Cặp đôi khuyết tật viết nên chuyện tình cổ tích

17/11/2020 - 10:30

PNO - Một người không thể nhìn, người còn lại không để đi, họ đã ghép lại thành một cặp đôi đặc biệt.

Bùi Văn Quẹo (1991) sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng, bị khiếm thị bẩm sinh. Vợ của Quẹo là Nguyễn Thị Kim Chi (1988) quê ở Tây Ninh, lại có tứ chi teo tóp, khó khăn trong việc vận động vì chứng viêm đa khớp.

Kỳ lạ là hình ảnh cặp đôi Quẹo - Chi trong mắt bè bạn, lại là một cặp đôi vui vẻ, chân thành và tình cảm. Họ gặp nhau lần đầu hơn chục năm về trước, khi cả hai cùng lên Sài Gòn bán vé số. Gặp nhau nhiều lần trên đường mưu sinh, nhưng họ không có cơ hội trò chuyện. Mãi đến khi mạnh dạn xin số điện thoại của nhau, cả hai mới bắt đầu huyên thuyên đủ chuyện trên đời.

Ngày Quẹo nói lời yêu, Chi trả lời bằng một thực tế: cô không làm được việc nhà, cũng không thể chăm chồng con, thậm chí không thể chăm sóc bản thân như một người bình thường. Trước lời bày tỏ như từ chối, mà cũng giống một thách thức ấy, Quẹo nói: “Nếu em cần thì anh có thể bên cạnh, chăm lo cho em suốt đời”.

Ngày gia đình hay tin, anh chị vấp phải vô số phản đối, cấm cản gay gắt. Một người thì không thể đi lại, một người không thể nhìn thấy gì. Nếu cả hai đến với nhau, lấy ai dựa ai? Khi bệnh tật ập xuống, lấy ai chăm sóc ai?

Nếu không chứng kiến tổ ấm của Quẹo - Chi và hai đứa trẻ, người ta sẽ khó tin được hạnh phúc có thể nảy mầm trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó
Nếu không chứng kiến tổ ấm của Quẹo - Chi và hai đứa trẻ, người ta sẽ khó tin được hạnh phúc có thể nảy mầm trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó

Bất chấp mọi lời phản đối, thậm chí là bị gia đình từ mặt, anh chị vẫn kiên quyết dọn về sống chung. Căn phòng trọ nhỏ xíu, trống trơn chẳng có một vật dụng thiết yếu nào. Tình yêu là thứ duy nhất họ dùng để lấp đầy cuộc sống khó khăn khi đó. Đám cưới mơ ước phải hoãn lại, phần vì hai bên gia đình không tán thành, phần vì đôi trẻ cần tập trung tài chính cho cuộc sống mới. 

Đến ngày 8/12/2019, khi Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương tổ chức lễ cưới “văn minh - tiết kiệm” cho bốn cặp đôi là công nhân khó khăn, người khuyết tật nghèo - Kim Chi và Văn Quẹo mới chính thức được khoác lên mình bộ đồ cưới. 

Tôi hỏi vui: "Mắt của Quẹo không nhìn rõ, thì làm sao nấu cơm, làm sao đưa vợ đi chơi?". Anh chàng cười rồi thật thà trả lời: "Mình làm đôi chân sẽ chở Chi đi, cô ấy làm đôi mắt sẽ chỉ đường và mô tả cho Quẹo mọi sự vật xung quanh”. 

Những ngày đầu hai vợ chồng về với nhau, khó khăn chồng chất khó khăn. Kim Chi - Văn Quẹo gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười vì chưa hiểu ý nhau. Kim Chi kể, có lần cô đang mời vé số, quay lại thấy chồng sắp đẩy xe lăn tông thẳng vào trụ điện, cô hốt hoảng la lớn: "Anh ơi, cây cột!", nhưng anh lại nghe thành "con cọp", vội vã quay xe lăn ngược lại rồi đẩy chạy trối chết.

Hay lần khác, Quẹo không thấy đường nên không tránh được ổ gà, khiến vợ té luôn xuống hố. Không tiền không bạc nên vợ chồng không biết phải xoay xở thế nào ngoài việc cắn răng chịu đau cả tháng trời. May mắn trong một lần đi bán, Kim Chi gặp được Mạnh Thường Quân đưa cô vào bệnh viện khám chữa. Lúc đó cô mới biết mình bị gãy chân. Bó bột xong, vợ chồng lại tiếp tục cùng nhau rong ruổi khắp nẻo đường với xấp vé số trên tay mỗi ngày.

Hai đứa trẻ là kết quả tình yêu của Chi và Quẹo - Ảnh minh họa
Hai đứa trẻ dễ thương là kết quả tình yêu của Chi và Quẹo - Ảnh minh họa

Thời gian Chi mang bầu, Quẹo chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho vợ. Đi làm vất vả là vậy, nhưng về đến nhà, anh vẫn không ngần ngại bế vợ đi tắm, thay đồ cho vợ. Hễ vợ đau nhức là anh lại xoa bóp. Khi những đứa trẻ chào đời, gia đình hai bên mới bắt đầu chấp nhận mái ấm nhỏ kém may mắn nhưng tràn đầy tình yêu này. 

Bé gái đầu lòng của cặp đôi mang gen khiếm thị giống cha. Bé trai thứ hai may mắn được lành lặn và khỏe mạnh. Nhìn cả hai luôn nương tựa vào nhau dù cuộc sống của họ muôn phần khó khăn, cha mẹ hai bên vừa yên lòng, vừa xót xa muốn giúp đỡ, nhưng Kim Chi không nhận.

Cô khẳng định cuộc sống vợ chồng cô hiện tại khá ổn định, dẫu cực khổ, nhưng họ vẫn có thể tự chăm sóc nhau. Kim Chi cũng tâm niệm, phận làm con phải là người báo hiếu, bù đắp cho cha mẹ, chứ không nên để cha mẹ lo lắng thêm nữa.

Những câu chuyện cổ tích chỉ có trong tưởng tượng, thế nhưng chúng ta vẫn luôn có cách để tạo nên phép mầu cho chính cuộc sống của mình. Như cách mà Văn Quẹo và Kim Chi đã tìm thấy nhau, và dìu nhau đi qua những gian khó của cuộc đời. 

An Bình
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI