Cặp đôi hoàn hảo

03/07/2013 - 19:49

PNO - PN - Đa phần các cặp vợ chồng thường tránh làm chung một nơi vì cho rằng gặp nhau nhiều sẽ… “ngán”, lại còn bị mất tự do vì nhất cử, nhất động đều bị “đối phương” giám sát. Nhưng với vợ chồng bác sĩ (BS) Nguyễn Tri...

Tương đồng…

Hỏi cắc cớ: “Làm chung, học chung, hết giờ làm việc lại về chung một mái nhà, anh chị có sợ… gặp hoài sẽ chán?”, BS vợ dí dỏm: “Phải nói thêm là đi xe chung nữa mới đúng. Nhưng tới giờ thì vẫn chưa chịu chán”.

Tốt nghiệp đại học Y năm 2001, về làm việc tại quê không lâu, BS Linh được BV Bạc Liêu cử lên BV Chợ Rẫy học thêm về cấp cứu tim mạch tại Khoa Nội tim mạch. Thời gian này, BS Thức cũng đang học lớp cử nhân quản lý hành chính nhà nước nên dù cùng ở một khoa nhưng suốt sáu tháng học ở đây, BS Linh chỉ được biết BS Thức qua chữ ký trong các hồ sơ bệnh án của bệnh nhân chứ chưa một lần gặp mặt.

Có lẽ số phận sắp đặt họ là của nhau nên đêm trực cuối cùng ở BV Chợ Rẫy, BS Linh đã được xếp chung ca trực với BS Thức. Từ buổi ấy, họ dần yêu nhau và thành vợ chồng, dù để đến được với nhau, họ phải trải qua không ít khó khăn, thử thách. Thách thức lớn nhất là lần mẹ chị gọi anh ra “trao đổi” riêng: “Có lẽ con nên tìm người hợp với điều kiện, hoàn cảnh của con hơn là đến với Linh. Chú mất sớm, nhà chỉ còn ba mẹ con nương tựa nhau. Nếu con mang Linh đi cô sẽ rất hụt hẫng”.

Không chỉ mình anh buồn, chị cũng bị dao động. Cha mất đột ngột khi đang học đại học năm thứ hai, nhà chỉ còn mẹ và đứa em nhỏ hơn chị đến 17 tuổi, chị trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả nhà. Mẹ mong ngày chị tốt nghiệp sẽ về quê, ba mẹ con đùm bọc nhau… “Tôi nhớ hoài câu nói của anh lúc đó: “Tụi mình phải cố gắng để giữ gìn tình cảm của hai đứa. Nếu buông xuôi có thể mình sẽ không còn cơ hội để tìm lại một tình yêu như mình đã có”. Nếu không có câu nói đó của anh, có lẽ tôi đã không đủ sự bền bỉ để theo đuổi đến cùng tình yêu của mình”, BS Linh nhớ lại.

Ở cách nhau hơn 300 cây số, nhưng càng lúc họ càng phát hiện ra ở nhau những điểm tương đồng trong suy nghĩ, quan niệm sống, trách nhiệm với công việc, với gia đình… Cứ tưởng đời sống sau hôn nhân sẽ êm ả, nhất là khi họ đã phải làm vợ chồng Ngâu gần hai năm. Sinh con đầu lòng được sáu tháng, chị may mắn được nhận vào học việc ở BV Chợ Rẫy. Thời điểm tưởng chừng là hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng trẻ lại là lúc phát sinh mâu thuẫn nhiều nhất.

…Và khác biệt

Mãi tới khi đó chị mới phát hiện giữa anh và chị có một khác biệt rất lớn. Anh là con trai một trong gia đình. Nhà không quá giàu nhưng đủ để đáp ứng cho anh tất cả mọi nhu cầu. Anh đi làm, lương chỉ để tiêu xài cá nhân. Mọi thứ đã có ba mẹ lo. Ngược lại, chị là con gái lớn của một gia đình khá khó khăn, phải gánh trách nhiệm lo toan. Lấy vợ, có con rồi anh vẫn “vô lo” vì ba mẹ sẵn sàng bảo bọc. Vợ chân ướt, chân ráo lên TP học việc không ăn lương nhưng chồng vẫn cứ mải mê làm công tác Đoàn, hết giờ làm việc là biền biệt với những kế hoạch. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó. “Ai cũng có cái tôi của mình nhưng khi đã có gia đình, mọi thứ phải thay đổi để thích nghi. Chúng tôi phải học cách chấp nhận và thay đổi bản thân”, chị chia sẻ. Chị phải làm quen với nếp sống, cách suy nghĩ của ông chồng là dân thành phố, lại là con cưng trong gia đình. Ngược lại, anh cũng phải thay đổi, “tập” bớt bạn bè, bớt la cà cà phê, bỏ thuốc lá để chứng minh cho vợ thấy mình đang dần thích nghi.

Hỏi vui: “Vậy là từ đó anh chị hết… cãi nhau?”. Anh chị cười giòn: “Chén trong sóng còn khua, huống gì vợ chồng!”. “Vậy khi chiến tranh bùng nổ, ai là người phải dừng trước?”. Chị đáp không do dự: “Điều đó phải ở cả hai phía. Mỗi người phải biết quan sát tình thế để tự kiềm chế bản thân, đừng để mọi việc đi quá xa. Chúng tôi quan niệm tranh cãi là để tìm được cái đúng, cái sai chứ không phải tranh cãi để mình giành chiến thắng. Trong mọi chuyện, khi cuộc tranh cãi không ngã ngũ thì… sẽ lấy ý kiến của anh”.

Không kịp để người đối diện ngạc nhiên, chị đỡ lời: “Sống với chồng phải hiểu tính chồng. Nếu tôi không biết tự điều chỉnh mình, mọi việc có thể sẽ xảy ra theo chiều hướng xấu hơn và sẽ ảnh hưởng tới con cái, tới gia đình lớn vì chúng tôi vẫn đang sống chung với gia đình anh. Nhưng, sự im lặng của tôi ở đây không có nghĩa là hoàn toàn thỏa hiệp. Tôi vẫn đang chờ anh chứng minh quan điểm, quyết định của mình bằng những điều cụ thể trong thực tế. Bản thân tôi cũng không chấp nhận một người chồng thiếu chính kiến, thiếu quan điểm, lúc nào cũng chỉ biết chiều ý vợ”.

Sau hơn 10 năm yêu nhau và chung sống, con gái giờ đã lên chín, con trai cũng đã bốn tuổi. Tình yêu còn có lợi thế là cùng nghề để đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, trong cuộc sống. Vợ là bác sĩ cơ xương khớp, chồng chuyên về nội tim mạch, “cơ duyên” đã khéo léo sắp xếp để họ luôn “cần có nhau” cả trong công việc. Ở người lớn tuổi, tim mạch và khớp là hai khoa có liên quan mật thiết với nhau. Nhiều lần trực đêm, gặp những bệnh nhân trở nặng có liên quan đến tim mạch, chị đã gọi điện thoại nhờ chồng cho ý kiến để kịp thời xử trí cấp cứu. Ngược lại, bệnh nhân của anh, nếu nghi ngờ có những vấn đề liên quan đến xương khớp, anh lại gọi điện nhờ vợ tư vấn...

Quá hiểu những áp lực và giờ giấc làm việc thất thường của ngành y nên chuyện vợ hay chồng về nhà trễ hơn giờ quy định không bao giờ làm người kia bực bội, khó chịu. Trái lại, người được về sớm sẽ hiểu vợ (chồng) mình vừa trải qua khoảng thời gian bận rộn, áp lực vì có bệnh nhân trở nặng hay vừa phải xử lý một ca cấp cứu… Chỉ một lời hỏi thăm nhẹ nhàng, một ly nước mát vào lúc ấy đủ để người được nhận cảm thấy gia đình chính là nơi yên bình, yêu thương nhất trong cuộc đời mình.

 Thảo Vân 

Kỳ tới: ghiền... về nhà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI