Cấp dưỡng đâu cần 'giấy đòi nợ' của tòa

27/09/2018 - 07:32

PNO - Về sau, chị tôi không còn quan tâm tới anh ta nữa. Chị buôn bán, bươn chải và tự lo cho hai con. Chị xem số lúa cấp dưỡng đó như đồ bố thí, đồ bỏ đi...

Xã hội hiện đại ly hôn ngày càng nhiều, kéo theo vấn đề nuôi con, chăm sóc con, cấp dưỡng cho con đến tuổi trưởng thành. Thực tế, câu chuyện hậu ly hôn cũng nhiều phiền toái, thiệt thòi cho phụ nữ, nhất là chuyện cấp dưỡng cho con. 

Cap duong dau can 'giay doi no' cua toa
Sau ly hôn, chị tôi cũng từng trông chờ số trợ cấp của chồng cũ. Hình minh họa

Chị gái đầu của tôi đã ly hôn. Hồi đó, chồng trước của chị làm thuê cho một nhà ấp vịt, chị hay mua trứng ở đó và hai người quen nhau. Ai cũng khen anh hiền lành, chất phác, chí thú làm ăn dù gia cảnh nghèo khó.

Sau khi cưới, anh chị cất một cái nhà tranh cạnh nhà chồng để ra riêng. Chưa được bao lâu, mái nhà tranh của anh chị vẫn còn đó nhưng đôi quả tim vàng đã không còn dành cho nhau. Anh rể tôi ngoại tình với chính người bạn thân của chị tôi. 

Sau khi chị tôi sinh cháu thứ hai mới được hơn một tháng, anh đơn phương đưa đơn ra tòa ly hôn. Tòa xử cho chị tôi được quyền nuôi hai con nhỏ, anh rể cấp dưỡng mỗi tháng cho hai đứa là một bao lúa 50kg.

Thế nhưng, chuyện đòi lúa để nuôi con của chị tôi vô cùng gian nan, vất vả. Dường như không có tháng nào anh tự nguyện gửi lúa mà phải đợi chị nhắn đi nhắn lại nhiều lần. Có thời gian cả năm trời chị tôi bảo “không thấy hột lúa nào”, dù đã nhắn nhủ mọi cách. 

Chị gửi hai đứa con về nhà cho ba má tôi lo, rồi bỏ đi biệt xứ để làm ăn và để quên đi người chồng bội bạc. Có đợt chị về, tôi cùng chị vô tận tòa án để hỏi về số lúa cấp dưỡng vì cả năm trời không thấy anh rể gửi.

Sau lần làm dữ đó, anh rể tôi gửi một bao lúa lừng (lúa hạt lép thường để dành cho gà, vịt ăn). Má tôi đem xay được tầm 5kg gạo nát. Gia đình tôi thấy bất nhẫn vô cùng và khuyên chị quên số lúa cấp dưỡng đó đi.

Tôi nói với chị: “Ảnh không còn thương con thì chị chờ đợi gì. Không có số lúa đó, chị vẫn có thể nuôi hai đứa được mà”. Từ đó về sau, chị tôi không còn quan tâm nữa. Chị buôn bán, bươn chải và tự lo cho hai con. Chị xem số lúa cấp dưỡng đó như đồ bố thí, đồ bỏ đi.

Sau này, chị tôi tái hôn, anh rể hiện tại của tôi bây giờ khác hẳn anh rể trước đây. Anh cũng đã ly hôn và có con. Thế nhưng, anh là người có trách nhiệm và tình thương.

Anh và chị tôi thỏa thuận làm ăn buôn bán và cấp dưỡng cho con cả hai bên mà không cần phải có “giấy đòi nợ” của tòa. Anh đối xử tốt với con riêng của chị tôi và chị tôi cũng chăm sóc chu đáo đứa con riêng của anh.

Cap duong dau can 'giay doi no' cua toa
Chồng sau của chị đối xử với con riêng của mình và của vợ đầu trách nhiệm. Hình minh họa

Có lẽ vì cả anh và chị đều có hoàn cảnh như nhau, nên họ hiểu rằng cần phải đối xử tốt với con của nhau để duy trì mái ấm chung. Cả hai đều quan niệm việc cấp dưỡng cho con là điều đương nhiên. Họ làm với tư cách là người cha, người mẹ chứ không phải là người cấp dưỡng sau ly hôn.

Một khi tình thương con không còn thì việc yêu cầu cấp dưỡng cũng vô nghĩa. Ngược lại, một khi họ đã yêu thương con thì dù hoàn cảnh khó khăn đến cỡ nào họ cũng tự nguyện cấp dưỡng, dù đó chỉ là bao lúa, ký gạo hay thậm chí là một tin nhắn, một lời hỏi thăm. 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI