PNO - PNCN - Phải chấp nhận để chồng nhìn nhận đứa con rơi từ cuộc tình vụng trộm của ông là điều mà người vợ đau đớn nhất. Nhưng mọi việc không dừng lại ở đó, sự tồn tại của đứa bé, trách nhiệm của người cha và nỗi...
“Bồ hòn” biết bỏ cho ai?
Bước vào văn phòng luật sư, người phụ nữ tên Lê Thị D.H. (48 tuổi, ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM) không giấu được vẻ giận dữ. Bà muốn luật sư giúp thảo lá đơn kiện chồng vì ông nhiều lần lén lút lấy tiền của gia đình để nuôi con rơi. Lúc trước, bà tình nghi người giúp việc ăn cắp. Sau thời gian rình rập lập thế, bà bắt tận tay… ông chủ.
Bà H. kết hôn với ông T. năm 2001, hiện có hai con nhỏ. Ông bà mở hiệu tạp hóa tại nhà, thu nhập đủ sống. Sau đó, ông T. lén lút quan hệ với một phụ nữ chưa chồng và sinh con vào cuối năm 2012. Người phụ nữ này thúc ép ông T. ly hôn rồi đăng ký kết hôn với mình để làm giấy khai sinh cho con. Ông còn đang chần chừ thì bà H. phát giác sự việc. Để giữ gia đình khỏi đổ vỡ, bà H. nhượng bộ cho ông T. nhìn nhận, đứng tên trong giấy khai sinh của con.
Tuy nhiên, bà H. chỉ cho cậu bé danh phận, chứ không cho phép có bất cứ liên hệ gì về sau, cấm ông T. qua lại thăm nom, đồng thời làm áp lực buộc hai mẹ con họ dọn đi nhưng không thành. Mới đây, bà theo dõi và biết được ông T. nhiều lần cho vợ bé tiền nên muốn kiện chồng tội... trộm cắp tiền. Dù ông T. giải thích: “Đưa tiền cô ấy để mua sữa cho con, một mình cổ nuôi sao nổi”, nhưng bà H. vẫn không chấp nhận. Mặc cho chồng năn nỉ hay tổ dân phố đến hòa giải, bà H. nhất quyết không chia sẻ nguồn sống của gia đình bà cho… người dưng. Theo bà, cho cha nhìn con đã là may phước, ông không có quyền thăm nom hay tự ý lấy thu nhập chung để cấp dưỡng con riêng khi chưa có sự đồng ý của vợ chính thức là bà. Hơn nữa, cậu bé là kết quả của hành vi lén lút, vi phạm nên không có quyền như đứa trẻ khác. Phải lo tiền nuôi con chồng, bà thấy bất công, nghĩ rằng pháp luật không bảo vệ quyền lợi của người vợ hợp pháp như bà. Chẳng khác nào bao biện, khuyến khích ông chồng tiếp tục quan hệ nhăng nhít, tiếp tục rơi rớt những “cục nợ”.
Lòng tốt bị chà đạp
Biết điều, hiểu chuyện và nhân hậu là tấm lòng hiếm thấy của “má lớn” Nguyễn Thị Đ. (ở Q.8). Chị Đ. thuộc týp phụ nữ luôn chịu đựng, nhẫn nhịn, toàn tâm toàn ý lo cho nhà chồng. Về làm dâu, chị bắt đầu là trụ cột kinh tế gia đình khi tiếp quản xưởng giày da của cha mẹ chồng già yếu. Dù trọn đạo vợ hiền, dâu thảo nhưng chị luôn thiếu tự tin vì lớn tuổi hơn chồng, dung mạo không được đẹp và nhất là chỉ sinh được hai con gái. Khi chồng có được hai con trai với cô gái bán cà phê, chị không phản đối hay làm dữ, bởi chị mặc cảm và luôn tự trách mình không biết đẻ con trai.
Dù chị Đ. bao dung, tha thứ và gánh vác trách nhiệm chăm sóc con rơi của chồng, nhưng chồng chị và vợ bé vẫn phối hợp nhau “đào mỏ” chị với chiếc cần câu cấp dưỡng con riêng - cặp bé trai song sinh chào đời năm 2008. Ngay từ đầu, chị Đ. đã chủ động hứa trích mỗi tháng sáu triệu đồng và luôn giao tiền đúng hẹn, nhưng người vợ bé vẫn tìm cách vòi vĩnh, nâng giá. Cô ta viện cớ các cháu đẻ non, nhẹ cân nên phải đi khám bệnh như cơm bữa; hiện việc bán cà phê ế ẩm… không đủ tiền trang trải. Cùng phận đàn bà, lại cũng là mẹ, chị Đ. thương cảm và đáp ứng yêu cầu của cô ta dù phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng chị càng mở rộng lòng mình, hai người kia càng tăng yêu sách. Về sau, chị Đ. tìm hiểu và biết được cái gọi là “trang trải” của cô vợ bé chính là hóa đơn bạc triệu ở shop thời trang, mỹ viện. Chồng chị Đ. cũng không chịu quay đầu, thường lấy tiền cấp dưỡng con để chơi bời. Nhiều lần chị Đ. phải trả “nhồi” khi cô vợ bé đến xưởng giày lớn tiếng đòi tiền. Cũng mượn lý do cấp dưỡng, chồng chị còn “cuỗm” tiền bỏ mối giày, gây thất thu cho việc kinh doanh.
5 năm từ khi chồng có thêm con, chị Đ. không tích lũy được gì, vốn liếng thất thoát. Chị chịu thiệt đã đành, điều bức xúc nhất là chất lượng sống của hai con gái giảm sút hẳn từ khi có em. Chị Đ. chẳng biết xử sao trước nạn… “con ngang hông” này.
Diệu Hiền
PHẢI CHẤP NHẬN CHO CHỒNG CẤP DƯỠNG CON RIÊNG!
Việc bà H. cản trở, chống đối chồng cấp dưỡng cho con riêng của chồng là sai. Dù đứa bé ra đời là do quan hệ bất chính của ông T. nhưng ông không thể thoái thác trách nhiệm làm cha. Căn cứ Luật HN&GĐ năm 2000, ở khoản 5, điều 2, “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”. Vì vậy, việc cấp dưỡng con riêng của chồng (con ngoài giá thú) đều có giá trị ngang bằng với con trong giá thú. Không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Luật không quy định tỷ lệ phần trăm thu nhập để cấp dưỡng. Tuy nhiên, cơ sở để định mức cấp dưỡng này là sự phù hợp giữa thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng với nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng (điều 51: Một người cấp dưỡng cho nhiều người). Bà H. nên khuyên chồng chấm dứt hôn nhân trái pháp luật; quản lý chặt chẽ tài sản, thu nhập để bảo vệ quyền lợi chính đáng, tránh thiệt thòi cho mình và các con (như trường hợp của chị Đ. nêu trên).
Khi chồng (hoặc vợ) có con ngoài giá thú, vợ chồng cần cân đối thu chi của gia đình để định ra mức cấp dưỡng, phương thức thực hiện cấp dưỡng hàng tháng, hàng quý… hay một lần. Người mẹ trực tiếp nuôi cháu bé ngoài giá thú nếu có yêu cầu cấp dưỡng thì có thể thỏa thuận với cha của cháu bé (hoặc cả vợ của ông). Nếu không thỏa thuận được thì người trực tiếp nuôi dưỡng có quyền yêu cầu tòa án xem xét giải quyết “yêu cầu cấp dưỡng tiền để nuôi con” bằng một vụ kiện dân sự. Trong nhiều trường hợp, tòa có thể mời người vợ chính thức cùng tham dự.
Tất cả tùy thuộc vào nhận thức của người chồng và cách ứng xử khéo léo của người vợ. Người vợ cần chấp nhận, tôn trọng quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của chồng với con riêng. Điều này phù hợp đạo lý của người VN. Trong trường hợp người chồng và mẹ của đứa bé ngoài giá thú có những đòi hỏi vô lý, vượt quá, người vợ cần cứng rắn yêu cầu họ giữ đúng thỏa thuận, cam kết hoặc nội dung tòa tuyên.
Luật sư Hoàng Công Khanh "(Đoàn Luật sư TP.HCM - Văn phòng luật sư Trần Công Ly Tao, Q. Bình Thạnh)
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.