Cáp ngầm dưới biển - cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc

16/12/2019 - 14:03

PNO - Nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đã âm thầm làm suy yếu sự thống trị của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đối với mạng internet, thị trường cáp dưới biển...

Khoảng 99% dữ liệu quốc tế được các dây cáp thông tin liên lạc dọc theo đáy đại dương truyền đi. Có hơn 370 hệ thống cáp riêng biệt, mỗi hệ thống trải dài hàng ngàn ki-lô-mét giữa các lục địa. Nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đã âm thầm làm suy yếu sự thống trị của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đối với mạng internet, thị trường cáp dưới biển. Giờ đây, Bắc Kinh đang tìm cách kết nối một trong những khu vực xa xôi nhất trên toàn cầu: các quốc đảo Thái Bình Dương.

Cáp ngầm, xương sống toàn cầu của internet

Trong các hệ thống cáp hiện đang hoạt động trên toàn thế giới, 23 đường truyền nằm tại Thái Bình Dương và phần nhiều chạy sát các quốc đảo Thái Bình Dương, trên đường nối giữa những trung tâm ở Los Angeles, Tokyo và Singapore. Tuy vậy, theo Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), chỉ 4,5% trong số 11 triệu người sống ở các quốc đảo Thái Bình Dương và Papua New Guinea có quyền truy cập vào kết nối internet có dây. Do đó, dự kiến hơn 20 tỷ USD cáp sẽ được đưa vào sử dụng năm 2021 và sáu trong số các tuyến cáp này sẽ kết nối với nhóm quốc đảo Thái Bình Dương.

Cap ngam duoi bien - cuoc canh tranh giua My va Trung Quoc
Bản đồ hệ thống cáp ngầm rộng lớn trải dài dưới đáy đại dương Ảnh: Creative Commons/TeleGeography

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei đã đặt hàng ngàn ki-lô-mét cáp và các công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc như China Unicom có quyền truy cập vào nhiều tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương. Mối lo ngại này lớn đến mức ủy ban do Bộ Tư pháp Mỹ dẫn đầu hoãn một dự án cáp xuyên Thái Bình Dương gần như hoàn chỉnh do những lo ngại về nhà đầu tư Trung Quốc - Tập đoàn Truyền thông & Viễn thông Dr. Peng có trụ sở tại Bắc Kinh. 

Dù được gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Google và Facebook hỗ trợ, dự án Mạng cáp quang Thái Bình Dương có thể là tuyến cáp đầu tiên bị từ chối vì lý do an ninh quốc gia. Đặc khu Hồng Kông - nơi tuyến cáp dự kiến kết nối - trước đây được coi là điểm đến an toàn hơn so với Trung Quốc đại lục, nhưng tình trạng bất ổn gần đây trong thành phố đã khiến sự khác biệt này trở nên mờ nhạt.

Những lo ngại tương tự cũng khiến một tuyến cáp được Huawei hỗ trợ nối Vanuatu với Papua New Guinea bị ngừng hoạt động năm 2018 sau khi Úc quyết định tài trợ tuyến cáp riêng của mình. 

Những liên minh mới ra đời

Tại Papua New Guinea, công ty viễn thông địa phương GoPNG và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cùng tài trợ cho hệ thống cáp Kumul Domestic mới do Huawei xây dựng, vừa đưa vào hoạt động trong năm nay. Hệ thống Southern Cross Next thuộc sở hữu của Spark, Verizon, Singtel Optus và Telstra được lên kế hoạch hoạt động vào năm 2022 và sẽ kết nối trực tiếp với Fiji, Samoa, Kiribati và Tokelau. Nhưng từ bây giờ, Công ty Viễn thông China Unicom đã ghi nhận Southern Cross vào mạng lưới của mình.

China Unicom và China Telecom cũng liệt kê hệ thống cáp nối châu Á - Mỹ (AAG) là một trong những cơ sở hạ tầng mạng của công ty. Tuyến cáp dài 20.000km, hoạt động từ năm 2009 giúp kết nối Mỹ, đảo Guam với Hồng Kông, Brunei, Philippines, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan. AAG do một liên minh của các hãng bao gồm AT&T, Telekom Malaysia, Telstra và Spark sở hữu. 

Xa hơn về phía tây, China Mobile International đang đàm phán để mua phần lớn cổ phần doanh nghiệp Transworld ở Pakistan. Transworld bắt đầu hoạt động tại Pakistan năm 2006 và hiện sở hữu hệ thống cáp ngầm TW1 dài 1.300km và cũng là thành viên của hệ thống cáp quang 20.000km SEA-ME-WE 5 - đường truyền siêu dữ liệu đa tuyến nối Pakistan với châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Âu.

Ngân hàng Phát triển châu Á đồng ý cung cấp khoản vay 50 triệu USD cho tổ chức Kacific Broadband Satellites International của Singapore để cung cấp internet vệ tinh giá phải chăng cho 2 tỷ người khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến từ năm 2020. Tuy nhiên, vệ tinh dường như là một triển vọng không hiệu quả về chi phí cho các quốc gia đang phát triển vào thời điểm này, và vì đáy đại dương còn rất nhiều diện tích để đặt thêm dây cáp, cuộc chiến cáp ngầm sẽ còn tiếp tục trong tương lai. 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI