Cấp chủ quyền nhà, đất: "Một cửa nhiều khóa, một cổ nhiều tròng"

11/03/2020 - 14:15

PNO - Đó là ví von của luật sư Trương Thị Hòa trong Hội nghị lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường, do Hội đồng nhân dân TPHCM kết hợp Ủy ban MTTQVN TPHCM tổ chức sáng 11/3.

Tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho biết, trong quá trình giúp người dân xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà hay doanh nghiệp xin giao đất, cho thuê đất… thì thấy quá nhiều ách tắc.

“Trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, việc cập nhật sổ, cấp chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu nhà đất thuộc về Phòng đăng ký đất đai; tức là chỉ còn làm một cửa, người dân và doanh nghiệp chỉ nộp qua cửa này nhưng lại quá nhiêu khê” - ông Hậu nói.

Người dân vẫn ngao ngán với thủ tục hành chính, đặc biệt xin cấp quyền sở hữu, sử dụng nhà đất
Người dân vẫn ngao ngán với thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục xin cấp quyền sở hữu, sử dụng nhà đất

Theo ông Hậu, vướng mắc lớn nhất chính là khi cấp sổ cho dân, chính quyền phải tiến hành đo đạc bản đồ, xác định vị trí thửa đất thì phát hiện có tình trạng “cấp trùng chứng nhận quyền sử dụng”. Tòa án đã phải tổ chức rất nhiều phiên xử liên quan đến một thửa đất mà nhiều người sở hữu.

“Cái sai này đẩy cho ai?” - luật sư Hậu đặt vấn đề.

Lý giải nguyên nhân, ông Hậu cho rằng, do người dân mua bán đất bằng giấy tay, dẫn đến một thửa đất bán cho rất nhiều người. Sau đó, khi đo đạc bản đồ để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của dân, cán bộ… đo bằng mắt, “đứng một chỗ dùng tay đo” dẫn đến cấp chứng nhận thì đúng nhưng trên bản đồ thì lại trùng ranh.

“Chúng ta không thể đo bằng mắt, bằng tay mà nên đo bằng hệ thống công nghệ thông tin” - ông Hậu nêu giải pháp.

Cũng theo ông Hậu, doanh nghiệp khi có dự án căn hộ, người dân đã trả tiền mua nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người dân vẫn còn bất cập.

“Người dân đã trả tiền mua thì phải cấp chứng nhận sở hữu cho người ta; còn thủ tục hành chính với doanh nghiệp là của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp” - ông Hậu nói.

Liên quan đến sự nhập nhằng này, luật sư Hậu còn kể, chính quyền thường dừng cấp quyền sử dụng, sở hữu nhà đất khi phát hiện nhà đất đang có tranh chấp; mà không biết đó là tranh chấp gì dẫn đến sự khổ sở cho dân.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, cải cách thủ tục hướng đến một cửa nhưng đang có tình trạng một cửa nhiều khóa, một cổ nhiều tròng
Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội nghị

Đồng tình, luật sư Trương Thị Hòa ngao ngán: “Nói đến thủ tục hành chính ở Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM chính là nói đến cấp "giấy đỏ giấy hồng", một cửa mà nhiều khóa, một cổ nhưng nhiều tròng, hết sức khổ cho người dân”.

Bà Hòa đơn cử, một người dân có mảnh đất bị người khác lấn chiếm. Khi người dân này xin cấp chủ quyền thì cơ quan chức năng cho rằng đất đang bị lấn chiếm, tức có tranh chấp nên… không cấp.

“Xử lý lấn chiếm là chuyện của tòa án, còn người dân đó có đầy đủ giấy tờ thì phải cấp cho người ta chứ” - bà Hòa nói. Tương tự, đối với doanh nghiệp, bà Hòa cho hay, Nhà nước chỉ cần "bắt lỗi" doanh nghiệp làm dự án mà chưa xác định được lộ giới thì… treo mãi việc cấp chủ quyền cho cư dân.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Hòa kể, hàng loạt người dân đau khổ khi họ có đầy đủ giấy tờ để xin cấp chủ quyền cho thửa đất, song lại không có giấy tờ hợp pháp đối với tài sản trên đất khiến cơ quan chức năng chăm chăm vào tài sản trên đất để “bắt lỗi”, “treo” việc cấp quyền sử dụng đất cho người dân. 

Lý giải câu chuyện trên chính là sự nhập nhằng, chồng chéo giữa các văn bản, nghị định liên quan đến luật pháp, bà Hòa kiến nghị: “Nên có sự rạch ròi giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng để người dân bớt khổ, phải tới lui nhiều lần”.

giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng tại hội nghị sáng 12/3
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng tại hội nghị sáng 12/3

Ông Nguyễn Văn Hoàng, người dân ở quận 9 bức xúc: "Cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn hành là chính". Ông Hoàng kể, trước Tết Nguyên đán, ông có làm bộ thủ tục đóng thuế trước bạ nhà đất. Khi nộp hồ sơ ông được hẹn 15 ngày sau lấy nhưng khi lên nhận lại bị hẹn tiếp 15 ngày nữa chỉ vì một hạng mục rất nhỏ, cán bộ chỉ cần thông báo, viết vào giấy hẹn để bổ sung.

Liên quan đến câu chuyện cấp quyền sử dụng, sở hữu nhà đất cho các hộ dân, theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - thì ngày mai, 12/3, Sở sẽ tổ chức một hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn. Song song, ông Thắng cho biết, từ tháng 6/2015 đến nay, ngành đã cấp xấp xỉ 2,6 triệu chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp; trung bình 50-60 ngàn chứng nhận/ tháng.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM phát biểu tại hội nghị
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM - cho biết: “Không chỉ hội nghị hôm nay mà chúng tôi cũng đã tập hợp nhiều ý kiến của cử tri ở 24 quận, huyện thông qua tiếp xúc cử tri. Không thể phủ nhận thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường có rất nhiều cải tiến, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để cải cách thủ tục hành chính, nâng tỷ lệ diện tích đất cũng như hộ gia đình được cấp chủ quyền. Tuy nhiên, số chưa được giải quyết cũng rất lớn”.

Theo bà Châu, không phải người dân bức xúc chung chung mà có những vụ việc rất cụ thể, như trình độ năng lực của cán bộ, sự vô cảm của cán bộ với người dân cũng như là độ vênh của pháp luật, có rất nhiều chiều và nhận thức cũng không đồng đều. Vì vậy, người dân đến sở này thì rất vui vẻ nhưng đến sở kia thì lại khó khăn, đó cũng là những ý kiến hết sức thiết thực diễn ra trong đời sống hàng ngày của người dân.

“Nếu là tôi thì tôi cũng chưa hài lòng 100%. Do đó cần tiếp tục lắng nghe và cải cách tiếp để làm sao giảm sự bức xúc của người dân, nâng cao năng lực cán bộ. Đặc biệt là tính trách nhiệm của các sở ngành trong việc giải quyết hồ sơ cho người dân” – bà Châu nói.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI