PNO - Tại hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” do Trường đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 27/12, nhiều chuyên gia đánh giá việc chăm lo sức khỏe tinh thần cho lứa tuổi vị thành niên đã vô cùng cấp bách..
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho hay, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, trung bình mỗi ngày ông nhận được ít nhất 69 yêu cầu tư vấn và chăm sóc tinh thần, trong đó nhiều yêu cầu liên quan đến các biểu hiện lo sợ, căng thẳng sau COVID-19. Thậm chí, một bạn trẻ chia sẻ, dù đang chạy trên đường nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng còi xe cấp cứu là phải tấp ngay vào lề. Bởi em không thể làm chủ bản thân khi nghe lại âm thanh và nhớ lại cảm xúc ấy, cha em từng nằm trên chiếc xe cấp cứu và bản thân em cũng từng 2 lần bị COVID-19. Không chỉ với trẻ em bị mồ côi vì COVID-19, mà sang chấn tâm lý sau đại dịch còn xảy ra với đông đảo trẻ em. Theo ông Sơn, trong số những trẻ em mà ông đã tiếp nhận điều trị tâm lý, có 15% trẻ mồ côi vì COVID-19, nghĩa là rất nhiều em tuy không mất mát người thân nhưng vẫn rất cần sự nâng đỡ tinh thần.
Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng Khoa Tâm lý học Trường đại học Sư phạm TPHCM - nhìn nhận, lứa tuổi vị thành niên dễ xuất hiện tính nhạy cảm tăng cường với một số tác động gây chấn thương tâm lý, cho nên đây là đối tượng bị tổn thương tâm lý nặng nề nhất sau đại dịch. Theo bà Hạnh, khảo sát thực trạng từ đề tài nghiên cứu sinh “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam” cho thấy, trong số gần 3.500 trẻ được nghiên cứu có hơn 37% có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Trong đó, có đến 53,1% trẻ thực hiện tự hủy hoại bản thân ở mức trung bình, biểu hiện là trẻ thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân thường xuyên (từ 8-11 lần/năm) để lại hậu quả nghiêm trọng; 41,3% tự hủy hoại bản thân ở mức nhẹ, từ 5-7 lần/năm. Đáng lo ngại, có 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, rất thường xuyên (từ 12 lần trở lên), để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ - Khoa Tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM - nêu thực trạng đáng lo ngại về ý định tự sát ở lứa tuổi vị thành niên. Khảo sát 400 em từ 12-18 tuổi ở TPHCM, sau sàng lọc lần 2, có 8 em có ý định tự sát ở mức độ cao (mức độ 4). Trong đó, có 3 em đang học lớp Ba, 1 em lớp Bốn và 4 em lớp Năm. Về học lực, có 3 em học giỏi, các em còn lại học khá. Về điều kiện kinh tế gia đình, 2 em thuộc gia đình thu nhập dưới 9 triệu đồng, 2 em thuộc gia đình thu nhập từ 9-19 triệu đồng và 4 em còn lại thuộc mức trên 19 triệu đồng. Theo ông Vũ, nguyên nhân đến từ nỗi sợ về COVID-19, sự gián đoạn học tập và hệ quả của dạy học trực tuyến không hiệu quả, hệ quả kinh tế của giãn cách xã hội, sự mất mát, đau buồn vì mất người thân cũng như sự lo lắng, căng thẳng về cuộc sống, định hướng, học tập... đã tác động mạnh đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Hoạt động giao lưu, tư vấn tâm lý của Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM) - ẢNH: P.T.
Giáo viên cần kiến thức nền về tâm lý
Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - nhận xét hiện nay và nhất là sau đại dịch, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh đã trở nên vô cùng cấp bách. Nếu không phát hiện kịp thời các sang chấn tâm lý sẽ khiến học sinh, sinh viên từ những người không bệnh trở thành bệnh nhân thực sự. Theo ông Hiệp, nói chuyện y tế ở môi trường giáo dục là muốn nhấn mạnh đến công tác dự phòng. Dự phòng phải từ cấp độ nhà trường chứ một khi y tế ra tay là đã chậm mất một nhịp. Để làm được điều này, vai trò của giáo viên hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, các trường đại học với đội ngũ nhân lực cần chủ động đầu tư các công trình nghiên cứu, xây dựng nguồn lực cho yêu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Bà Mai Mỹ Hạnh đề xuất cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của phụ huynh, giáo viên và chính bản thân học sinh về chăm sóc sức khỏe tinh thần, trong đó có nhận diện và phòng ngừa các hành vi tự hủy hoại bản thân ở lứa tuổi vị thành niên. Nhà trường cần tích hợp các nội dung này vào chương trình giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm phù hợp từng lứa tuổi. Chẳng hạn, ở lớp Sáu các em biết tự nhận thức bản thân, lớp Bảy các em cần khả năng ứng phó với tâm lý căng thẳng, lớp Tám biết xác định mục tiêu cá nhân, lớp Chín biết thích ứng với thay đổi... Nhà trường, giáo viên cần quan tâm, sàng lọc kỹ trẻ tự ti, ít giao tiếp để kết nối và tạo điều kiện cho các em hòa đồng, phát triển kỹ năng giao tiếp. Với những em đã xác định nguy cơ cần có biện pháp tham vấn tâm lý chuyên biệt.
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Giáo dục chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM - dự báo những nguy cơ về sức khỏe tâm thần của học sinh đang và sẽ tiếp diễn rất phức tạp trong thời gian tới cả về số lượng và mức độ. Sắp tới, ngành giáo dục và ngành y tế ký kết hợp tác về chương trình y tế học đường, trong đó chú trọng phòng bệnh cho học sinh, kể cả vấn đề tinh thần, không để các em rơi vào những tình huống khó khăn, dẫn đến hành động tự gây thương tích hoặc tự sát.
Theo ông Trọng, khó khăn hiện nay là trong trường phổ thông chưa có vị trí chính thức cho chuyên viên chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh. Tuy nhiên, đây là nhu cầu tất yếu, cho nên trong tương lai nhất thiết phải có. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, các trường vẫn phối hợp với chuyên gia tâm lý bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Dù có chuyên gia tâm lý thì cũng chỉ đóng vai trò người cốt cán chứ không thể ôm tất cả. Quan trọng là nhà trường, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm và thầy cô trực tiếp giảng dạy phải tham gia nắm bắt tâm lý học sinh và kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường. Do đó, đòi hỏi trường đại học khi đào tạo giáo viên cần có những học phần bắt buộc về môn tâm lý để khi tốt nghiệp, giáo viên có kiến thức nền tảng về tâm lý học đường. Bên cạnh đó, hiện nay trường đại học với nguồn nhân lực dồi dào là các sinh viên ngành tâm lý có thể hình thành các trung tâm tham vấn tâm lý, là địa chỉ đáng tin cậy cho phụ huynh, học sinh tìm đến” - ông Trọng nói.
42,2% sinh viên TPHCM trầm cảm nặng
Đề tài nghiên cứu thực trạng sức khỏe tinh thần của hơn 600 sinh viên tại TPHCM của tiến sĩ Đỗ Tất Thiên - Phó trưởng Khoa Tâm lý học Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho thấy, số lượng sinh viên nguy cơ trầm cảm nặng chiếm tỉ lệ cao nhất (42,2%), trầm cảm trung bình chiếm 33,2%, trầm cảm nhẹ 19% và chỉ có 5,6% ở mức trầm cảm tối thiểu. Trong đó, có hơn 10% sinh viên có biểu hiện “nghĩ rằng mình chết đi sẽ tốt hơn, hoặc làm đau hay tổn thương cơ thể theo một cách nào đó” với mức độ cao nhất (mức độ 4).
Gia đình là chỗ dựa tâm lý vững chắc nhất
Sinh viên Trần Trọng Nguyễn - Khoa Giáo dục chính trị Trường đại học Sư phạm TPHCM - chia sẻ thực tế hiện nay rất ít học sinh, sinh viên tìm đến môi trường tư vấn học đường hoặc cha mẹ để tâm sự khi có vấn đề tâm lý, có thể do khoảng cách về tâm lý lứa tuổi. Đa phần các em thường tìm đến bạn bè để tâm sự rất nhiều bí mật, trong khi bạn bè đồng trang lứa chưa đủ chín chắn, hiểu biết để nhận biết nguy cơ cũng như đưa ra những giải pháp phù hợp. Do đó, Nguyễn cho rằng trường học cũng như các cơ quan chức năng cần tăng cường hội thảo, chương trình giáo dục tâm lý cho học sinh để các em trang bị những kiến thức cần thiết về sức khỏe tinh thần. Đồng thời, trao đổi để các em hiểu rằng gia đình, cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho bản thân, là địa chỉ đầu tiên học sinh nên chủ động tìm đến khi có vấn đề.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.