Cấp cứu tuyển sinh hay bắc thang gõ cửa nhà giời?

25/08/2015 - 06:39

PNO - 18 tuổi, cứ thử làm an lòng phụ huynh để được bước ra đời một mình xem, khó hơn cả việc Canada làm thang máy không gian gõ cửa nhà giời.

Cap cuu tuyen sinh hay bac thang go cua nha gioi?
Xe cấp cứu 115 Hà Tĩnh bất đắc dĩ đưa thí sinh đi rút, nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Ảnh: Lao động.

Khi những chộn rộn ồn ào đã tạm thời lắng xuống, “trò chơi chứng khoán tuyển sinh” như cách thậm xưng của dư luận đang hạ màn, bỗng xuất hiện chất vấn cắc cớ về cái sự độc lập của những thanh niên 18 tuổi-tuổi chính thức phải chịu trách nhiệm về các hành vi sống của mình trước luật pháp.

Trong một bài báo được đăng tải mới đây, một vị hiệu trưởng trường cấp 3 ở Hà Nội đã phân tích, thí sinh đã biết số điểm, biết thông tin tuyển sinh của các trường, các em hoàn toàn có thể lựa chọn một trường đại học phù hợp với mức điểm mình đạt được để có khả năng đỗ cao. Mặt khác, việc xếp hàng vài tiếng đồng hồ để nộp hồ sơ đâu phải chuyện quá cực nhọc mà kêu mệt? Ở Nhật Bản, Singapore hay Mỹ, có khi thí sinh phải xếp hàng cả ngày mà vẫn phải chấp nhận.

Như vậy, theo vị hiệu trưởng này, nếu những ông, bà cử tương lai cân nhắc kỹ lưỡng, các em chỉ cần đi nộp hồ sơ một lần, giảm thiểu sự thấp thỏm và công sức của bản thân và cả gia đình. Cứ theo lý đó mà suy thì hiện tượng trò chơi chứng khoán tuyển sinh là do các cậu ấm, cô chiêu buộc phụ huynh cùng lao vào vòng xoáy may rủi.

Nghe qua cũng có vẻ bùi tai nhưng nghĩ kỹ thì té ra ông thầy Ta đang nói chuyện trời Tây. Ôi chao, khó quá. Ai đời 18 tuổi mà đòi phải độc lập quyết định, phải biết cân nhắc lựa chọn tương lai cứ như thể những kẻ đồng trang đồng lứa xa tít tận trời Tây: đến tuổi phải ra ở riêng, phải vay tiền học đại học, tự lượng sức mình để quyết định sẽ theo học ngành gì cho phù hợp?

Quá ư là khó! Rất chi là lý thuyết suông, xa rời thực tiễn sống động! Xin thưa với các quý ông, quý bà rằng ở cái xứ tây phương chưa chắc đã cực lạc ấy họ lạnh lùng quá, họ không biết đến câu “nước mắt chảy xuôi”, không biết xót con nên mới xảy ra cái chuyện con cái trưởng thành độc lập và tự lập sớm như vậy. Ở Việt Nam ta thì không đời nào nhé.

Cách đây không lâu, khi một tờ báo nổi tiếng ở TP.HCM đặt ra tranh luận, 18 tuổi có nên ngồi sau lưng cha mẹ, tất cả các bậc phụ huynh được phỏng vấn đều cho rằng đó là việc...hiển nhiên. Đã làm cha làm mẹ thì phải yêu chiều con cái, phải phụng dưỡng con cái, chu toàn mọi nhẽ. Con mình đẻ ra cơ mà nên đương nhiên là thế, hiển nhiên phải thế, không thể khác được! 

Hay ở Hà Tĩnh, chỉ cách đây mấy hôm thôi, một gia đình đã thuê hẳn một chiếc xe cứu thương để chở con lên Hà Nội rút hồ sơ Học viện An Ninh nộp sang ĐH Bách Khoa. Cậu con trai đạt kết quả thi tương đối cao, 25.75 điểm nhưng để chắc chắn đỗ, gia đình đã thay đổi ‘ước mơ’ của cậu con trai vào phút chót mà dường như chẳng vấp phải sự kháng cự nào.

Con cái có ước mơ của chúng nhưng phụ huynh cũng có ước mơ của phụ huynh chứ? Nếu ước mơ của con cái chưa được hợp lý lắm, chưa sát với thực tiễn sống động-cái này thì chắc như cua gạch rồi- thì phụ huynh chúng ta phải thay đổi ước mơ của con cái, chính xác hơn là ước mơ hộ chúng luôn cho nhanh, cho tiện!

Các bạn xứ Tây đừng nghe thế mà nhếch mép cười thanh niên đất nước chúng tôi. Tôi cam đoan một trăm phần trăm rằng nếu các bạn có phúc được sinh ra và sống ở giữa chúng tôi thì các bạn cũng sẽ không thèm trưởng thành, không thèm tự lập làm gì cho khổ cái thân! 

Đây nhé, cũng chính trong cuộc khảo sát đáng ghi nhận đã nói ở trên, một phụ huynh đã khẳng định chắc như đinh đóng cột, “lý do tôi vẫn bảo bọc con đến giờ này một phần do truyền thống, một phần tôi không yên tâm khi báo chí đã phản ánh nhiều về những việc như mưa gió, cây ngã đổ, bắt cóc, tai nạn giao thông... Chỉ khi nào tốt nghiệp đại học, có việc làm hẳn hoi gia đình mới để cho hai con hoàn toàn tự lập”.

Các bạn cứ thử làm an lòng phụ huynh chúng tôi để được bước ra đời một mình xem, khó hơn cả việc Canada làm thang máy không gian, gõ cửa nhà giời ấy chứ!

Nhân đây, người viết bài này xin mạo muội được đề xuất, liệu Việt Nam có nên thí điểm cấp quyền trẻ em đặc biệt cho những công dân có nguyện vọng? Với quyền này, họ sẽ được quyết định trở thành người trưởng thành ở bất kỳ lứa tuổi nào mà họ muốn. Rõ ràng, sự trưởng thành đâu có mang lại vinh dự gì đặc biệt, trong khi những nụ cười con trẻ chắc chắn sẽ được coi là niềm vui hạnh phúc.

Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI