Gần 3 tháng sau khi xảy ra thảm họa cháy chung cư Carina, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ và lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để rút kinh nghiệm trong cấp cứu thảm họa. Trong những câu chuyện được sẻ chia, vấn đề nhạc trưởng – người chỉ huy, chịu trách nhiệm chính trong công tác cấp cứu thảm họa được đặt ra vì nó quá mờ nhạt.
Người chỉ huy cao nhất ở hiện trường chỉ là một điều dưỡng
|
Nạn nhân vụ Carina cấp cứu tại BV Nguyễn Tri Phương |
Vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TP.HCM) chắc chắn là một thảm họa. Nó xảy ra vào đúng thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới.
Trong thảm họa Carina, thực tế cho thấy lực lượng trực tiếp chỉ huy cấp cứu là ê kíp của Trung tâm cấp cứu 115 mà người chỉ huy cao nhất ở hiện trường là một nam điều dưỡng viên của kíp trực rạng sáng ngày 23/3.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, Trưởng phòng điều hành, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho biết: “Lúc 1h40 phút ngày 23/3/2018, người dân gọi đến Trung tâm 115 yêu cầu cấp cứu trường hợp cháy chung cư Carina ở đường Võ Văn Kiệt, quận 8. Nhóm trực cử ngay một chiếc xe cứu thương đến hiện trường vào lúc 1h55 phút. Lúc đến nơi, người dân tự di chuyển ra khỏi tòa nhà và một nạn nhân rơi từ tầng cao xuống”.
Lúc này, bác sĩ lo cấp cứu bệnh nhân trên xe 115 và chỉ còn điều dưỡng có mặt ở hiện trường báo cáo trực tiếp về cho bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh tìm cách ứng cứu.
Còn bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho hay ông chỉ biết tin vụ cháy từ người nhà của ông. Bác sĩ Nghiệm nghe được câu chuyện nên chủ động tìm hiểu thông tin vụ cháy và điều xe cứu thương đến hiện trường, chứ không nhận được chỉ đạo từ Sở Y tế.
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người đầu tiên biết tin về thảm họa là các bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu. Họ biết thông tin qua lời kể từ mẹ một nạn nhân vụ cháy được đưa vào cấp cứu. Theo bác sĩ Vũ Dzuy, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, khi biết tin cháy chung cư, bác sĩ trực đã gọi điện thoại cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy để xác minh thông tin. Sau đó, báo cáo với bác sĩ trực lãnh đạo và sơ tán bớt bệnh nhân cũ để chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân của vụ cháy.
|
Một nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy Carina tại Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương |
Trong rạng sáng ngày 23/3, 8 chiếc xe cấp cứu chạy như con thoi để đưa 13 thi thể về các nhà xác tại Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; đưa 40 người bị thương về Bệnh viện quận 6, Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Triều An, Nhi đồng 1. Nhưng dường như vẫn không xuể.
Có hàng chục nạn nhân khác đã tự đón xe taxi tự mình đi cấp cứu đến các bệnh viện như Chợ Rẫy, Triều An, Nguyễn Tri Phương, Quốc tế city. Theo bác sĩ Trần Quang Bính, Phó giám đốc Bệnh viện Quốc tế city, có khoảng 19 nạn nhân trong vụ cháy Carina đã tự tìm đến bệnh viện để được cấp cứu.
Như vậy, chỉ có người dân nhập viện đến bệnh viện nào thì nơi đó mới biết có vụ cháy xảy ra. Rõ ràng, qua thực tế vụ cháy chung cư Carina, vai trò của người chỉ huy, người điều phối việc cấp cứu còn quá mờ nhạt.
Ai là người chỉ huy cấp cứu thảm họa ?
Ai đủ thực quyền để gánh vác trách nhiệm này ? Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người chịu trách nhiệm cao nhất trong chỉ huy cấp cứu thảm họa phải là giám đốc Sở Y tế. Tuy vậy, giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM dù nhận được lời mời đến buổi tọa đàm nhưng cũng không có mặt.
PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: "Trong cấp cứu thảm họa, người chỉ huy là quan trọng nhất: để nắm tình hình, điều phối và phát ngôn chính xác với truyền thông để tránh hoang mang cho người dân. Trong vụ cháy chung cư Carina, cơ chế phối hợp có vấn đề khi không nhận diện được người chỉ huy. Nếu phối hợp tốt, chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian và cứu được nhiều người".
|
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương |
Và quan trọng nhất là người điều phối có thể nhận định được ưu tiên chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa nào, bệnh viện nào.
Theo các bác sĩ, trong các bệnh viện tuyến thành phố, chỉ có vài bệnh viện có chuyên khoa bỏng, và cũng thiếu nhân sự có kỹ năng nội soi phế quản. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết với những nạn nhân bị bỏng đường hô hấp, nếu được nội soi hút khói bụi sớm khi mới vào cấp cứu sẽ cứu sống được nhiều người hơn. Do đó, theo bác sĩ Ngọc, nếu các nạn nhân vụ cháy được đưa vào các bệnh viện không có khoa bỏng hoặc không có lực lượng bác sĩ trực cấp cứu nội soi thì sau đó phải chuyển sang bệnh viện tuyến trên sẽ mất nhiều thời gian để cấp cứu.
Chính vì thiếu người chỉ huy vụ thảm họa Carina nên dù Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng và đủ điều kiện về trang thiết bị và nhân sự để cứu chữa nhưng bệnh viện đã không nhận được yêu cầu hỗ trợ bác sĩ cấp cứu tại hiện trường vụ cháy chung cư Carina.
Trong khi nhiều năm trước, các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy luôn có mặt ở những điểm nóng thảm họa như vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007), sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng (năm 2014)…
|
Trong các nạn nhân vụ cháy Carina, có ít nhất 10 người bị bỏng đường hô hấp và có thể tử vong nếu không kịp thời nội soi phế quản hút khói bụi ra bên ngoài |
Phó giáo sư Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng các bệnh viện cần phải đoàn kết lại để chung tay cấp cứu người bệnh. Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng tham gia cứu nạn, kể cả khi nhận được yêu cầu tác nghiệp bên trong hiện trường cùng với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, Phó phòng cứu hộ cứu nạn, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM cho biết khi xảy ra cháy lớn, tại hiện trường phải thành lập ban chỉ huy chữa cháy. Lúc này, chỉ huy hiện trường là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy; đồng thời đặt một bàn chỉ huy và treo cờ để dễ nhận diện.
Ông Tuấn cũng cho biết có quy chế phối hợp khi xảy ra thảm họa nhưng chủ yếu là tập trung phối hợp với các bệnh viện ở quận huyện, chưa chú trọng phối hợp với các bệnh viện lớn tại TP.HCM. Đây là thiếu sót và sẽ xin ý kiến về phối hợp với các bệnh viện tuyến trên tại TP.HCM.
|
Hiếu Nguyễn