“Anh em hiếu thảo thuận hiền” thì việc gì khó cũng xong
Người viết bài may mắn là một trong những gương mặt đầu tiên “xông đất” ngôi nhà mới xây còn thơm mùi sơn ở đường Lương Ngọc Quyến (TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), nơi mẹ anh Nguyễn Hữu Duy – Nguyễn Hữu Dương sống.
|
Cả nhà vui chơi cuối tuần tại SoHa Garden - Ảnh: Diệu Hiền |
Những lọn khói trắng đục, thơm lừng bốc lên từ nồi lẩu gà lá é cay nồng tuyệt ngon của gia chủ khơi nguồn cho những câu chuyện ngày xưa, thời còn khổ cực, khó khăn, chia cách. Mấy anh em vất vả ở nhà trọ, vừa đi học vừa đi làm thuê, tối vừa ngủ vừa canh cửa hàng, tích cóp nhiều năm mới mua được nhà.
Từ nguồn vốn của ông bà nhạc cho mượn và một ít tự tích lũy, năm 2006, vợ chồng anh Hữu Dương - chị Khưu Hoàng Mỹ Linh thuê mặt bằng nhỏ chỉ hai mươi mấy m2 ở chợ Phan Rang để bán kim khí điện máy. Chữ lót của tên vợ được ghép vào tên chồng thành thương hiệu Hoàng Dương.
Áp lực kinh doanh khiến đôi vợ chồng phải làm quần quật từ mờ sáng đến tận khuya. Lúc nhỏ phụ giúp mẹ buôn bán nông thủy sản 2 chiều Đà Lạt - Phan Rang nhưng sang lĩnh vực này hoàn toàn mới mẻ, chị Mỹ Linh phải vừa làm vừa học hỏi. Cửa hàng mới ra đời đã thu hút khách hàng, công việc càng thêm tất bật. Các anh em 2 gia đình cùng xắn tay phụ giúp. Đang học kế toán ở Bình Dương, cô út Khưu Hoàng Tiểu Thư quyết định tạm gác lại chương trình, về Phan Rang đỡ đần việc kinh doanh và nên duyên với anh Hữu Duy. Năm 2008, 2 cặp vợ chồng chính thức kết hợp và thương hiệu Hoàng Duy Dương ra đời.
Trong công việc, 4 người luôn bàn bạc, đi đến thống nhất để cùng thực hiện, chấp nhận mua bài học bằng thất bại, không chê trách, đổ lỗi cho người khác. Góp vốn bằng nhau nhưng nếu ai có hơn hay kém một chút cũng không quan trọng. Mỗi người lo một mảng, tùy sở trường.
Anh Hữu Dương hiện là ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận, được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam năm 2022. Anh chuyên lo về pháp lý, chiến lược kinh doanh cho Hoàng Duy Dương. Anh Hữu Duy lo về ngoại giao với đối tác. Chị Tiểu Thư năng động, sôi nổi, có khiếu văn thể mỹ nên “chuyên trị” các hoạt động quảng bá, khuyến mãi. Còn về mỹ thuật hay quản lý, không ai qua chị Mỹ Linh với sự chín chắn, nhạy bén, sâu sắc. Với quy mô bề thế tại góc chợ Phan Rang, Hoàng Duy Dương đã phát triển thành trung tâm điện máy, sử dụng hàng chục lao động, tạo được uy tín đối với người dân địa phương.
Vào cuối tuần hay các ngày lễ tết, đại gia đình cùng “đổ bộ” về Công ty TNHH Du lịch Soha (kinh doanh điểm dừng chân và du lịch tham quan đồi cát Mũi Dinh ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Cả nhà chăm sóc, thu hoạch cây trái, trang hoàng các tiểu cảnh, chơi thể thao, cho các bé tập nhảy và chuyện trò với dân địa phương, du khách.
|
Cả nhà vui chơi cuối tuần tại SoHa Garden - Ảnh: Diệu Hiền |
Với khuôn viên rộng 1.000m2 xanh thắm với giàn hoa giấy, hoa sứ, dừa, chuối, táo, nho…, Soha Garden là cái chấm xanh rờn, dịu mát bên cạnh “tiểu sa mạc” Sơn Hải với đồi cát vàng trải dài ngút ngàn và mặt cát nóng hằng năm trên 300 ngày “nắng rang”. Cả nhà đều mê trồng cây nên mày mò nghiên cứu phương pháp trồng cây trên sa mạc và được người cậu là kỹ sư nông nghiệp tư vấn hỗ trợ.
2 gia đình thường đi đó đây, thu thập những cái hay, cái lạ ở các nơi đem về phục vụ cho người Ninh Thuận. Niềm vui chung của đại gia đình là tổ chức du lịch dã ngoại cùng nhau hay tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người dân nghèo, trẻ mồ côi ở địa phương.
Mối duyên lành của cặp đôi doanh nhân trè
Chuyện hi hữu “2 nhà kia làm sui 2 lần, 2 anh em trai sinh đôi cưới 2 chị em ruột” từng trở thành đề tài bất tận nơi từng góc phố, bến tàu ở thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (nay là TP Phan Rang - Tháp Chàm), tỉnh Ninh Thuận. Đến nỗi một lần đại gia đình kéo nhau đi cà phê, vô tình gặp lúc nhóm khách bên cạnh đang bàn tán và cười rôm rả, cô chị Khưu Hoàng Mỹ Linh khều cô em Khưu Hoàng Tiểu Thư, bỏ nhỏ: “Người ta đang nói chuyện nhà mình kìa! Hi hi”.
Hè năm lớp Mười, năm 2004, cô em Tiểu Thư đi học tiếng Hoa ở trung tâm thì được anh Nguyễn Hữu Duy học cùng lớp “chọn mặt gửi… tập” nhờ chép bài giùm. Trên đường đến trường, Tiểu Thư phải đi ngang qua cửa hàng kim khí điện máy nơi Hữu Duy đứng bán nên có lần bị chặn đường để… xin số điện thoại. Một lần, đôi bạn đưa nhau đi ăn bánh xèo ở một quán xa nhà, bị phát hiện. Tiểu Thư bị ba đánh đòn te tua còn mẹ lại phân giải, vỗ về: “Con nên chú tâm vào việc học, xong lớp Mười hai rồi hãy yêu”.
|
Vợ chồng anh chị Hữu Dương - Mỹ Linh (bên phải) và vợ chồng anh Hữu Duy - chị Tiểu Thư đưa các con đi du lịch tại TP Huế - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Khi tôi đã học xong lớp Mười hai, biết 2 đứa vẫn âm thầm qua lại, mẹ tôi cho phép đưa bạn trai về ra mắt. Tưởng anh Duy mừng, nào ngờ anh lại… run nên dẫn theo em song sinh là anh Hữu Dương. Rồi nhân vật hộ tống này gặp chị Mỹ Linh thì “kết” liền. Thời điểm đó, chị Mỹ Linh đi học đại học ở Đà Lạt mới về nhà ăn tết. Đến đây, tôi xin nhường lời cho chị Linh kể tiếp” - chị Tiểu Thư hài hước nói và chỉ tay về phía chị Mỹ Linh.
Tất bật phục vụ khách du lịch tại Soha Garden, chị Mỹ Linh tươi cười đáp lời: “Còn kể gì nữa. Nhìn 6 đứa trẻ, mỗi cặp 3 đứa là biết rồi…”. Anh Hữu Dương đang chăm sóc cây kiểng ở các tiểu cảnh của quán cũng buông thùng tưới, tiến lại nhập cuộc. Anh tếu táo choàng vai chị Mỹ Linh và giới thiệu: “Đây là chị của… chị dâu tui nè!”.
Anh trai quen cô em, em trai quen cô chị, ban đầu, 2 nhà định tổ chức đám cưới chung cho cả 2 cặp nhưng không chọn được ngày phù hợp. Thế là chỉ 4 tháng sau đám cưới Linh - Dương là đến đám hỏi của Thư - Duy và 3 tháng sau thì cưới. Các dịch vụ xe cộ, nấu tiệc và cả ê kíp bưng mâm cho cô em cũng được “sao y” từ cô chị. Khi làm lễ, không khí trang nghiêm, e dè vốn có ở mọi đám cưới được thay bằng sự cởi mở, vui nhộn nơi đây. Ông trưởng tộc cũng lướt qua thủ tục giới thiệu vì 2 họ đều đã quen biết thân tình.
|
Anh Hữu Dương - chị Mỹ Linh cùng các con - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Anh Hữu Duy chia sẻ: “Việc làm dâu, làm rể chung nhà cũng giúp bộ tứ và cả đại gia đình chúng tôi gắn kết, hiểu nhau, hỗ trợ và nương tựa nhau vượt qua thử thách, cùng vươn tới những mục tiêu của mình. Đó là khi chúng tôi không câu nệ con ruột hay cháu, ba mẹ ruột hay ba mẹ vợ/chồng, cứ thay phiên nhau chăm sóc khi ốm đau, sinh nở, bên cạnh nhau san sẻ buồn vui”.
Đối với 2 nhà, tất cả là của chung: ba chung, mẹ chung, phòng chung, đồ chơi chung, xe cộ chung… Nhiệm vụ mỗi tối là 2 người mẹ kiểm tra “quân số”. Dù ở nhà mẹ Linh - ba Dương hay mẹ Thư - ba Duy, miễn tổng số đủ 6 bé là được (2 nhà chỉ cách nhau 1 căn). Mẹ Linh được xem là nội tướng của các con với phương pháp nghiêm khắc; thường phân tích, hướng dẫn cặn kẽ để các con xây dựng thói quen tốt.
Mơ mái nhà đôi Chị Mỹ Linh rồi Tiểu Thư đều thổ lộ mơ ước xây một mái nhà đôi để cả đại gia đình quy tụ. Nơi đó có ông bà nội ngoại, con cháu; có không gian sinh hoạt chung ở giữa lẫn phòng riêng cho từng người. Mỗi sáng, những mái đầu bạc sẽ mở cửa, chào tạm biệt con cháu đi học, đi làm; hẹn sẽ cùng nhau quây quần vào bữa cơm chung khi mặt trời đứng bóng hay lúc ngày tàn. Mái nhà đôi ấy trong tưởng tượng của chị Mỹ Linh, Tiểu Thư và mọi người hẳn có màu sắc, kiến trúc khác nhau nhưng luôn chung không khí nồng ấm, vui vầy. Hoài Nhân |
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh). Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng. Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn. Điện thoại: 0966182727. |
Tô Diệu Hiền