Sáng 12/3, Ban đô thị HĐND TPHCM phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM đã có buổi giám sát về tình hình giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp tại hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) trong 6 tháng cuối năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020.
Tại buổi giám sát, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM ghi nhận những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Tuy nhiên, ông kể ra nhiều chuyện khiến người dân rất khổ khi thực hiện các giao dịch liên quan đến cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Có người dân khiếu nại tố cáo đến mức không có điểm dừng, đơn thư đi đến nhiều cấp, ra đến tận Văn phòng Thủ tướng Chính phủ” - ông Hậu nói.
Tình trạng một mảnh đất, ngành tài nguyên cấp quyền sử dụng cho nhiều người được ông Hậu liệt kê, đồng thời cho biết, hiện Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh đang thụ lý một vụ việc 2 người dân sở hữu 2 sổ đỏ trên 1 mảnh đất.
|
Cuộc giám sát diễn ra tại Sở Tài nguyên và Môi trường sáng 12/3 |
Đại diện đoàn giám sát thuộc Ủy ban MTTQ TPHCM cũng thông tin, huyện Nhà Bè đang diễn ra một vụ việc liên quan, kéo dài đã 5, 6 năm nay và đến giờ vẫn chưa xử lý xong. Người dân kêu cứu, mới đây, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM phải ký gấp công văn yêu cầu huyện Nhà Bè phải lập tức giải quyết cho dân.
Theo đó, có 2 người dân được chính quyền cấp trùng hồ sơ cho 1 mảnh đất. Người dân phát hiện, yêu cầu điều chỉnh diện tích thì cơ quan chức năng đề nghị dân tự… thuê công ty đo đạc, sau đó hoàn thiện hồ sơ rồi lên xin cấp lại chủ quyền.
“Trong khi chính anh là người cấp chứng nhận mảnh đất cho người ta, cấp trùng vị trí, giờ người ta xin điều chỉnh thì đẩy khó cho họ” - vị đại diện UBMTTQ TPHCM nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm, những trường hợp thế này, tòa xử tuyên cho bất cứ ai thắng, người còn lại đều có quyền khởi kiện, yêu cầu ngành tài nguyên bồi thường cho mình, do đây là đối tượng cấp sai.
Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai
Liên quan đến cấp chủ quyền bữa bãi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng kể ra nhiều bất cập, trong đó có việc người dân tự do mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay.
|
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phát biểu tại buổi giám sát sáng 12/3 |
Ngoài một miếng đất bán cho nhiều người, ông Thắng nêu thực tế, như một thửa đất đã được cấp chứng nhận nhưng trong quá trình sử dụng có biến động do người dân tự ý tách thửa, chuyển quyền sử dụng bằng giấy tay; rồi tự chuyển luôn mục đích sử dụng đất, sau đó đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận… gây khó cho cán bộ. Phổ biến tình trạng này nhất ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi.
Ngoài ra, người dân cũng thường chuyển một phần quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà mà không thực hiện tách thửa.
Theo ông Thắng, liên quan đến cấp chứng nhận cho giao dịch giấy tay, hiện sở đã chỉ đạo các văn phòng đăng ký đất đai rà soát, tham mưu báo cáo xin ý kiến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Sở cũng sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sửa đổi Luật Đất đai tới đây không xem xét cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay” - ông Thắng nói.
Hàng ngàn hồ sơ trễ hạn
-Đối với hộ gia đình, cá nhân: từ 1/7/2019 đến 31/12/2019, tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 328.090, trễ hạn là 18.586 hồ sơ. Từ 1/1/2020 đến 29/2/2020: đúng hạn là 72.109 hồ sơ, trễ hạn là 4.460 hồ sơ.
-Đối với tổ chức, doanh nghiệp: từ 1/7/2019 đến 31/12/2019, đã giải quyết 7.787 hồ sơ, đang giải quyết 4.085 hồ sơ. Từ 1/1/2020 đến 29/2/2020, đã giải quyết 1.783 hồ sơ, đang giải quyết 1.014 hồ sơ.
Riêng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp đánh giá sự hài lòng, tùy từng văn phòng đăng ký đất đai mà có nơi đạt cao, nơi đạt thấp, nhưng mặt bằng chung chỉ 1/3 người dân có giao dịch chịu tham gia đánh giá.
|
Tuyết Dân