Cặp đôi vợ đoảng, chồng đảm

24/02/2017 - 16:16

PNO - Đôi khi lo sợ vẩn vơ, tôi cũng muốn... giành lại cái bếp. Nhưng mỗi lần mẹ nấu, các con đều chê không ngon bằng đồ ăn của ba.

Nói ra thì xấu hổ, là phụ nữ nhưng quả thật chuyện đảm đang, vén khéo, tôi không bằng ai cả. Mẹ tôi có bốn đứa con gái, tôi lớn nhất. Lúc tôi còn nhỏ, mẹ vẫn thường càm ràm, “nhà người ta con gái đầu lòng thường rất giỏi, còn nhà này đứa đầu dở hơn hết”. Đi học, tôi sợ nhất môn thủ công và vẽ, lúc nào cũng bị thầy cô chê, toàn điểm dưới trung bình. Chẳng phải do tôi lười biếng. Thật sự, tôi đã cố gắng hết sức, chỉ là không hiểu sao đôi tay cứ lóng ngóng, chẳng tuân theo ý muốn.

Cap doi vo doang, chong dam
 

Năm tôi lấy chồng, mẹ rất lo lắng. Nhiều lần, mẹ nói với con rể và cả nhà thông gia rằng mẹ đã dạy dỗ tôi không chu đáo, rằng con gái của mẹ không giỏi nội trợ như người ta, mong anh chị sui bao dung cho con dâu.

Còn nhớ, bữa cơm đầu tiên khi về nhà chồng, tôi kho cá quá mặn, canh hầm thì cắt rau củ không đều, nồi cơm cũng không được ngon. Lúc xới cơm ra chén, tôi lóng ngóng, khiến cơm rơi vãi trên bàn. Mấy cô em chồng nhìn chị dâu như người từ trên trời rơi xuống. Tối đó, chồng tôi cười cười: “Em cắt khoai tây với cà rốt như bằm cho heo ăn vậy, miếng nhỏ xíu, miếng tổ chảng”.

Thương vợ, chồng tôi xin được ra riêng sớm. Từ đó, anh trở thành đầu bếp chính trong nhà. Anh thích nấu ăn và nấu rất ngon. Anh giành cả phần đi chợ nữa. Lâu dần thành thói quen, việc bếp núc do chồng tôi quản lý. Tôi chỉ phụ vòng ngoài, như vo nồi gạo, lặt rau, xắt hành...

Sinh hoạt ở nhà tôi có lẽ khác hẳn mọi người. Buổi sáng, chồng dậy trước tiên. Anh nấu ấm nước, pha sữa, cà phê, chuẩn bị điểm tâm rồi mới gọi vợ con dậy. Ăn uống xong, tôi đưa hai đứa con đến trường, sẵn đường đi làm luôn. Anh ở nhà dọn dẹp mọi thứ, sau đó cũng đến công ty. Buổi chiều, anh đi chợ, đón con, nấu ăn. Tôi thường xuyên nhận thêm việc ngoài nhiệm vụ nên sớm nhất cũng phải 8 giờ tối mới rời chỗ làm. Chẳng có gì phải lấn cấn, mọi thứ ở nhà đều đã có bàn tay anh chăm lo tươm tất.

Tuy tôi mất nhiều thời gian với công việc nhưng thu nhập vẫn thấp hơn lương của chồng. Bạn bè bảo tôi sướng, lấy được ông chồng vừa giỏi kiếm tiền, vừa đảm đang nội trợ. Vài người khuyên phải chú ý chăm sóc, chia sẻ việc nhà với anh, đừng để chồng quá mệt mỏi.

Đôi khi lo sợ vẩn vơ, tôi cũng muốn... giành lại cái bếp. Nhưng mỗi lần mẹ nấu, các con đều chê không ngon bằng đồ ăn của ba. Đối với anh, nấu ăn là nghệ thuật, là niềm vui. Còn tôi, cực chẳng đã mới vào bếp. Nghe mùi khói, mùi gia vị một lúc là tôi như muốn bốc hỏa, sẵn sàng nổi cáu với bất cứ ai xớ rớ xung quanh. Ngày nghỉ, tôi chỉ thích mấy việc nặng nhọc như xách nước tưới cây, cuốc đất trồng rau, thỉnh thoảng còn leo lên sửa chữa mái nhà...

Có lần tôi hỏi chồng, lấy phải người vợ đoảng có buồn không. Chồng tôi nói quy luật bù trừ, vợ đoảng sẽ sinh ra chồng đảm, tùy theo thế mạnh của từng người mà phân công lao động trong gia đình. “Vợ đoảng không sợ, chỉ sợ vợ lười và vợ không yêu chồng con thôi”.

Nhà người ta, nếu thiếu bàn tay phụ nữ thì bếp núc nguội lạnh. Nhà tôi thì ngược lại. Tôi đi công tác vài tuần, vẫn chẳng sao. Anh không có mặt đôi ngày, các con đã thẫn thờ vì nhớ cơm ba nấu. Bởi vậy, quanh năm suốt tháng, trừ khi bất đắc dĩ, chồng tôi không bao giờ vắng nhà.

Tôi thấy mình thật may mắn khi có anh làm điểm tựa. Hồi mới lấy nhau, tôi vẫn thường mặc cảm về sự vụng về của mình. Năm rộng tháng dài, anh giúp tôi hiểu ra, mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Là vợ chồng, phải cùng phối hợp, san sẻ, ai thuận tay việc nào thì cứ bắt tay vào việc ấy.

Nhiều người quan niệm: trong gia đình, cái bếp vốn là chỗ của người vợ, đàn ông vào bếp là yếu đuối. Tôi thích ăn ngon nhưng lại nấu nướng dở tệ. Vì vậy, tôi hâm mộ và biết ơn chồng. Trong mắt tôi, anh là người đàn ông tháo vát, đa tài, xứng đáng là đầu tàu của cả nhà.

Việt Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI