hôn, chính thức trở thành “người thân” của nhau”, anh Đinh Zích nói.

Cap nhan cuoi gia… 4 ngan dong

Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của vợ chồng anh Đinh Zích, chị Ksor H’veo

Năm 2012 anh Đinh Zích được các Sơ đưa từ Gia Lai xuống Bệnh viện phong - da liễu trung ương Quy Hòa điều trị. Sau giờ khám chữa bệnh, anh và các bệnh nhân giải trí bằng cách nói chuyện, đi dạo khuôn viên bệnh viện. “Tui để ý bả từ trước rồi, mấy lần bả cùng mọi người vô bệnh viện chơi, tui thường len lén nhìn bả. Tui là người Ba Na, bả người Gia Rai, bọn tui hay nói chuyện với nhau. Một lần, tui cùng người bạn đi bắt ốc rồi cố tình đem về nhà của bả nấu nướng. Tối về, tui nhắn tin cho bả, mấy lần đầu bả chảnh lắm không nhắn lại. Mấy ngày sau, thấy bả nhắn cho tui “Em làm vợ anh được không?”, tui ừ liền.

Từ ngày cưới nhau, anh chị dọn về căn nhà được cấp cho bệnh nhân phong. Chị ở nhà chăm con, anh nhận công việc làm thêm ở nghĩa trang, dọn cây ở bệnh viên, quét chợ... kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. “Cứ nghĩ sống được ngày nào hay ngày đó, nào ngờ, tôi có một cuộc sống mới, tìm được một tình yêu... điều mà trước kia chẳng bệnh nhân phong nào dám nghĩ đến”, anh Zích bộc bạch.

Còn chị Ksor H’veo, tình yêu với anh Đinh Zích là sự sống, là động lực của chị. Đứa bé trai kháu khỉnh Ksor Quy Lơ là niềm hy vọng, là kết tinh tình yêu của anh chị may mắn không bị bệnh như bố mẹ. Năm nay 29 tuổi chị H’veo có gần 18 năm ở tại làng phong Quy Hòa. “Năm 11 tuổi, tôi được các Sơ ở quê nhà Iapa (Gia Lai) đưa tới làng phong Quy Hòa. Từ đó cho đến nay tôi chỉ về thăm quê 2 lần. Thực tình, tôi chẳng muốn về, có điều kiện tôi sẽ ở lại Quy Hòa chứ không đi đâu hết. Về quê làm chi khi họ cứ gọi chúng tôi là cùi, hủi...Ba mẹ tôi vì sợ lây bệnh nên cũng đã từng mang bỏ tôi trên núi”, chị H’veo nói.

Chị kể: “Trước khi lấy anh Zích, tôi đã yêu một người khác. Gia đình họ phản đối, tôi với người ta phải chia tay dù chúng tôi đã có con gái Ksor H’my. Mẹ con tôi được cấp một căn nhà trong khu tập thể, mỗi ngày ngoài việc chăm con tôi thường vào khu bệnh nhân phong chơi với mọi người. Những lần như thế, tôi và anh Zích gặp nhau, nói chuyện phiếm. Cùng quê, nên bọn tôi dễ nói chuyện hơn, thân quen hơn. Rồi thấy anh cũng quan tâm, hỏi han, nhắn tin qua lại. Tôi chỉ đùa muốn làm vợ anh, không ngờ anh đồng ý thiệt rồi hai đứa yêu nhau luôn. Mà tôi tự tin lắm, gái một con mà, tán là anh đổ cái rụp. Hẹn hò ở khuôn viên bệnh viện, có khi hai đứa nấu nướng tại nhà tôi. Thấy thương cái bụng nhau rồi hai đứa cưới nhau”, chị H’veo cười hạnh phúc.

Cap nhan cuoi gia… 4 ngan dong

Công việc thường ngày của ảnh Đinh Zích làm chăm sóc nghĩa trang. Anh cho biết, vợ anh bệnh nặng không ra ngoài làm việc được, nên anh nhận thêm công việc để có thu nhập lo thêm cho gia đình.

“Điều lớn nhất mà vợ chồng tôi có lúc này là tình yêu và con cái. Hy vọng lớn nhất là tôi cứ như thế này mãi để còn lo được cho vợ, con tôi. Nhờ tình yêu này, vợ chồng tôi mới tìm thấy nhau để chia sẻ nỗi đau, để sống một cuộc đời khác”, anh Đinh Zích nói thêm.

Ở làng phong Quy Hòa, có rất nhiều mối tình lặng lẽ thắp sáng niềm tin yêu cuộc sống như vợ chồng anh Zích, chị H’veo. Những mối tình ấy giúp người bệnh phong tìm thấy niềm an ủi trong cuộc sống, thoát khỏi mặc cảm bệnh tật.
 


THU DỊU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI