"Cấp cứu" da môi bị cháy nắng, bong tróc

29/06/2023 - 19:54

PNO - Đôi môi bị cháy nắng thường do tiếp xúc với tia UV có hại mà không được bảo vệ sẽ dẫn đến tình trạng đau, sưng tấy và bong tróc.

Một số người thường không dùng loại son có chức năng chống nắng ở môi vì có tô son màu hoặc son bóng. Tuy nhiên, các tia UV có hại sẽ xuyên qua sản phẩm này nếu không có khả năng chống nắng sẽ khiến da môi bị cháy nắng, sưng tấy, bong tróc. Môi bị cháy nắng nhẹ thường kéo dài 3-5 ngày. 

Cách điều trị môi bị cháy nắng

1. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước có thể giúp giảm khô và viêm, thúc đẩy quá trình lành bệnh. Đặc biệt, trong những ngày hè nóng nực, uống đủ nước không chỉ giúp duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể mà còn làm đôi môi ẩm mượt hơn. 

2. Chườm lạnh

Hãy dùng một miếng gạc ướp trong nước đá đặt nhẹ lên vùng da bị tổn thương. Đây là cách nhanh nhất để hạ nhiệt cho da môi và giảm nhẹ tình trạng sưng tấy. Bên cạnh đó, khi bị cháy nắng, da có xu hướng bị mất nước, vì vậy hãy đảm bảo bạn uống đủ nước để làm mát cơ thể từ bên trong.

3. Nha đam

Gel nha đam có thể giúp giảm đau do cháy nắng ở môi hay bất cứ vùng nào bị cháy nắng trên cơ thể. Bạn có thể thay thế bằng các loại kem chiết xuất 100% nha đam để tránh kích ứng.

4. Dưỡng ẩm

Đặc biệt vào ban đêm khi da đang trong quá trình phục hồi đừng quên dưỡng ẩm cho môi. Khi môi bị tổn thương, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa dầu khoáng như Vaseline, bởi chúng sẽ khiến da bị bí tắc, từ đó kéo dài thời gian bỏng cũng như các triệu chứng đau rát. Chỉ nên dưỡng ẩm cho môi bằng các nguyên liệu tự nhiên như dầu dừa, mật ong...

Cách bảo vệ môi khỏi cháy nắng

1. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Dù thỏa sức tận hưởng kỳ nghỉ hè bất tận nhưng bạn đừng quên trang bị cho mình khẩu trang, nón mũ để bảo vệ da mặt và da môi khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt.

2. Thoa son chống nắng

Hãy đầu tư một thỏi son dưỡng có chỉ số SPF 30+ vì bạn có thể sử dụng quanh năm, đặc biệt vào những ngày chỉ số tia UV cao. Nên dùng son chống nắng cho môi ít nhất 15 phút trước khi bạn ra ngoài và thoa lại sau khi bơi, đổ mồ hôi hoặc ăn uống.

3. Không nên thoa son bóng quá thường xuyên

Hạn chế sử dụng son bóng không màu, trừ khi chúng có lớp SPF chống nắng bên dưới. Bởi vì, kết cấu son trong suốt có xu hướng làm tăng sự thâm nhập của tia UV khiến da môi dễ bị cháy nắng.

Thu Vân (theo PW)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI