Cấp cứu hàng loạt bệnh nhân nguy kịch sau gai chọc, đinh đâm

31/07/2024 - 15:30

PNO - Chỉ trong 1 thời gian ngắn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cấp cứu gần chục bệnh nhân nguy kịch do gai chọc, đinh đâm... dẫn đến uốn ván.

Một bệnh nhân
Một bệnh nhân uốn ván phải cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Một tháng trước, ông N.T.P. (66 tuổi, Hải Dương) bị gai đâm vào chân và tự xử lý tại nhà. Nghĩ vết thương nhỏ, ông chủ quan không tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên, sau đó, bệnh có biểu hiện nặng hơn. Ông cứng hàm, khó nuốt, nên nhập viện điều trị. Sau đó, bệnh tiến triển co cứng cơ toàn thân, suy hô hấp, phải đặt ống và thở máy.

Tương tự, ông P.H.K. (44 tuổi, Thanh Hóa) bị đinh đâm vào chân 2 tuần trước khi vào viện. Bệnh nhân cũng không tiêm phòng uốn ván và tự vệ sinh tại nhà. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện cứng hàm, khó há miệng, khó ăn uống và co cứng cơ toàn thân, phải nhập viện điều trị và ăn qua ống thông.

Bị mảnh gỗ đâm vào ngón tay phải và tự xử lý bằng nước và băng cá nhân, dẫn đến vết thương mưng mủ, bệnh nhân N.T.H (65 tuổi ở Bắc Ninh) đã đến khám tại cơ sở y tế trong tình trạng khó há miệng, cứng hàm. Sau đó, bệnh nhân này được giới thiệu đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc uốn ván mức độ nặng.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H., bác sĩ Nguyễn Đức Minh, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, bệnh nhân bị co giật liên tục dẫn đến tình trạng tiêu cơ vân cấp, gây tắc ống thận và suy thận. Bệnh nhân đã phải lọc máu do suy thận, kết hợp với kiểm soát an thần, kiểm soát tình trạng co giật bằng nhiều loại thuốc an thần, giãn cơ, giảm đau khác nhau và sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn…

Thời gian qua, theo bác sĩ Nguyễn Đức Minh, đơn vị này đã cấp cứu gần chục ca bệnh nặng chỉ do đinh, gai, dị vật đâm phải. Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa tiêm phòng và đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà không triệt để, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, khó nuốt, co cứng toàn thân, bệnh nhân mới nhập viện điều trị.

Các bác sĩ cho hay, ban đầu, bệnh nhân mắc uốn ván có biểu hiện cứng hàm, khó há miệng sau đó lan xuống các cơ khiến bệnh nhân không thể đi lại được. Trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến co giật cứng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp và nhanh chóng tử vong do ngực bị chẹn cứng, gãy xương, đứt cơ.

Thời gian ủ bệnh uốn ván kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Vì vậy người dân cần chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở. Việc tự xử lý vết thương tại nhà có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI