Doanh nghiệp "khát" vốn
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là nơi sản xuất, xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái lớn nhất của cả nước. Thời gian qua, NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân trong tiếp cận tín dụng, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản. Ngày 5/12, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
|
Giá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đang giảm do các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về thị trường - Ảnh: H.L |
Cũng theo NHNN, tính đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng (NH) tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực. Cụ thể, huy động vốn đạt 718.905 tỉ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021; dư nợ đạt 955.451 tỉ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021; tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đạt dư nợ gần 540.000 tỉ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021…
Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng như, dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỉ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỉ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỉ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc… Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL là khá lớn.
Mặt được là vậy, song thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng nông thủy sản bị chựng lại, lượng hàng tồn kho ở các DN tăng cao… Nguyên nhân do ảnh hưởng của xung đột Nga và Ukraine, lạm phát trên thế giới… Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) - lo lắng: “Trong tháng 11/2022, tình hình xuất khẩu tôm của tập đoàn giảm tới hơn 50% so cùng kỳ. Hiện tại số lượng hàng tồn kho rất lớn và tập đoàn không còn nơi để chứa hàng. Nguyên nhân là do rất nhiều đối tác nhập khẩu tôm từ Nhật Bản, Mỹ và các nước trên thế giới hoãn thời gian nhận hàng do sức tiêu thụ chậm. Dự kiến số lượng tôm tồn kho phải đến khoảng giữa năm 2023 mới tiêu thụ hết. Tình hình trên buộc tập đoàn phải giảm thu mua tôm nguyên liệu cho nông dân ĐBSCL, từ đó giá tôm bị sụt giảm do Minh Phú là DN đầu đàn ở ĐBSCL trong việc thu mua tôm…”. Để giải quyết cấp bách tình trạng khó khăn trên, ông Lê Văn Quang kiến nghị NHNN xem xét gói tín dụng để hỗ trợ các DN trong việc thu mua tôm nguyên liệu cho nông dân ĐBSCL; nếu để bà con thua lỗ kéo dài thì họ sẽ treo ao, hết vốn nên không thể tái sản xuất được.
Ông Trần Văn Diệu - Giám đốc Công ty Thủy sản Thái Minh Long (Bạc Liêu) - chia sẻ: “Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khoảng 24%, với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 11 tỉ USD. Dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản cả nước phấn đấu từ 11-12 tỉ USD, như vậy các DN cần nguồn vốn tín dụng tăng khoảng 20% nhằm đảm bảo thu mua nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, để DN ngành tôm của ĐBSCL tăng sức cạnh tranh với các nước trên thế giới thì cần đầu tư mới về công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại… Vì vậy, các DN rất mong hệ thống NH quan tâm tăng vốn tín dụng cho DN”. Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (An Giang) - cho rằng: “Tình hình xuất khẩu thủy sản nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung đang gặp khó vào thời điểm cuối năm này, do những tác động của thế giới. Do đó, để “trợ lực” cho DN xuất khẩu, việc giảm lãi suất cho vay là cần thiết; nhưng quan trọng nhất vẫn là nhanh chóng khơi thông dòng vốn. Một khi có vốn thì DN mới thu mua nông thủy sản cho nông dân được…”.
Sẽ tập trung nguồn vốn cho xuất khẩu
Theo ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - dù thời gian qua hệ thống NH có quan tâm đầu tư cho nông nghiệp vùng ĐBSCL, song vẫn chưa tương xứng với tỉ trọng xuất khẩu về tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây… mà vùng ĐBSCL mang lại cho cả nước. Ông kỳ vọng thời gian tới, tỉ trọng vốn chảy vào nông nghiệp ĐBSCL sẽ nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó tổng giám đốc phụ trách NH Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - cho biết: “Chúng tôi sẽ dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỉ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay tiền đồng hiện hành đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL”. Lãnh đạo NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cam kết tăng cường hỗ trợ tín dụng cho DN xuất khẩu và nông dân ĐBSCL trong thời gian tới, với những gói ưu đãi theo quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các NH tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý. Tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ đối với các lĩnh vực và chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước về các khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chủ động tiếp cận người dân, DN thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, trái cây… để đánh giá về nhu cầu tín dụng, đảm bảo đủ nguồn vốn cho DN thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.
Lãnh đạo NHNN yêu cầu các NH phải nhanh chóng bố trí vốn hỗ trợ DN xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL và nông dân duy trì sản xuất; không để các chuỗi hoạt động ngành nông nghiệp đứt gãy vì thiếu vốn. Trong quá trình cho vay, tuyệt đối các NH không được ép DN, nông dân… mua bảo hiểm. Không được áp dụng cho vay kèm theo các điều kiện không đúng quy định. |
Huỳnh Lợi